Nước mắt nhà báo

21/06/2011 08:23
(GDVN) - Đằng sau những những lời ca tụng, để thực hiện được những bài viết, nhà báo phải trả giá bằng bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí có cả máu.

(GDVN) - Người ta vẫn thường rỉ tai nhau rằng, nhà báo là “người nắm quyền lực thứ 4”... Thế nhưng, đằng sau những những lời ca tụng đó, mấy ai biết rằng, để thực hiện được những bài viết, nhà báo phải trả giá bằng bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí có cả máu.

{iarelatednews articleid='5243,5003,4528,4476,3039,1100'}

Nhà báo Phan Lợi (Trưởng đại diện Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội): Cái khó khăn nhất của người làm báo là thiếu kiến thức

 

Đối với người làm báo, cái khó khăn nhất chính là thiếu kiến thức. Chúng ta đang sống giữa một xã hội liên tục vận động. Giới hạn giữa cái đúng - cái sai, cái cũ – cái mới hết sức mong manh và khó nhận biết. Ví như trường hợp của Vinashin, trước đây, ta ủng hộ hết mình mô hình kinh tế tập trung đa ngành như “quả đấm thép” của nền kinh tế nhưng đến thời điểm này, đó lại là mô hình có vấn đề rắc rối. Nếu người làm báo không “tỉnh”, không hiểu sâu về thông tin thì rất dễ có những bài viết nông nổi. Thậm chí dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và xã hội.

Bản thân tôi cũng như nhiều phóng viên, nhà báo khác, khi làm nghề, khó tránh được những tình huống dở khóc dở cười. Còn nhớ, khi mới đảm nhiệm vị trí Trưởng đại diện của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi có sử dụng một bài của cộng tác viên liên quan đến sự việc: Con gái ông Nguyễn Sỹ Hưng – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines ăn cắp vé máy bay, trị giá gần 10 triệu đồng.

Khi thông tin này được đưa lên, phía Vietnam Airlines không phản ánh về báo mà trực tiếp gửi văn bản lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đòi cải chính với những lời lẽ quyết liệt. Lý do họ đưa ra là báo chí đã xâm phạm đời tư cá nhân của vị Chủ tịch này.

Lúc đó, bản thân tôi thực sự lo lắng vì là người biên tập, mình sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về vấn đề này đồng thời còn liên quan tới uy tín lâu năm của tòa soạn. Chính vì vậy, tôi phải loay hoay tìm hiểu rất nhiều văn bản luật pháp để có thể lập luận lại, đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Cuối cùng, sự việc cũng êm xuôi nhưng nghĩ lại, trong trường hợp ấy, nếu tâm thế của mình không vững, kiến thức không đủ thì khó có thể giữ vững được chân lý.

Phóng viên Lê Quý Dương (Tiền Phong): Cuộc đời làm báo không trải bằng “sữa và hoa hồng”

Nghề báo là nghề nguy hiểm, câu đó có thể không đúng với một số người làm báo nhưng gần như chính xác tuyệt đối với những phóng viên làm pháp luật. Tới giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa hết hoàn hồn về chuyện xảy ra năm 2006, một sự vụ không chỉ có nước mắt mà còn có cả máu.

Đó là rạng sáng một ngày tháng 9, sau khi thực hiện một loạt bài điều tra, tôi ngồi quán nước cùng đồng nghiệp tại cổng Bộ Y Tế - 138 Giảng Võ thì có một đôi nam nữ ngồi cạnh uống nước. Khoảng 10 phút sau đó, thêm 10 thanh niên nữa xuất hiện, mang tuýp nước và gậy gỗ đến hành hung bốn anh em phóng viên. Không kịp trở tay vì quá bất ngờ, mình “lãnh” nguyên một gậy vào người và một gậy vào thái dương, khiến người quay cuồng.

Nhưng thế vẫn là may mắn, anh Đinh Công Tiến, khi đó là phóng viên báo An ninh Thủ đô bị chém trọng thương, mất máu trầm trọng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Trên đường đi, anh Tiến liên tiếp gọi tên vợ… Nhìn cảnh ấy mà không thể cầm nước mắt. Ngỡ tưởng sẽ phải từ bỏ nghề, ấy vậy mà cuối cùng cứ như miếng sắt bị nam châm hút vào, không tách ra được. Thôi thì xác định phải “sống chung với lũ”.

Cuộc đời làm báo là vậy, chẳng có con đường nào trải bằng sữa và hoa hồng. Đã bước vào là phài chấp nhận chông gai!

Phóng viên Nguyễn Thu  Dung (Phụ nữ Việt Nam): Bài học về sự can đảm

 

Bản tính tôi vốn cũng yếu đuối và thậm chí dễ nản lòng. Vì thế, khi còn là sinh viên, tôi đã nghĩ rất nhiều lần, có lẽ sẽ không bao giờ mình có thể làm báo!

Nhưng mỗi chuyến đi đều cho tôi một bài học. Đặc biệt là bài học về sự can đảm. Không thể quên lần tôi cùng một cô bạn mới ra trường phóng xe máy từ Hà Nội lên Lào Cai. Quãng đường dài với những con dốc hun hút như muốn nuốt chửng những mạng người. Mất rất nhiều thời gian đi xe máy, rồi đi bộ, mệt không thở nổi, chúng tôi cũng tới được bãi vàng. 2 ngày ở bãi vàng là 2 ngày chúng tôi cắt đứt liên lạc với thế giới xung quanh, vì mạng điện thoại không được phủ sóng.

Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ lại nơi lán trại của cán bộ thăm dò khai thác mỏ vàng. “Bên ta” và bên địch (vàng tặc) chỉ cách nhau một khe núi, nơi đây thường xuyên diễn ra xung đột, bạo lực giữa vàng tặc và cán bộ thăm dò mỏ vàng. Chỉ bằng những phát súng vô tình, mạng người trong phút chốc đều có thể trở thành cỏ rác. Màn đêm dày dặc, khu lán trại trống hơ trống hoác chỉ có 2 cô gái là hai nhà báo chúng tôi, và 2 anh kỹ sư ở lại lán trông coi mỏ vàng,.

Đêm chỉ có tiếng chó sủa, tiếng vài ba loài chim rừng cô độc… Tôi trằn trọc thức trắng... Tôi nằm im nghe tiếng rừng, và nắm chặt đèn pin trong tay, phòng trường hợp “vàng tặc” vào cướp lán, hoặc… tự bảo vệ vì mình là con gái.

Đến lúc trời sáng, mới thở phào nhẹ nhõm vì mình an toàn. Tôi bắt đầu theo chân các kỹ sư  tìm hiểu về vàng tặc. Mất gần 1 tuần chúng tôi mới tìm hiểu được đủ thông tin mà theo chúng tôi là cần thiết.

Hay lần tôi đi vào Hang Kia - điểm nóng ma túy của miền Bắc. Dọc đường đi, chúng tôi  không thoát khỏi sự theo dõi của những họng súng. Chúng tôi bảo nhau tự lẩm bẩm cầu nguyện “mong qua được con dốc kia bình an”.

Trải qua những chuyến nhiều thử thách, mới hiểu rằng điều thực sự ý nghĩa đối với mình làđược sống khỏe mạnh và làm việc bằng mọi khả năng.

Phóng viên Trần Sơn Bách (Vietnam Plus): Đầu óc đôi khi căng như dây đàn

 

Là phóng viên của báo điện tử, đòi hỏi tin bài cập nhật kịp thời, nhanh chóng nên cường độ làm việc của chúng tôi phải khẩn trương, mau lẹ. Mỗi khi có sự kiện, ai cũng phải gác lại tất cả công việc riêng tư của mình và bắt đầu “hì hục” điện thoại hết nơi này đến nơi khác, vận dụng mọi mối quan hệ quen biết…

Nhiều lúc, nửa đêm phải chạy đi lấy tin, về tới nhà, trời gần sáng, thân mỏi rã rời nhưng cũng vẫn phải lạch cạch gõ bài cho “nóng sốt”. Đầu óc nhiều khi căng như dây đàn.

Còn nhớ, trận lũ lịch sử hồi tháng 10 năm ngoái, cả miền Trung bàng hoàng trong sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên. Bao con người và của cải đều cuốn phăng theo dòng nước. Chúng tôi lần đầu tiên tìm về vùng tâm bão. Cả một ngày bì bom lội sông nước, về đến nơi ở, vớ được gói mì tôm phải ăn nháo ăn nhào. Sau khi viết liền một mạch 4 bài viết, không kịp ngả lưng, trời sáng lại bắt đầu bước vào vòng quanh dường như không ngừng nghỉ ấy.

Huyền Anh