Ông Cự, ông Hoàng có bị truy thu hoặc bồi hoàn những gì đã hưởng?

06/05/2017 07:46
THỤY DU
(GDVN) - Việc đưa ra quyết định cách chức chỉ có hiệu lực pháp lý từ khi ký quyết định kỷ luật. Do đó, những gì mà họ đã hưởng (lương, phụ cấp...) thì rất khó lấy lại.

Rất khó thu hồi chế độ của người bị cách chức trong quá khứ 

Hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao vừa bị xử lý kỷ luật vì liên quan tới những vi phạm trong quản lý kinh tế và công tác cán bộ.

Cụ thể, ông Võ Kim Cự bị kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Ban cán sự đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Cự có trách nhiệm liên quan tới sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng...

Ông Bùi Đức Thụ - Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội). Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.
Ông Bùi Đức Thụ - Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội). Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần truy thu hoặc đề nghị những nguyên cán bộ bị cách chức trong quá khứ phải bồi hoàn chế độ (lương, phụ cấp...) đã được hưởng.

Trong khi đó, một vài ý kiến khác thì có quan điểm ngược lại, đồng thời cho rằng, việc truy thu các chế độ trong quá khứ đối với người bị cách hết chức vụ là điều rất khó thực hiện.

"Quyết định cách chức chỉ có hiệu lực pháp lý bắt đầu từ thời điểm ký quyết định kỷ luật.

Do đó, những chế độ mà họ đã hưởng (lương, phụ cấp...) từ chức vụ mang lại rất khó lấy lại vì pháp luật không thể hồi tố được việc này", ông Bùi Đức Thụ - Phó ban Công tác Đại biểu (nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 5/5.

Vị Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, cán bộ về hưu nếu có vi phạm cũng sẽ bị xử lý như những người khác nếu vi phạm pháp luật.

"Những cán bộ về hưu chỉ còn thẻ đảng viên và tư cách

Ông Cự, ông Hoàng có bị truy thu hoặc bồi hoàn những gì đã hưởng? ảnh 2

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói tài sản cán bộ không phải bí mật quốc gia

công dân. Nếu anh vi phạm hoặc không xứng đáng thì sẽ thực hiện kỷ luật đối với đảng viên.

Còn với tư cách công dân thì dù anh là ai sau khi về hưu cũng phải xử lý kỷ luật.

Nhẹ thì xử lý hành chính, nặng thì khởi tố.

Về mặt nhà nước nếu sai phạm để lại hậu quả, thậm chí ngay cả khi anh đã về hưu thì cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét chuyển sang xử lý hình sự", ông Thụ nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, rất khó truy thu, hoặc đề nghị người bị cách chức hoàn lại chế độ mà họ đã hưởng trước đó.

"Những phụ cấp đó được tính trong lương và họ được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. 

Các chế độ lương hưu hưởng theo quy định (mức đóng) Bảo hiểm xã hội.

Do vậy, việc đề nghị hoặc truy thu chế độ (lương theo bậc, phụ cấp...) người bị cách chức trong quá khứ đã hưởng trước đó là điều rất khó thực hiện", ông Nguyễn Bá Thuyền cho biết.

Ông Thuyền cho biết thêm: "Đối với những cán bộ cấp cao về hưu, khi bị kỷ luật cách chức thì các chế độ đãi ngộ như đi du lịch, khám chữa bệnh định kỳ... sẽ không được hưởng như những người khác.

Thực ra đối với các cán bộ nói trên, khi họ nghỉ hưu thì chỉ là công dân bình thường.

Cho nên, theo quan điểm cá nhân tôi, việc kỷ luật này nhằm mục đích răn đe, nhằm vào uy tín và danh dự của người vi phạm hơn là mục đích kinh tế", ông Thuyền nói.

Chỉ đạo đó có bị vô hiệu khi nguyên cán bộ bị mất chức?

Một số ý kiến khác bày tỏ băn khoăn rằng, nếu kỷ luật/cách chức cán bộ trong quá khứ thì tất cả các chỉ đạo, điều hành của họ liên quan tới vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội, công tác cán bộ trước đó sẽ như thế nào?

Chỉ đạo đó có bị vô hiệu không?

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (ảnh: Ngọc Quang).
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XIII (ảnh: Ngọc Quang).

Về việc này, ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, không thể có chuyện cách chức trong quá khứ của cán bộ khi họ vi phạm ở vụ việc này mà vô hiệu hóa tất cả những chỉ đạo khác của họ đã ban hành.

"Thực tế từ trước tới nay, chúng ta chưa có luật và cũng chưa có tiền lệ về xử lý chuyện này.

Tuy nhiên, nếu anh bị cách chức vì vi phạm trong quản lý, bảo vệ môi trường thì không thể vô hiệu hóa văn bản, quyết định liên quan tới việc bổ nhiệm cán bộ của anh được.

Hay nói cách khác, người ta bị cách chức vì vi phạm trong một sự việc, nhưng các chỉ đạo, quyết định hành chính khác vẫn phải được tôn trọng nếu nó được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Chuyện gì ra chuyện đó, chứ không thể vì chuyện cách chức mà phủ nhận sạch trơn được", ông Thuyền nói.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, cần thiết phải có cơ chế cụ thể để xử lý triệt để những trường hợp đã nghỉ hưu nhưng bị phát hiện vi phạm trong quá khứ. 

"Phải đặc biệt chú ý tới công tác đề bạt, bổ nhiệm, giám sát cán bộ, giám sát quyền lực, để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra theo cách tương tự.

Bởi một khi quyền lực không được giám sát, kiểm soát từ khâu đầu vào thì quyền lực ấy rất dễ bị tha hóa, dẫn tới những vi phạm trong công tác quản lý, điều hành.

Tôi cho rằng, nếu làm chặt chẽ công tác cán bộ, chắc chắn sẽ không thể có vi phạm như vậy.

Còn nếu chỉ kỷ luật trong quá khứ đối với những người về hưu như cách chúng ta đang làm thì chỉ chỉ là giải pháp mang tính tình thế, nửa vời, chưa giải quyết tận gốc vấn đề...", ông Thuyền nói.

THỤY DU