Ông Dương Trung Quốc: 'Ai cũng biết Sử là quý, nhưng...'

05/05/2013 14:31
Quyên Quyên
(GDVN) - “Những người hoạt động lâu dài trong ngành sử đều không nhận được giá trị cao nào khác ngoài giá trị tinh thần. Ai cũng nói biết sử là quý nhưng để tạo thành một nghề nhiệp thì còn nhiều hạn chế”
Tại lễ tôn vinh học sinh giỏi (HSG) quốc gia môn Lịch sử lần thứ 2 tổ chức ngày 4/6, nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu: “Lễ trao giải lần thứ nhất đã để lại những dư âm và hiệu ứng tốt đẹp thể hiện mối quan tâm của toàn xã hội, những người hoạt động trong lĩnh vực sử học và ngành giáo dục, của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đối với việc tăng cường chất lượng môn sử trong trường phổ thông. Đương nhiên những hiệu ứng của nó chưa mang lại kết quả như chúng ta mong đợi, nhưng đó là những việc làm hết sức ý nghĩa để động viên và hướng tới những kết quả tốt đẹp hơn”.
Bên lề lễ tôn vinh HSG quốc gia môn sử, trao đổi với PV về những điều còn trăn trở với môn học này, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Những vấn đề căn bản như sách giáo khoa, phương pháp dạy và học cần một quá trình lâu dài. Mong rằng những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Những vấn đề căn bản như sách giáo khoa, phương pháp dạy và học cần một quá trình lâu dài. (Ảnh: Quyên Quyên)
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Những vấn đề căn bản như sách giáo khoa, phương pháp dạy và học cần một quá trình lâu dài. (Ảnh: Quyên Quyên)

Tại sự kiện, GS Phan Huy Lê đã chia sẻ một thực tế: Năm 2012, trong số 211 học sinh giỏi quốc gia môn Sử được miễn thi và được tuyển thẳng vào đại học ở các khoa có môn Sử (khối C) thì chỉ có 13 em (chưa đến 10%) sử dụng quyền tuyển thẳng của mình để vào đại học. Theo GS Phan Huy Lê mặc dù đây chưa phải là số liệu đầy đủ nhưng bản thân ông khi nghe thấy con số này cũng rất buồn. Bởi vì ngay các trường đại học cũng chưa tạo nên sự hấp dẫn, chưa phải là sự lựa chọn của học sinh giỏi môn sử ở các trường phổ thông. 
Cũng về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm: Bộ Giáo dục đã mở rộng cánh cửa cho học sinh đạt chất lượng cao môn sử là tuyển thẳng đại học. Tuy vậy, theo thống kê ban đầu, hiện nay học sinh giỏi đi theo môn sử chưa phải là nhiều. 

“Nhưng chúng tôi không quan tâm nhiều đến điều đó, bởi lịch sử khác với những chuyên ngành khác. Lịch sử mang lại phẩm chất cho con người, ý thức công dân, tạo nền tảng cho học sinh đi vào ngành nghề khác. Đừng trách các em, các em cũng phải có tương lai và cách hướng nghiệp riêng tùy từng điều kiện cá nhân. Vì vậy chúng ta nên tôn trọng các em. Hiện nay, do yêu cầu xã hội rất cần đến những ngành kinh tế, công nghệ cao để học sinh nhận được công ăn việc làm, lương bổng tốt hơn”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Ông trăn trở: “Những người hoạt động lâu dài trong ngành sử đều không nhận được giá trị cao nào khác ngoài giá trị tinh thần. Ai cũng nói biết sử là quý nhưng để tạo thành một nghề nghiệp thì còn nhiều hạn chế”.
Còn về chế độ đãi ngộ, ông nói: "Chúng tôi đang cố gắng khích lệ các em, còn việc đãi ngộ cần sự giúp đỡ của toàn dân và phụ thuộc vào giá trị xã hội".

Làm sao để giữ "lửa" với môn Sử?

Về vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc có chung quan điểm với rất nhiều HS đoạt giải quốc gia: Bí quyết thành công trong môn sử là niềm đam mê.

“Hiện nay tôi thấy rất nhiều sân chơi cộng đồng cho các em toàn đánh đố trí nhớ. Học sử theo cách đánh đố trí nhớ là cần thiết nhưng không phải là quan trọng. Trong thời đại này, học sinh có rất nhiều công cụ để thay trí nhớ, chỉ một click chuột là ra biết bao tri thức. Vậy vấn đề còn lại là học thế nào để cho các em hứng thú".

Ông tiếp: "Tính hiện thực của lịch sử các bạn có thể đọc được trong sách, phim, hình ảnh. Tính ngụ ngôn rất quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử. Tôi lấy ví dụ về tư duy lịch sử là mối quan hệ nhân quả, con người làm việc thiện thì sẽ được hưởng điều tốt. Điều này thể hiện rất rõ trong tôn giáo, trong hệ thống xã hội mà lịch sử là rõ nhất. Xã hội luôn đánh giá với những người có công với cộng đồng là truyền thống, tập quán tôn thờ, vinh danh. Tất cả những kẻ mang tội ác trong lịch sử đều nhận được bài học sâu sắc”.

Ngoài ra, ông cũng nêu ra phương pháp tiếp cận Lịch sử để nó không trở nên nhàm tẻ: "Tôi muốn nói câu chuyện cách đây nửa thế kỷ khi tôi bắt đầu lớn lên trong học đường. Niềm đam mê học sử đến từ chính những người thầy cô. Ngày nay, niềm đam mê ngày càng ít đi vì xu thế rõ ràng đầu tư cho sử bình thường như môn khác. Nghề nào có nghiệp ấy. Một người học sử mà không được đi đến các không gian lịch sử, tiếp cận đến chuyện lịch sử rất khó tạo cảm hứng. Nếu học thuộc lòng môn sử rất tẻ nhạt, vì vậy học sinh không quan tâm đến lịch sử là chuyện đương nhiên".
Quyên Quyên