Ông Hun Sen muốn học mô hình quản trị của ông Tập Cận Bình

14/05/2017 09:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Thủ tướng Hun Sen giờ đây đang tìm kiếm mô hình của Bắc Kinh và nhờ họ tư vấn về cách phát triển các thể chế quốc gia.

Asia Times ngày 13/5 có bài phân tích của tác giả David Hutt nhận định, Campuchia đang tìm cách học mô hình quản trị quốc gia của Trung Quốc, Thủ tướng Hun Sen muốn sao chép mô hình nhà nước mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức đến Campuchia lần đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia vào tháng 10 năm ngoái, mang theo gói cam kết viện trợ 237 triệu USD và xóa nợ 90 triệu USD cho Phnom Penh.

Thủ tướng Hun Sen đã cảm kích nói rằng, đất nước Chùa Tháp sẽ không phát triển nhanh chóng như gần đây nếu không có sự hào phóng của "người bạn Trung Quốc".

Chủ tịch Tập Cận Bình đáp từ, Hun Sen là "một người bạn tuyệt vời" của Bắc Kinh.

Hình ảnh những người Campuchia vẫy cờ và giương hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón ông sang thăm năm ngoái, ảnh: The Cambodia Daily.
Hình ảnh những người Campuchia vẫy cờ và giương hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón ông sang thăm năm ngoái, ảnh: The Cambodia Daily.

Khác với các nước phương Tây, viện trợ của Trung Quốc không đi kèm bất kỳ điều kiện nào về dân chủ hay nhân quyền.

Nhưng trong vấn đề Biển Đông, Campuchia là thành viên ASEAN phản đối mạnh mẽ nhất những tiếng nói lên án Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp.

Trung Quốc gần đây đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với ông Hun Sen mặc dù trong lịch sử, chính họ đã từng hỗ trợ cho Khmer Đỏ.

Cùng với việc giai đoạn lịch sử đau thương đó hiện đang bị chôn vùi, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thâm nhập vào nền chính trị Campuchia.

Ví dụ trong tháng Chín năm ngoái, Bộ Tư pháp Campuchia đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ giúp đất nước Chùa Tháp cải cách hệ thống tư pháp.

Cải cách là cần thiết, nhất là dưới góc nhìn của phương Tây. Nhưng Trung Quốc có phải là mô hình tốt nhất cho nền tư pháp Campuchia hay không? David Hutt đặt câu hỏi.

Các chính phủ phương Tây cho đến nay cũng đã có những lời khuyên và hỗ trợ Phnom Penh xây dựng các thể chế tư pháp độc lập.

Ông Hun Sen cũng đang tìm đến Bắc Kinh để học hỏi cách quản lý các thông điệp của mình.

Tháng trước, một thỏa thuận hợp tác chung giữa Campuchia và Trung Quốc được ký tại Phnom Penh để thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan truyền thông nhà nước hai bên.

Các quan chức Bộ Thông tin Campuchia sẽ đến Trung Quốc để "trao đổi giáo dục", các nhà báo Campuchia, chủ yếu là từ các kênh truyền thông nhà nước và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền sẽ được trao học bổng sang đào tạo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Giới phê bình lo ngại rằng, những cuộc trao đổi chính thức như thế này sẽ nhập khẩu mô hình kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ và tinh vi với truyền thông của Trung Quốc.

Ông Hun Sen muốn học mô hình quản trị của ông Tập Cận Bình ảnh 2

Ngoại trưởng Campuchia bình luận về hiện trạng và dự đoán tương lai Biển Đông

Trước chuyến thăm Campuchia của ông Tập Cận Bình năm ngoái, Trung Quốc đã cam kết giúp nước này hiện đại hóa lực lượng quân sự thông qua tăng cường viện trợ quân sự.

Bắc Kinh trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Phnom Penh kể từ năm 2013.  

Ông Hun Sen đã hủy bỏ các cuộc tập trận chung giữa Campuchia với Hoa Kỳ một cách đột ngột trong tháng Giêng năm nay. Các cuộc diễn tập chung giữa hai nước được lên kế hoạch cho năm 2018 cũng dừng lại vì lý do bầu cử.

Trung Quốc cũng đang giúp Campuchia tiến hành các cuộc thăm dò và rót 11,7 triệu USD viện trợ cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) thông qua các mặt hàng ô tô, xe máy, máy tính, máy in để phục vụ cuộc bầu cử cấp xã sẽ diễn ra trong tháng Sáu này.

Các cuộc thăm dò là thước đo quan trọng về tình hình cử tri trước bầu cử. EU và Nhật Bản đã dành lần lượt 6,7 triệu USD và 1,1 triệu USD để giúp Campuchia tiến hành các cuộc bầu cử cấp xã.

Năm 2003 Trung Quốc đã viện trợ các mặt hàng phục vụ bầu cử tại Campuchia tổng trị giá 20 ngàn USD. Năm nay là lần đầu tiên Trung Quốc viện trợ cho bầu cử Campuchia nhiều hơn bất kỳ nhà tài trợ nào khác.

Thủ tướng Hun Sen giờ đây đang tìm kiếm mô hình của Bắc Kinh và nhờ họ tư vấn về cách phát triển các thể chế quốc gia. Hôm 11/4 ông chủ trì buổi lễ phát hành bộ sách "Quản trị quốc gia Trung Quốc" của ông Tập Cận Bình được dịch sang tiếng Khmer.

China Daily tường thuật về sự kiện này, đã dẫn lời cố vấn của Thủ tướng Campuchia, ông Sok Sok nói rằng, ông tin sự phát triển của Trung Quốc là một "mô hình tốt đẹp" cho Campuchia.

Bắc Kinh quan tâm đến việc phổ biến tầm nhìn của mình đối với tương lai châu Á và Trung Quốc giữ vai trò trung tâm của nó.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh năm ngoái đã lập quỹ phát triển Trung tâm Nghiên cứu Con đường tơ lụa tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh, tập trung vào nghiên cứu "sáng kiến Một vành đai, một con đường".

Xu hướng Campuchia ngày càng ngả về Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm triệt để các hỗ trợ cho những nước đang phát triển.

Một tài liệu bị rò rỉ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong tháng Tư đã cho thấy, dự kiến viện trợ của Mỹ cho Campuchia sẽ giảm 60% vào năm 2018, từ 77,4 triệu USD xuống 22,9 triệu USD. [1]

Ở một góc độ khác, góc độ kinh tế, tờ Nikkei Asian Review ngày 16/3 vừa qua có bài tường thuật về xu thế "Trung Quốc hóa Campuchia". Bài báo cho biết: 

Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm.

Hội đồng Phát triển Campuchia cho hay, Trung Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn nhất từ năm 2011, với tổng số tiền tích lũy đến thời điểm đầu tháng 12/2016 đạt 4,9 tỉ USD.

Các tòa nhà mới đang mọc lên khắp mọi nơi trên đất nước Chùa Tháp, và chủ yếu được xây bằng tiền Trung Quốc. Ngày càng nhiều người Campuchia kiếm được việc làm nhờ biết tiếng Trung Quốc.

Ngày 1/12 năm ngoái, ông Hun Sen nói với một phái đoàn doanh nghiệp đến từ Trung Quốc: "Tôi có thể nói rằng, Trung Quốc là người bạn thân thiết nhất đã giúp chúng tôi xây dựng con đường dài nhất, khoảng 1500 km và 7 cây cầu dài khoảng 3104 mét".

Sự hiện diện của Trung Quốc trong ngành điện Campuchia cũng đang gia tăng rõ rệt.

Trang web chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết, các công ty Trung Quốc cung cấp khoảng 80% tổng sản lượng điện được sản xuất tại Campuchia năm 2016.

Hãng Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng và Thủy điện Campuchia Suy Sem đã cảm ơn Bắc Kinh đã đầu tư 2,4 tỉ USD cho 7 nhà máy điện tại Campuchia trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên Nikkei Asian Review lưu ý, sẽ không có bữa trưa nào miễn phí.

Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia không đòi hỏi các điều kiện về dân chủ nhân quyền như phương Tây, nhưng đòi hỏi Phnom Penh phải biết "tăng cường phối hợp và hợp tác trong các khuôn khổ đa phương và duy trì quan hệ gần gũi, ủng hộ nhau mạnh mẽ".

Vấn đề Biển Đông đã thể hiện rõ điều này. Ngoài ra, những dự án do Trung Quốc đầu tư tại Campuchia cũng gặp nhiều vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng gây ra những phản ứng tiêu cực, bức xúc trong xã hội. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.atimes.com/article/cambodia-looks-china-governance-guidance/

[2]http://asia.nikkei.com/magazine/20170316/On-the-Cover/The-Chinazation-of-Cambodia?page=2

Hồng Thủy