Ông John McCain ngăn cản, Mỹ chính thức không để tàu sân bay đến Trung Quốc

09/02/2015 09:36
Việt Dũng
(GDVN) - Ông John McCain đã viết thư gửi Lầu Năm Góc yêu cầu không được phát đi tín hiệu cho các đồng minh và đối tác trong khu vực, Lầu Năm Góc đã từ bỏ kế hoạch này.

Thượng nghị sĩ Mỹ ngăn cản tàu sân bay thăm Trung Quốc

Tờ "Washington Post" ngày 5 tháng 2 cho hay, thượng nghị sĩ lâu năm Đảng Cộng hòa John McCain vừa viết một bức thư từ Đồi Capitol gửi đến Lầu Năm Góc đề nghị "Đừng để tàu sân bay của bạn đi Trung Quốc". 

Trong bức thư, ông John McCain cực lực phản đối "tàu sân bay thăm Trung Quốc", cho rằng, "tôn trọng Trung Quốc" như vậy sẽ phát đi tín hiệu sai lầm đối với các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương đang mong muốn Mỹ lãnh đạo ứng phó Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain Mỹ
Thượng nghị sĩ John McCain Mỹ

Tháng 7 năm 2014, tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ đã dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Jonathan Greenert (sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc đề nghị cho tàu sân bay của hai nước Trung-Mỹ thăm lẫn nhau, ông bày tỏ "có thể chấp nhận" đối với vấn đề này.

Vào tuần trước, cũng tờ "Nhật báo Phố Wall" tuyên bố "Lầu Năm Góc quyết định tạm dừng giao lưu quân sự mới Mỹ-Trung", nhưng Bộ Quốc phòng của hai nước Trung Quốc và Mỹ đều phủ nhận.

Theo báo "Nhân Dân" Trung Quốc, trên thực tế, tàu sân bay Mỹ từng nhiều lần đi qua Hồng Kông, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cũng từng lên tàu sân bay Mỹ, nhưng nếu tàu sân bay tiên tiến Mỹ thăm cảng trong đất liền của Trung Quốc thì sẽ là lần đầu tiên - điều này thực sự sắp xảy ra? Đến nay, quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc chưa xác nhận, cũng không phủ nhận, tạo ra không gian lớn để ông John McCain lên tiếng phản đối.

Theo bài báo, là người sắp rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Chuck Hagel lại có một "chuyện phiền toái" đặt lên bàn làm việc. Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viên John McCain đã gửi thư cho cấp phó của ông Chuck Hagel là Walker, khuyên họ từ bỏ ý nghĩ cho phép tàu sân bay lớp Nimitz tiên tiến của Mỹ thăm cảng ở đất liền của Trung Quốc.

Trong thư, ông John McCain nói, tàu sân bay lớp Nimitz là "một trong những công cụ quân sự tinh vi, phức tạp nhất, khả năng sát thương nhất trong lịch sử thế giới", chấp nhận lời mời của Trung Quốc đưa tàu sân bay như vậy đến thăm Trung Quốc sẽ trở thành một sai lầm mang tính chính trị và tính tượng trưng.

John McCain viết: "Điều động trang bị tác chiến như vậy đi Trung Quốc sẽ bị cộng đồng quốc tế xem là thể hiện sự tôn trọng đối với Trung Quốc và hải quân của họ, có thể thúc đẩy Trung Quốc thêm hung hăng, hăm dọa ở biển Hoa Đông và Biển Đông trong thời gian tới. Tôi cho rằng, làm như vậy sẽ phát đi tín hiệu sai lầm cho các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực, bao gồm Nhật Bản, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, họ đều đang hy vọng Mỹ phát huy khả năng lãnh đạo để ứng phó với việc Trung Quốc tiếp tục sử dụng cách uy hiếp để thúc đẩy yêu sách lãnh thổ".

Mặc dù Mỹ chưa công bố chính thức việc có cho tàu sân bay thăm Trung Quốc hay không, nhưng theo tờ "Washington Post", Lầu Năm Góc quả thật đang cân nhắc điều tàu sân bay tiến hành chuyến thăm lịch sử tới cảng ở đất liền Trung Quốc, điều này đã trở thành mối quan tâm của Quốc hội Mỹ.

Trên đường băng tàu sân bay Mỹ
Trên đường băng tàu sân bay Mỹ

Theo bài viết, ngoài ông John McCain, thượng nghị sĩ Mỹ Randy Forbes tháng 12 năm 2014 cũng từng gửi thư cho ông Chuck Hagel, bày tỏ lo ngại ngày càng nghiêm trọng đối với quỹ đạo tổng thể tăng cường giao lưu giữa quân đội hai nước Mỹ và Trung Quốc, ông chất vấn Lầu Năm Góc thúc đẩy giao lưu như vậy có thể làm cho Mỹ được những gì, yêu cầu ông Chuck Hagel chính thức tiến hành đánh giá lại một cách kỹ lưỡng đối với chính sách tổng thể của Lầu Năm Góc.

Theo quan điểm của truyền thông Mỹ, giao lưu quân sự Mỹ-Trung gây lo ngại ở Mỹ thực tế là chỉ "tàu sân bay thăm nhau" của hai bên. Tờ "Nhật báo phố Wall" từng cho biết, Trung Quốc muốn cho người của họ lên tàu sân bay USS George Washington Mỹ tham quan và cho binh sĩ tàu USS George Washington lên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham quan. Đô đốc Jonathan Greenert từng cho biết, nếu được hai bên đồng ý, trong 1 năm tàu sân bay Mỹ có thể thăm cảng đất liền Trung Quốc và có thể là Thượng Hải.

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 7 tháng 2 cũng có bài viết dẫn lời chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ - Đại học Nhân dân Trung Quốc, Thời Ân Hoằng ngày 6 tháng 2 cho rằng, ông John McCain chỉ là một thượng nghị sĩ Mỹ có lập trường cứng rắn trong các vấn đề đối với Trung Quốc, phát biểu của ông không mang tính đại diện rộng rãi. Cho rằng, Trung-Mỹ cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu quân sự, đây vừa là ý kiến phổ biến của chính quyền Mỹ và Lầu Năm Góc, vừa là đồng thuận giữa chính phủ và quân đội hai nước.

Theo bài báo, Trung-Mỹ đều cho rằng, tăng cường trao đổi quân sự Trung-Mỹ có lợi ích trên 3 phương diện: Tìm cách xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát khủng hoảng, giảm rủi ro va chạm, xung đột quân sự song phương; tăng mạnh độ minh bạch quân sự của hai bên, Quân đội Mỹ do lo ngại bị phía Trung Quốc vượt qua, đặc biệt hy vọng Trung Quốc cởi mở những lĩnh vực mà họ cho rằng có khả năng làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự; truyền đi ý nguyện "hợp tác có hạn". Tóm lại, hai bên Trung-Mỹ tuy tổng thể nằm trong trạng thái cạnh tranh chiến lược, nhưng đều hy vọng thông qua tăng cường giao lưu quân sự, tăng cường lòng tin chính trị và quân sự.

Theo tờ "Nhật báo Phố Wall", sau khi ông Randy Forbes viết thư phản đối trao đổi quân sự Mỹ-Trung, Thứ trưởng Quốc phòng mỹ Christine từng viết thư trả lời cho biết: "Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên cam kết phù hợp với lợi ích chung của hai nước, tức là chúng ta phát triển một loại quan hệ hợp tác, đưa Trung Quốc trỗi dậy vào hệ thống, đồng thời quản lý, kiểm soát mang tính xây dựng đối với bất đồng giữa hai nước". Lầu Năm Góc còn cho biết, có trình tự xét duyệt chặt chẽ chuyên môn, bảo đảm những thông tin nhạy cảm không chia sẻ với Trung Quốc.

Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ

Cũng trên tờ "Nhân Dân" Trung Quốc cùng ngày cho biết, ngày 6 tháng 2, khi trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Hoàn Cầu", Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đưa ra phản ứng trước việc thượng nghị sĩ Mỹ John McCain viết thư ngăn cản tàu sân bay thăm Trung Quốc.

Trước đó, tháng 9 năm 2014, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khi trả lời "Trung-Mỹ phải chăng tiến hành tham vấn tiếp theo đối với việc cho tàu sân bay thăm lẫn nhau", cho rằng, tàu chiến hải quân Trung-Mỹ tiến hành thăm nhau là một hình thức quan trọng của giao lưu quân sự hai nước, có lợi cho quân đội hai nước tăng cường hiểu biết, tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác. Về một số chương trình và thỏa thuận cụ thể của giao lưu, hợp tác hải quân hai nước, cần hai bên tiếp tục đàm phán và xác định.

Tờ “Washington Post” Mỹ ngày 5 tháng 2 cho rằng: “Người Trung Quốc quan tâm tới việc sắp xếp cho tàu sân bay Mỹ thăm Trung Quốc, một phần nguyên nhân là Hải quân Trung Quốc luôn muốn phát triển hạm đội tàu sân bay của họ”.

Cựu lãnh đạo Viện hải quân Mỹ Steve Cowan tháng 8 năm 2014 viết bài trên tờ “Thời báo New York” đặt câu hỏi: “Tại sao phải giúp Trung Quốc đạt được tiến bộ sức mạnh quân sự?”, cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang cân nhắc cho phép binh sĩ tàu Liêu Ninh lên thăm tàu sân bay Mỹ, để họ có cơ hội học tập trình tự bảo trì và thao tác của tàu sân bay Mỹ, đây là một chủ ý tồi. Mặc dù giao lưu quân sự thực sự có thể giảm hiểu nhầm gây ra xung đột của quân đội hai nước, nhưng Washington cần xem kỹ vấn đề này dưới lăng kính từ lợi ích quốc gia Mỹ.

Steve Cowan cho rằng, đề nghị này càng giống hơn với chuyển nhượng tri thức, thậm chí có thể là chuyển nhượng công nghệ, đồng thời cuối cùng có lợi cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, khi Trung Quốc hung hăng hăm dọa đối xử với láng giềng và phát triển vũ khí như “sát thủ tàu sân bay” (tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D), giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự không phải là việc làm của Mỹ.

Tháng 5 năm 2013, tàu sân bay USS Nimitz CVN 68 Mỹ huấn luyện máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet trên Biển Đông
Tháng 5 năm 2013, tàu sân bay USS Nimitz CVN 68 Mỹ huấn luyện máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet trên Biển Đông

Sau khi Steve Cowan viết bài trên được 2 ngày, tạp chí “Lợi ích quốc gia” Mỹ cũng có một bài viết khác cho rằng, tổ chức thăm tàu sân bay chỉ là trao đổi nhân viên đơn giản, trừ phi sĩ quan Trung Quốc đọc được ý nghĩa như trong truyền thuyết, nếu không, căn bản không thể lo sợ họ tham quan tàu sân bay, trái lại, từ chối đề nghị này, sẽ có lợi cho các quan điểm về “mối đe dọa từ Trung Quốc”. Quan chức cao cấp Mỹ từng vài lần thăm tàu sân bay Liêu Ninh, do đó Trung Quốc yêu cầu “thăm đáp lễ” hoàn toàn không phải “không bình thường”.

Theo “Thời báo Hoàn Cầu”, những năm gần đây, tàu chiến hải quân hai nước Trung-Mỹ giao lưu thường xuyên, nhiều tàu chiến mặt nước mới của Trung Quốc như tàu khu trục Hải Khẩu từng thăm Mỹ, tàu chỉ huy đổ bộ USS Blue Ridge LLC-19 Mỹ cũng từng thăm Trung Quốc, nhiều tàu sân bay Mỹ như USS Kitty Hawk, USS George Washington càng coi Hồng Kông (Trung Quốc) là căn cứ tiếp tế quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Không chỉ có vậy, nhân viên Trung Quốc từng nhận lời mời của phía Mỹ, từng tham quan nhiều tàu sân bay Mỹ. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến thăm Trung Quốc vào tháng 4 năm 2014, phía Trung Quốc cũng cho ông lên tàu sân bay Liêu Ninh tham quan.

Theo bài báo, Quân đội Mỹ trước đây nhiệt tình với giao lưu quân sự không chỉ do giao lưu trao đổi có lợi cho tăng cường lòng tin quân sự, ở mức độ nhất định, Mỹ càng hy vọng thông qua giao lưu quân sự để phía Trung Quốc cảm nhận được sự khác biệt giữa hai nước.

Sau khi bước vào thế kỷ 21, cùng với thực lực quân sự của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, Mỹ có thái độ theo xu thế bảo thủ về giao lưu quân sự Mỹ-Trung. Một số nghị sĩ Quốc hội và quan chức Bộ Quốc phòng lo ngại Trung Quốc thông qua giao lưu quân sự để có được công nghệ quân sự tiên tiến, cơ quan công nghiệp quốc phòng càng lo ngại nhân viên kỹ thuật quân sự Trung Quốc dựa vào cơ hội giao lưu để ăn cắp công nghệ, sản xuất ra trang bị tương tự hoặc “phụ họa” chiếm lấy thị trường.

Có chuyên gia quân sự tiết lộ, trừ Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia và sở chỉ huy dưới lòng đất nhạy cảm nhất, hai bên Trung Quốc và Mỹ hầu như đã mở tất cả những cơ sở quân sự cho đối phương tham quan, giao lưu, bao gồm sở chỉ huy các quân chủng chủ yếu và trang bị tiên tiến hiện có. Nhưng, trên thực tế, xuất phát từ nhu cầu giữ bí mật, trước khi mở cơ sở quân sự cho tham quan, quân đội các nước trên thế giới đều tiến hành thu xếp chu đáo, khác rất nhiều so với trạng thái hoạt động thường ngày, mở cửa tham quan chỉ là một thái độ thiện chí, không có ý nghĩa thực chất.

Lấy tàu sân bay làm ví dụ, mặc dù Hải quân Mỹ thường mở cửa tàu sân bay cho công chúng hoặc nhân viên quân sự nước khác, nhưng khu vực mở cửa chỉ giới hạn ở các bộ phận như đường băng, khu sinh hoạt binh sĩ, khoang điều khiển, toàn bộ quá trình tham quan có người chuyên trách tháp tùng, hướng dẫn.

Tháng 5 năm 2013, tàu sân bay USS Nimitz CVN 68 Mỹ huấn luyện máy bay cảnh báo sớm E-2C trên Biển Đông
Tháng 5 năm 2013, tàu sân bay USS Nimitz CVN 68 Mỹ huấn luyện máy bay cảnh báo sớm E-2C trên Biển Đông

Mỹ quyết định không cho tàu sân bay đến thăm Trung Quốc

Mặc dù báo chí Trung Quốc sôi nổi quan tâm tới khả năng Mỹ cho tàu sân bay thăm Trung Quốc như trên, nhưng một sự kiện không mong muốn của họ đã xảy ra. Theo tờ “Nhật báo phố Wall” ngày 7 tháng 2, vào thứ Sáu vừa qua, Lầu Năm Góc tuyên bố, sẽ không điều tàu sân bay đến thăm Trung Quốc trong năm 2015.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren cho biết, vào thứ Năm, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về vấn đề thăm lẫn nhau giữa quân đội hai nước trong năm 2015, nhưng Mỹ đã loại bỏ kế hoạch điều tàu sân bay thăm Trung Quốc.

Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, Lầu Năm Góc đưa ra quyết định này là xuất phát từ sự lo ngại đối với các hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Quan chức này cho rằng, hủy bỏ tàu sân bay thăm Trung Quốc là nhằm phát đi một tín hiệu với Trung Quốc, tức là họ cần tích cực hơn trong việc tìm kiếm con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ khu vực.

Việt Dũng