Ông KSor Phước yêu cầu làm rõ về việc "xử quan"

25/02/2016 13:14
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – ông Ksor Phước nêu ra vấn đề này khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo nhiệm kỳ của Chánh án TADN Tối cao.

Cụ thể, ông KSor Phước đặt vấn đề: “Công tác xét xử của tòa góp phần công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng như thế nào, bởi bây giờ người ta kêu nhiều. Qua 5 năm thấy xét xử nhiều vụ án ban đầu thấy ghê gớm lắm, nhưng sau thấy đơn giản thôi.

Tòa xử lý nghiêm minh, nguyên tắc là phải đúng luật, không thể ngoài luật được. Sản phẩm của tòa tổng hợp từ điều tra, truy tố, chứ không riêng tòa. Nhưng chúng tôi nghe phong thanh thấy có nhiều cái chưa được yên tâm về các mối quan hệ”.

Ông KSor Phước cho rằng, đấu tranh trong phạm vi của tòa chưa được triệt để, tính răn đe, giáo dục trong nhiệm kỳ lúc đầu cũng bị kêu ca, sau đó có điều chỉnh lại và nâng dần tính răn đe.

Tuy nhiên, qua các vụ án, xét xử, phải giáo dục, hoàn thiện lại thể chế, không phải thể chế thuộc thẩm quyền của tòa, mà cả quản lý thể chế tài chính, công vụ, tổ chức.

“Đó là đóng góp về chính sách trong công tác phòng ngừa về tham nhũng như thế nào? Đó là chưa nói đúng tội hay không? Có vụ lẽ ra phải đưa vào tội tham nhũng, nhưng lại đưa sang tội khác. Tội danh lớn đáng xử thì không xử.

Tôi nêu ra thế để tòa làm rõ hơn một số vụ án, không nhiều, nhưng công luậnđang rất theo dõi cái này”, ông KSor Phước chỉ rõ.

Ông KSor Phước yêu cầu làm rõ những vụ xử quan ra quyết định hành chính xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức. ảnh: TTXVN.
Ông KSor Phước yêu cầu làm rõ những vụ xử quan ra quyết định hành chính xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức. ảnh: TTXVN.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, để tạo niềm tin về công lý, cần nói rõ hơn về các quyết định hành chính, nói nôm na là “xử quan” – ra quyết định hành chính mà xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức.

Những vụ này không đơn giản, bởi luật ngày càng hoàn thiện, đặc biệt luật liên quan đến công dân, tổ chức, nhưng tội phạm mưu mô quỷ kế, tìm cách lách luật.

Đã xét xử 1.233 vụ án tham nhũng

Báo cáo công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chánh án TAND Tối cao – ông Trương Hòa Bình khẳng định đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết, nên hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định.

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã khắc phục có hiệu quả những sai sót trước đây trong xét xử các vụ án hình sự, như việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thiếu căn cứ; áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, phải phân loại án ngay từ khâu điều tra ban đầu cho tới kiểm soát hoạt động điều tra của viện kiểm sát, cố gắng tránh gia hạn tạm giam. Bây giờ gia hạn lần thứ 1, lần thứ 2, rồi lại xin đặc biệt, theo tôi những việc đó phải cố gắng không làm.

Một người bị giam thì chẳng những họ khổ mà cả gia đình họ khổ. Họ đi đi lại lại, thăm nuôi, khổ lắm. Phải công khai, minh bạch để người dân yên tâm.

Đặc biệt là đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội (từ năm 2011 đến 2015  có 3 trường hợp tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội, so với nhiệm kỳ trước giảm 2 trường hợp).

Hình phạt mà tòa án tuyên phạt đối với các bị cáo đảm bảo đúng chính sách hình sự của Nhà nước là nghiêm trị những kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, lập công chuộc tội, thành khẩn khai báo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Với trách nhiệm của mình, toà án các cấp đã tăng cường và xét xử nghiêm minh đối với loại tội phạm này.

Trong 5 năm qua, các toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Ông KSor Phước yêu cầu làm rõ về việc "xử quan" ảnh 2

Đâu là những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ của Chính phủ?

Cụ thể, đó là các vụ án PMU18; vụ án Hà Nguyên Cát tại Công ty cao su Phú Riềng, Bình Phước; vụ án Phạm Thanh Bình tại tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Việt Hùng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Đức Kiên…

Hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng đảm bảo nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ.

Thẩm tra báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trong xét xử án hình sự vẫn còn để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội.

Một số TAND chưa khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ các bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán có xu hướng giảm nhưng chưa giảm mạnh.

Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của một số TAND chưa cao; nhiều bản án, quyết định có sai sót về số liệu, thông tin về người tham gia tố tụng hoặc tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án nên phải đính chính, giải thích hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Theo báo cáo công tác của Chính phủ năm 2015, tính đến hết ngày 20/9/2015, các cơ quan thi hành án dân sự đã có văn bản đề nghị đính chính, giải thích đối với 785 việc thi hành bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, có sai sót. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết còn tồn đọng nhiều.

Công tác kiểm tra giám đốc của TAND cấp trên đối với công tác xét xử của TAND cấp dưới cũng như việc thanh tra công vụ ở một số đơn vị còn chưa chủ động, chưa thường xuyên nên nhiều trường hợp chưa kịp thời phát hiện và ngăn ngừa hiệu quả vi phạm.

Việc tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn.

Ở một số đơn vị kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm, vẫn còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật.

Ngọc Quang