Ông Lê Thanh Hải chỉ rõ những yếu kém trong quy hoạch của TP HCM

27/10/2013 14:16
Ngọc Luân
(GDVN) - “Việc gia tăng cường độ mưa và mực nước triều là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận có nguyên nhân do những bất cập trong công tác quy hoạch của TP. HCM” – Đó là nhận định của đồng chí Bí thư Thành ủy TP. HCM - Lê Thanh Hải tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 diễn ra vào ngày hôm qua, 26/10/2013.

Một trong những nội dung trọng tâm của chương trình hành động lần này là các đại biểu tập trung tìm giải pháp đột phá để TP. HCM thực hiện có hiệu quả chương trình giảm ngập, giai đoạn 2011 - 2015.

Tình hình ngập của TP. HCM ngày càng khó lường

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. HCM – ông Nguyễn Hữu Tín, thì việc gần đây TP ngập nặng xuất hiện nhiều yếu tố bất ngờ cho thấy tình hình biến đổi khí hậu rất phức tạp, khó lường. Đơn cử như đợt triều cường hôm 20/10 vừa qua,  đã xuất hiện bất ngờ ngoài dự báo. Chỉ trong vòng 2 ngày của đợt triều cường lịch sử này, thành phố đã tăng thêm 19 điểm ngập, trong đó có một số điểm ngập đến gần nửa mét.

Sinh hoạt của người dân thành phố bị đình trệ trong trận ngập lịch sử vừa qua
Sinh hoạt của người dân thành phố bị đình trệ trong trận ngập lịch sử vừa qua

Thống kê của TP. HCM từ hơn 10 năm trở lại đây cho thấy, bão và áp thấp nhiệt đới ngày càng có xu thế ảnh hưởng đến Nam Bộ, trong đó, những cơn bão mạnh ngoài biển Đông thường có đường đi phức tạp và luôn gây mưa lớn, ngập úng tại TP. HCM.  

Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM thông tin, trong 5 năm trở lại đây đỉnh triều luôn vượt cấp 3 (1,5m) và dự báo sẽ còn diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới.

Đặc biệt, đỉnh triều cường tại thành phố luôn là “năm sau cao hơn năm trước”. Chẳng hạn, trong năm 2011 đỉnh triều là 1,59m, sang năm 2012 đã lên 1,62m, đến năm 2013 này đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đã đạt đến mốc 1,68m - cao nhất trong vòng 60 năm qua.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng ngập do triều cường này, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết TP. HCM, sẽ xây dựng thêm nhiều cống ngăn triều nữa trong thời gian tới. Ông cho biết, hiện thành phố mới chỉ xây dựng được 2 cống ngăn triều trong tổng số 12 cống cần thiết phải xây dựng ngay.

Trong thống kê mới nhất của Sở Giao thông vận tải cho thấy, trong đợt triều cường có kết hợp mưa lớn vào ngày 20/10 vừa qua,  TP. HCM có 19 tuyến đường thường xuyên bị ngập từ 0,1 - 0,44 m. Trong đó, có 5 điểm: Đặng Nguyên Cẩn, Tân Hóa, Chợ Lớn (quận 6), xa lộ Hà Nội (quận 2), Bình Lợi (quận Bình Thạnh) là nằm ngoài danh mục 58 điểm ngập do mưa và 26 điểm ngập do triều cường mà thành phố đã tính toán trước đó.

Bí thư Thành ủy cùng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao tại Hội nghị
Bí thư Thành ủy cùng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao tại Hội nghị

Ngoài ra, trong các điểm đã được xóa ngập thì có 3 điểm nhiều khả năng tái ngập là: Quốc lộ 1, đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) và đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp).

Tại Hội nghị các đại biểu đã chỉ rõ: nguyên nhân của thực trạng này là do quá trình phát triển đô thị đã làm thu hẹp và mất dần ao hồ, kênh rạch và quá trình bê tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích thấm nước. Đặc biệt, công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ, yếu kém nên để xảy ra tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, làm thu hẹp dòng chảy...

“Việc gia tăng cường độ mưa và mực nước triều là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận có nguyên nhân do những bất cập trong công tác quy hoạch của thành phố cũng như công tác quản lý yếu kém của các đơn vị chức năng” – đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhận định thẳng thắn.

Tìm vốn để chống ngập

Trên cơ sở đã xác định được những thực trạng trên, TP. HCM xác định rõ 5 nhóm giải pháp trọng tâm, nhằm chủ động đối phó với tình hình biến đổi khí hậu cũng như khắc phục các tồn tại trong quy hoạch để chống ngập hiệu quả.

Riêng về quản lý Nhà nước, TP. HCM sẽ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết có tính khả thi, chọn ngay một số địa điểm để xây dựng hồ điều tiết nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho các hệ thống cống hiện đang quá tải.

Song song đó, thành phố cũng sẽ hoàn thiện bản đồ cảnh báo ngập và hành lang thoát lũ khẩn cấp và  công bố thông tin đến mọi người dân.

Tình trạng ngập nặng như thời gian qua tại TP. HCM có phần lớn nguyên nhân từ công tác quản lý yếu kém
Tình trạng ngập nặng như thời gian qua tại TP. HCM có phần lớn nguyên nhân từ công tác quản lý yếu kém 

Bên cạnh việc chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “TP. HCM sẽ ưu tiên bố trí ngân sách, chủ động tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về công nghệ và tài chính từ trong và ngoài nước, đặc biệt cho sự án phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng đồng thời tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn ODA để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đe bao và cống kiểm soát triều.”

Về việc xây dựng các cống ngăn triều, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, dự toán kinh phí cho mỗi cống ngăn triều trên sông Sài Gòn hiện lên đến 100 triệu USD/cống. Vì vậy, để có thể triển khai các cống còn lại, sắp tới, TP. HCM phải tích cực tìm nguồn vốn hỗ trợ. “TP. HCM phấn đấu từ nay đến năm 2015 xây dựng xong 50% số cống ngăn triều này. Khi nào làm xong toàn bộ 12 cống thì mới giải quyết căn bản được tình trạng ngập” – Phó Chủ tịch UBND quả quyết

Theo Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nếu các ngành làm tốt công tác quản lý, khắc phục những yếu kém thì thiệt hại do biến đổi khí hậu sẽ không gây hậu quả lớn như hiện nay. Vì vậy, khuyết điểm cần khắc phục ngay là việc quản lý yếu kém, để tình trạng lấn chiếm sông rạch tràn lan, khai thác nước ngầm không kiểm soát…


Ngọc Luân