Năm 2013:

Ông Nguyễn Bá Thanh sẽ mạnh tay với sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng

13/02/2013 09:04
Nguyễn Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Đề cập đến lĩnh vực ngân hàng, tại hội nghị “Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/1/2013, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tuyên bố: "Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái của ngân hàng, cho “hốt liền”, không nói nhiều!”.

“Tối hậu thư” về việc hạ lãi suất theo quy định

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 13/11/2012, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã nhìn thấy nguy cơ nợ xấu từ tháng 8/2011 và nguy cơ nợ xấu đang tăng lên rất nhanh.

Theo số liệu của tổ chức tín dụng, đến 30/9/2012, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu khoảng 8,82%. Nợ xấu cũng liên tục tăng từ năm 2008 đến nay, đến tháng 10/2012, nợ xấu tăng khoảng 66%.

Theo một số tờ báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Vnexpress… đã đưa tin: Trước thực trạng, nguy cơ nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng đang có xu hướng tăng lên rất nhanh, ngày 7/9/2012, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc ấy trên cương vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chủ trì buổi đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Bá Thanh kêu gọi ngân hàng và doanh nghiệp hợp tác với nhau để vượt qua khó khăn, ông Thanh “dọa” đơn vị nào không giảm lãi suất đúng quy định, sẽ đề nghị dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi sang nơi khác.

“Nếu các ngân hàng không hạ lãi suất theo quy định và tiếp tục hành người đi vay, tôi sẽ công khai tên tuổi từng ngân hàng giữa cuộc họp HĐND. Đến lúc đó, người dân sẽ không đem tiền đến gửi và giao dịch với ngân hàng nữa, để xem các nhà băng sống thế nào. Ngân hàng phải hiểu và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, doanh nghiệp sống, ngân hàng sống, còn ngược lại khi doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng sập tiệm theo...” - ông Thanh nói.

buổi đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Vnexpress).
buổi đối thoại với hơn 150 doanh nghiệp và các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Vnexpress).

Ông Thanh đề nghị doanh nghiệp, UBND, Sở Kế hoạch và đầu tư TP Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, rà soát lại những doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn để giải quyết. Theo ông, bản thân ngân hàng cũng đi vay tiền rồi cho vay lại, vì thế không thể dễ dãi cấp tiền cho doanh nghiệp.

“Gặp ai làm ăn chính đáng mà khó khăn mới hỗ trợ, chứ nhiều doanh nghiệp làm bậy mà đòi được cứu thì không được. Cứu sống rồi, phải trả lại chứ không cho không”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị ngân hàng linh hoạt hơn trong khâu thẩm định và cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng không được vay, nhưng có trường hợp vay quá dễ mà làm ăn kém hiệu quả dẫn đến nợ xấu.

Tại hội nghị “Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/1, ông Nguyễn Bá Thanh nhắc lại những câu chuyện về miếng đất 100 tỉ đồng hay chuyện cái tàu cũ rich mà ông đã từng nói tới trong những hội nghị trước đó. Nhưng cái mới ở lần này là ông đưa ra ngay hướng xử lý: “Nội cái đó là bắt ngay cán bộ ngân hàng “trời ơi” đó, bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết”.

Hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng bị “sa lưới”

Và năm 2012, hàng loạt các ông lớn của các ngân hàng cũng đã bị “sa lưới pháp luật”. Thông tin về những vụ “sa lưới” này được đăng tải trên hầu hết các báo. Mà gần đây nhất vào cuối tháng 1/2013, ông Phạm Thanh Tân (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank) bị bắt giam về tội “Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Chân dung Nguyễn Đức Kiên (Bẩu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB (ảnh: internet).
Chân dung Nguyễn Đức Kiên (Bẩu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB (ảnh: internet).

Trước đó, chiều tối 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi “kinh doanh trái phép” liên quan tới sai phạm của 3 công ty con do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Bầu Kiên chính thức gia nhập ngân hàng từ năm 1994 và có 14 năm giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB). Sau này, Bầu Kiên có vai trò lớn ở nhiều nhà băng như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Kiên Long, Đại Á, Việt Nam Thương Tín (VietBank, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…

Ngay sau khi bầu Kiên bị bắt, ngày 23/8/2012, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB cũng đã bị bắt. Ông Hải bị khởi tố vì chủ trương ủy thác cho 19 nhân viên ngân hàng nhận 718 tỷ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Ông Lý Xuân Hải gia nhập ACB năm 1996 trên cương vị Phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng và đã có 16 năm làm việc tại ngân hàng này. Ông được bổ nhiệm Tổng giám đốc từ năm 2005 và trúng cử thành viên Hội đồng quản trị ACB từ 2008.

Kể từ khi Bầu Kiên bị bắt và Cựu TGĐ Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải bị khởi tố, trên nhiều trang mạng liên tục đưa những thông tin về một số lãnh đạo các ngân hàng ở Việt Nam bị bắt. Và trường hợp của ông Trần Xuân Giá - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB cũng không phải là ngoại lệ.

Bầu Kiên và nhiều lãnh đạo các ngân hàng bị bắt sau đó thì trường hợp của ông Trần Xuân Giá - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB cũng không phải là ngoại lệ (ảnh: internet).
Bầu Kiên và nhiều lãnh đạo các ngân hàng bị bắt sau đó thì trường hợp của ông Trần Xuân Giá - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB cũng không phải là ngoại lệ (ảnh: internet).

Ngày 27/9/2012, ông Trần Xuân Giá, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB và 3 cựu Phó chủ tịch vừa bị khởi tố tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế”. 4 người này được cho là đồng phạm với ông Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên.

Ông Trần Xuân Giá từng làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 1997 - 2002. Rời cương vị này, ông làm cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục. Từ 1/10/2006, theo quyết định của Thủ tướng, ông Giá nghỉ hưu, thôi làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng.

Ông gia nhập ACB từ tháng 11/2006, một tháng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Tháng 3/2008, ACB thông báo Đại hội cổ đông đã bầu cựu bộ trưởng làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 16/9/2012, ACB công bố thông tin chấp thuận đơn từ nhiệm của chủ tịch Trần Xuân Giá (73 tuổi) vì lý do sức khỏe.

Đến cuối năm 2012, cái tên “Sacombank” cũng như gia đình ông Đặng Văn Thành là một trong những đề tài được nhắc đến nhiều nhất trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 01/11/2012, Ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Sacombankđã được cơ quan điều tra mời lên làm việc trong lúc HĐQT của Sacombank đang họp báo về việc thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị. Ông Thành bị khởi tố bắt giam điều tra hành vi cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đặng Văn Thành được xem là linh hồn của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khi đã đưa nhà băng này vượt qua bao thăng trầm trong suốt hơn 20 năm.

Bên cạnh đó, năm 2012 cũng chứng kiến sự “sa lưới pháp luật” của rất nhiều các Giám đốc, Phó Giám đốc, những người giữ các cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của chi nhánh các ngân hàng.

Không cần nói mà phải hành động

Trước tình hình nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng và bắt hàng loạt cá nhân sai phạm trên, đã đến lúc “không cần nói” như ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định, mà cần hành động.

Mới đây, ngày 10/1/2013, đề cập đến lĩnh vực ngân hàng, tại hội nghị “Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP” do UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng tuyên bố: “Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái của ngân hàng, cho “hốt liền”, không nói nhiều!”.

Việc lập lại Ban Nội chính do ông Nguyễn Bá Thanh làm trưởng ban và thực hiện thêm chức năng là văn phòng của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ đối với lĩnh vực được coi là rất quan trọng, là xương sống của nền kinh tế hiện nay là cần làm minh bạch, lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng.

Nguyễn Huệ (Tổng hợp)