Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

“Ông Nguyễn Bá Thanh sẽ tạo được dấu ấn ở ghế mới”

06/01/2013 07:46
Theo Khánh Tường/Kiến thức
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng tin rằng, với sự hội tụ những tư chất cần có của một lãnh đạo, ông Nguyễn Bá Thanh sẽ tạo được những dấu ấn ở cương vị mới.
Hội tụ tư chất của một lãnh đạo
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện Trưởng Viện Lịch sử Đảng Việt Nam cho rằng, việc tái lập Ban Nội chính Trung ương là rất cần thiết, nó tăng cường công tác giúp Ban Chính trị, Ban Bí thư nhiều mặt quan trọng. 
“Ban nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương là để thực hiện tư tưởng nghị định Hội nghị Trung ương 4, khóa 11. Ban này có trách nhiệm rất lớn, giúp Trung ương một số việc quan trọng có tầm chiến lược trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ nội bộ, chống tiêu cực trong đời sống chính trị xã hội và các vấn đề khác. Trước đây đã có ban nội chính nhưng sau đó bãi đi, việc lập lại là rất cần thiết”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Bá Thanh, tân Trưởng ban Nội Chính Trung ương
Ông Nguyễn Bá Thanh, tân Trưởng ban Nội Chính Trung ương

Về tân Trưởng ban Nội chính, ông Phúc nhận định, ông Nguyễn Bá Thanh là người có uy tín lớn ở Đà Nẵng, là con người có tâm huyết với công việc, có trách nhiệm cao với phần việc được giao và hiệu quả nhìn thấy là Đà Nẵng đã phát triển nhanh chóng, rõ rệt. Trong khi đó, thước sự cống hiến của một lãnh đạo là sự phát triển của kinh tế xã hội, chính trị xã hội.
“Bây giờ người ta nói chỉ vài tháng không đến Đà Nẵng đã thấy thay đổi ghê gớm. Đó là kết quả của một tập thể nhưng không thể phủ nhận vai trò của cá nhân suất sắc. Nếu người đứng đầu không quyết đoán, không có tầm nhìn và không có trách nhiệm cao thì Đà Nẵng khó có tốc độ phát triển phi mã như vậy. Dù ở địa phương nhưng trách nhiệm của người đứng đầu cũng rất lớn vì quản lý một đô thị không phải là đơn giản”, ông Phúc nói tiếp.
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng.
 Ông Nguyễn Trọng Phúc,
 nguyên Viện trưởng Viện
 Lịch sử Đảng.

Ông Phúc cũng cho rằng, việc nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề ra “thành phố 5 không”, cương quyết “trảm” một số tướng làm việc không hiệu quả là những việc không phải lãnh đạo nào cũng dám làm. Những hành động độc đáo như: tập hợp những đàn ông đánh vợ bắt viết giấy cam kết, tuyên bố ngồi nhậu cùng cánh xe ôm … là những việc làm rất thiết thực, thể hiện sự gần gũi với dân, vì dân. 
“Một trong những vấn đề trọng tâm của nghi định Trung ương 4, khóa 11 là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhìn ở các địa phương tôi thấy ông Nguyễn Bá Thanh là người đứng đầu có trách nhiệm. Từ lãnh đạo một địa phương như vậy, tôi có niềm tin là Nguyễn Bá Thanh sẽ làm tốt công việc của mình ở cương vị Trưởng ban Nội chính. Một lãnh đạo có tầm trí tuệ, có trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với công việc mình được giao và một lòng vì dân thì dù ở vị trí nào cũng thành công”, ông Phúc gửi niềm tin vào tân Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, Ban nội chính rất cần một người lãnh đạo có bản lĩnh,  giúp Trung ương lựa chọn những cán bộ tốt, chấn chỉnh nội bộ, chống tham nhũng hiệu quả và ông Nguyễn Bá Thanh cũng đáp ứng được tiêu chí này. 
“Trong lúc, tham nhũng, lãng phí, tha hóa về lối sống, đạo đức đang bùng phát nghiêm trọng, cần phải có cơ quan, con người làm được điều này. Muốn chống được tham nhũng phải thẳng thắn, cương quyết đấu tranh chống tiêu cực nên nếu không bản lĩnh không làm được”, ông Phúc khẳng định.
“Khó khăn nhưng sẽ ghi được dấu ấn”
Thừa nhận, ở cương vị mới, ông Nguyễn Bá Thanh chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhiều khi làm Bí thứ thành ủy Đà Nẵng nhưng ông Phúc vẫn tin rằng “ông ấy” sẽ tạo được dấu ấn nếu tiếp tục phát huy những cái đã làm. Lãnh đạo là môt khoa học và cũng là một nghệ thuật nên không phải ai cũng làm được. Nó yêu cầu con người đảm nhiệm vị trí đó phải có tư chất riêng, phải hiểu thực tiễn và đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn. 
Theo đó, ông Phúc không đồng tình với ý kiến “một người có thể tỏa sáng ở cấp dưới nhưng sẽ bị mờ nhạt hoặc không làm được ở cấp trên” và cho rằng chính việc làm ở cấp dưới rèn luyện cho cán bộ ở tầm chiến lược. Tuy nhiên, nó cũng còn phụ thuộc vào guồng máy, vào hệ thống chứ không thể tách cá nhân ra được. 
“Cán bộ của ta bao giờ cũng đi từ cấp dưới. Đồng chí nào đào luyện cấp dưới tốt chắc chắn ở cấp chiến lược sẽ tốt. Bởi, khi người ta hiểu được ngóc ngách công việc ở cấp địa phương, thậm chí ở cấp cơ sở thì khi ở tầm trung ương họ cũng sẽ tìm được lối xử lý tốt. , Có người áp luôn từ cáp trên luôn chưa chắc đã tốt. ”, ông Phúc nói.
Ở vị trí Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Phúc cho rằng, việc đầu tiên ông Nguyễn Bá Thanh cần phải làm là chống tham nhũng. Đây là vấn đề hàng đầu, cấp bách trong bối cảnh hiện nay và nếu chống được tham nhũng, tiêu cực ắt sẽ kéo theo những mảng khác tốt lên. 
“Tham nhũng bây giờ lớn và tinh vi, sảo quyệt lắm, người ta che giấu đủ cách nên nhiều khi biết rõ là ai, chỗ nào nhưng vẫn không phanh phui ra được. Thiệt hại của tham nhũng đối với đất nước rất khủng khiếp. Chỉ làm phép so sánh giữa việc xây dựng công trình thủy điện sơn la lớn nhất Đông Nam Á, mang lại biết bao lợi ích cho đất nước mà mới chỉ mất 60.000 tỷ đồng với việc một tập đoàn kinh tế tham nhũng, biền thủ hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ thấy uất ức thế nào . Nếu Ban nội chính giúp được Ban bí thư, Ban chính trị đẩy lùi được mảng tối này thì chắc chắn đất nước sẽ đi lên. Đây là một thách thức lớn nhưng nếu  quyết tâm làm ắt sẽ có hiệu quả”, ông Phúc mong mỏi.
Việc thứ hai ông Phúc cho rằng, tân Trưởng ban Nội chính Trung ương cần phải làm là chấn chỉnh nội bộ, giúp Trung ương chọn cán bộ, bố trí cán bộ …cho đúng người, đúng chỗ, nhất là khi xã hội đang rộ lên hiện tượng chạy chức chạy quyền.
“Bác Hồ vẫn nói cán bộ quyết định sự thành công của cách mạng nên nếu chúng ta có một đội ngũ cán bộ công chức vì dân thì ắt đất nước sẽ phát triển. Ban Nội chính giúp Trung ương chấn chỉnh, sắp xếp được toàn bộ nội tình, nội chính, cả bên Đảng, Nhà nước, kể cả các cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp thì đã là một cống hiến rất lớn”.
Đối với việc cải cách tư pháp, ông Phúc cho rằng, chức năng của ban nội chính cũng có góp phần vào nhưng là một thách thức rất lớn vì vấn đề này bị chểnh mảng trong một thời gian dài, nhiều người dân chưa chưa quen sống kỷ cương, pháp luật…
“Ban Nội chính chỉ góp một phần trong cải cách tư pháp, chứ không phải bao trùm cả lên, trách nhiệm này thuộc về bên Nhà nước nhiều hơn. Tôi tin với cách quản lý Đà Nẵng trong thời gian qua, nhất định ông Nguyễn Bá Thanh sẽ có những đóng góp, tất nhiên cũng phải phụ thuộc vào tập thể”, ông Phúc nói. 
Theo Khánh Tường/Kiến thức