Ông Nguyễn Thiện Nhân: Đô thị thông minh, người dân cũng phải thông minh

29/05/2017 07:11
Phương Linh
(GDVN) - Nếu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một đô thị thông minh, chính quyền thông minh mà người dân không thông minh thì sẽ không phát huy được hiệu quả.

Ngày 28/5, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn đầu đoàn công tác của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố có buổi làm việc với hơn 120 người, đại diện cho giới trí thức của thành phố.

Cùng dự còn có Phó Bí thư thường trực Thành ủy – ông Tất Thành Cang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Thành phố có 1,2 triệu người có trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nói rằng, thành phố hiện có khoảng 1,2 triệu người có trình độ từ Đại học, Cao đẳng trở lên, và đây là nguồn tài nguyên quan trọng, đáng quý của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn là nền kinh tế lớn nhất, đóng góp vào ngân sách nhiều nhất cả nước, thu nhập gấp 2,5 lần so với bình quân của cả nước.

Thế nhưng, hiện thành phố cũng đang phải đối mặt với nhiều bất cập về sử dụng đất đai, như tỷ trọng diện tích đất sử dụng cho công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 6,8%, nhưng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, dịch vụ theo thống kê năm 2015 thì chiếm đến 99,1%.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố phải tính toán lại quỹ đất với các mục đích sử dụng sao cho phù hợp, phát huy cao nhất tiềm năng và thế mạnh của thành phố.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ giới trí thức tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ giới trí thức tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, doanh nghiệp muốn đầu tư váo thành phố luôn gặp vấn đề quỹ đất. Doanh nghiệp đang hoạt động xin đất còn khó, doanh nghiệp chưa ra đời thì càng khó hơn.

“Khó khăn về đất cũng có thể là nguyên nhân khiến 10 năm nay, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng số vốn đầu tư hàng năm của thành phố thấp hơn tỷ trọng của cả nước” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói tiếp.

Tại buổi làm việc này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra câu hỏi: “Thành phố Hồ Chí Minh đang ở đâu?”, và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của giới trí thức thành phố, để làm sao giải quyết được 6 bài toán lớn của thành phố.

Đó là: Phát huy nguồn lực con người, tài nguyên đất; phát huy nguồn lực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước; liên kết, hợp tác để phát triển – thành phố phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, nơi đáng đến; hoàn thiện cơ chế, thể chế để thành phố phát triển cùng cả nước.

Trong đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu, cần phải chú ý đến việc giảm ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường, để thành phố luôn là nơi đáng sống và là nơi đáng đến.

Đô thị thông minh: Người dân cũng phải thông minh

Với mục tiêu giảm hàng loạt tiêu chí này, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, phải xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Trong đó, chính quyền cũng phải thông minh, từ quy hoạch, điều hành cho đến cách tạo công cụ cho người dân đánh giá dịch vụ công.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, cần phải triển khai triệt để dịch vụ này nhiều hơn nữa trong 2 năm 2017, 2018, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để người dân đánh giá, cán bộ công chức thì thuận tiện trong việc tiếp nhận đánh giá.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Đô thị thông minh thì người dân cũng phải thông minh (ảnh: P.L)
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Đô thị thông minh thì người dân cũng phải thông minh (ảnh: P.L)

Tiếp đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, doanh nghiệp cũng phải thông minh, đồng hành cùng với chính quyền trong việc quy hoạch, phát triển thành phố. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng lưu ý, cần phải để doanh nghiệp cùng góp ý với Nhà nước trong các vấn đề.

Dù vậy, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, nếu chính quyền thông minh, dịch vụ thông minh mà người dân không thông minh thì sẽ không phát huy hết hiệu quả.

Khái niệm “công dân thông minh” chính là chúng ta cần tự học liên tục, sống được cả trong 2 không gian thực và ảo (không gian mạng).

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Công dân thông minh chính là mỗi người dân trở thành một “cảm biến xã hội”, nắm bắt các vấn đề, giám sát chính quyền, hiến kế cho thành phố, sẽ tác động lại Nhà nước tốt hơn.

Phương Linh