Ông Phạm Minh Chính nói về những vi phạm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

27/10/2016 06:28
Ngọc Quang
(GDVN) - “Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm theo đúng quy trình, theo đúng nguyên tắc Đảng, quy định của pháp luật”.

Ngày 26/10, ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu quan điểm khi trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ở góc độ là người làm công tác tổ chức, ông Phạm Minh Chính cho biết, đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là theo cơ quan chuyên môn, căn cứ vào quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đối với trường hợp cụ thể là việc bổ nhiệm con trai của ông Vũ Huy Hoàng, dư luận đặt ra vấn đề là có nên thù hồi lại quyết định không?

Ông Phạm Minh Chính cho biết, vấn đề này phải làm đúng theo quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước, phải hết sức thận trọng.

“Hiện đang phải xây dựng lại một số quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí cho phù hợp với tình hình hiện nay. Theo sự phân công của Trung ương, Bộ Chính trị thì các cơ quan chức năng đang phối hợp làm khẩn trương”, ông Chính cho hay.

Ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với báo chí chiều 26/10. ảnh: Trọng Phú.
Ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với báo chí chiều 26/10. ảnh: Trọng Phú.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu quan điểm: “Dứt khoát phải kiểm soát quyền lực. Một trong những nguyên tắc là giao quyền đến đâu kiểm soát đến đó, nhưng thiết kế thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay thì phải nghiên cứu bài bản, xuất phát từ lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành cho phù hợp. Đây là điều hết sức phải quan tâm, phải làm”.

Đồng thời, ông Phạm Minh Chính cũng khẳng định, đối với những vấn đề trên là quyết tâm chung của Đảng, quá trình thực hiện không bị áp lực, rào cản nào.

Ông Phạm Minh Chính nói về những vi phạm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ảnh 2

Chọn chức tước, quyền lực, bổng lộc hay uy tín trong lòng dân?

Ông Chính chia sẻ: “Phải xuất phát từ thực tiễn, thực tiễn đặt ra phải làm, nhưng làm sao cho phù hợp, khả thi, có hiệu quả đó là vấn đề phải quan tâm.

Làm mà không hiệu quả, làm đi làm lại vẫn không có hiệu quả thì mất uy tín.

Vì thế phải căn cứ vào điều kiện cụ thể, lý luận thế nào, luật pháp quy định ra sao để thiết kế, ngay lập tức thì phải nghiên cứu kỹ càng”.

Thông báo kết quả Kỳ họp thứ VII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra từ ngày 17 đến ngày 21/10/2016 tại Hà Nội nói rõ: Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình; để đồng chí Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban cán sự đảng tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh và một số trường hợp khác.

Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016; cảnh cáo đồng chí Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết quan điểm: “Xử lý một con người là việc không ai muốn, nhưng vẫn phải thực hiện. Việc làm này để người dân tin rằng, lời nói và việc làm, nhất là đối với cơ quan lãnh đạo là hết sức quan trọng”.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân chia sẻ: “Chúng ta thấy ở đây có 2 mặt. Khi bố bổ nhiệm con mà con có tài thực sự, có tư duy, phẩm chất nổi bật thì chắc chắn tập thể cá nhân đơn vị đó không phàn nàn gì.

Nhưng trường hợp bổ nhiệm Vũ Quang Hải lại bị tập thể là Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính liên tục phản ứng dữ dội thì phải xem lại có xứng đáng không?

Vì không xứng đáng nên người ta đặt ra có dấu hiệu sự can thiệp, vận hành của hệ thống dưới quyền ông cho con ông ấy lên chức trong khi trên thực tế thì không thể hiện được năng lực khiến tập thể phải kêu ca.

Nếu một người vận hành quy trình khách quan chọn ngẫu nhiên đúng con mình mà đấy là người thực tài, có phẩm chất nổi bật vượt trội, xuất chúng hơn người khác chắc chắn không ai nói gì.

Nhưng ngược lại, lợi dụng quy trình, quy định đưa con của mình vào mà người đó không xứng đáng, còn gây thiệt hại cho công tác quản lý, vốn tài sản nơi đó thì người ta phản ứng, các cơ quan vào cuộc xem quy trình bổ nhiệm đúng sai, hậu quả thiệt hại thế nào?”.

Đại biểu Vân cho rằng, trước vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng thì đã từng xảy ra nhiều vụ cán bộ có chức quyền lợi dụng địa vị đó để vun vén cho cán nhân, thậm chí gât thiệt hại lớn cho kinh tế nhà nước, vì vậy cần phải xem lại cơ chế giám sát.

“Do quy định của Đảng, các quy phạm pháp luật của Nhà nước còn có chỗ thiếu chặt chẽ nên các vị đó có cơ hội để lợi dụng mục đích cho cá nhân, lợi ích nhóm của mình.

Việc kiểm soát quyền lực nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng của cá nhân cũng chưa tốt.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự kiểm tra của cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới, của cơ quan ngang cấp, có thẩm quyền giám sát làm chưa đến nơi đến chốn  cho nên mới để lọt những đối tượng lạm dụng quyền lực, quy định để thực hiện các hành vi có lợi cho cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình.

Vì vậy cần phải chỉnh đốn lại công tác giám sát, nhất là phải chú ý đến tính công khai, minh bạch, giải trình trong hoạt động công vụ, thực thi các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước”, ông Vân nêu quan 

Ngọc Quang