"Ông Võ Kim Cự không được tham gia giám sát dự án Formosa"

30/07/2016 08:06
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định thông tin này tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, cuối giờ chiều ngày 29/7.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường trực tiếp giám sát vụ việc Formosa. Nếu sau này có giám sát vấn đề kinh tế thì Ủy ban Kinh tế sẽ có phân công và ông Cự sẽ không tham gia để đảm bảo khách quan”.

Ông cho biết, thời gian qua Chính phủ đã vào cuộc rất tích cực, nên Quốc hội giao cho Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường trực tiếp giám sát dự án Formosa

“Cuối tháng này Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ vào khu vực này để giám sát tình hình và báo cáo Quốc hội”, ông Phúc cho hay.

Trả lời về những thắc mắc về việc ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Hà Tĩnh được tham gia vào Ủy ban kinh tế sau những sự cố liên quan đến dự án Formosa, ông Phúc cho rằng: “Đại biểu Quốc hội  có quyền đăng ký tham gia vào bất ký Ủy ban nào. Ông Cự là cử nhân kinh tế, có bằng Thạc sỹ kinh doanh nên vào Ủy ban kinh tế là phù hợp.

Còn việc ông Cự đứng đầu địa phương , nguyên là Bí thư Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm thì trước đây Thanh tra Chính phủ thanh tra cũng đã vào cuộc và xác định giao không đúng thẩm quyền, và ông Cự cũng nhận sai.

Sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo Thủ tướng, và Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xem xét quyết định có đủ 70 năm không, các bộ, ngành có vào cuộc xem xét và thấy rằng đủ điều kiện 70 năm”.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ vào giám sát dự án Formosa và báo cáo Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ vào giám sát dự án Formosa và báo cáo Quốc hội. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Trước đó, trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 29/7, nêu ra thực trạng sự cố gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu, tác động lớn đến đời sống nhân dân, an ninh xã hội và lòng tin của người dân, Đại biểu Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình)đề nghị, Chính phủ sớm triển khai chính sách hỗ trợ đến với người dân, hỗ trợ việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, có chính sách căn cơ để dân yên tâm.

“Bà con quan tâm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố, coi đây là bài học sâu sắc trong thu hút đầu tư, ứng phó thảm hoạ môi trường thiên tai, bảo đảm phát triển bền vững.

Khẩn trương sớm làm rõ để trả lời cho dân rõ khi nào đánh bắt gần bờ được, khi nào bà con yên tâm ăn hải sản được và khi nào môi trường biển an toàn?

Đúng là chúng ta vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không? một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”, ông Thuật nói.

Cùng chung quan điểm, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ, người dân đang hàng ngày hàng giờ sống với lo âu khắc khoải.

“Đời sống sản xuất kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản phẩm đánh bắt ven bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ, do đó tàu gần như nằm bờ hoàn toàn. Thu mua hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá không thể hoạt động được.

"Ông Võ Kim Cự không được tham gia giám sát dự án Formosa" ảnh 2

Đại biểu Quốc hội hiến kế "bảo vệ người tốt, ngăn chặn những kẻ phá chế độ"

Còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm kiếm việc làm khác mưu sinh kiếm sống”, ông Đồng nói.

Nhìn nhận, sự cố môi trường biển vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm xuống không được 1/10 so với cùng kỳ 2015, ông Đồng đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thoả đáng công bằng.

Tổ chức giám sát hoạt động của Formosa để không gây hậu quả tương tự, khôi phục hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố trả lại môi trường biển và ngư trường cho dân.

“Chính phủ đã có báo cáo về Formosa gửi đến các Đại biểu Quốc hội. Chính phủ đang xử lý và Quốc hội cũng không thể ngoài cuộc. Quan trọng là Quốc hội cần làm không chỉ trả lời minh bạch trách nhiệm mà còn rà soát hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe doạ đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, kể cả những người không còn đương chức”, ông Đồng nêu quan điểm.

Formosa đã chuyển 250 triệu USD tiền bồi thường

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho biết thông tin này khi báo cáo giải trình trước Quốc hội liên quan đến vấn đề Formosa

 Ông Hà nói: “Ngày 28/7, phía Formosa đã thực hiện cam kết chuyển cho chúng ta số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD”.

 Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đang tiến hành xây dựng Đề án phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển ở vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường của 4 tỉnh.

Theo Bộ trưởng Hà, hiện Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với Formosa, cụ thể là 53 sai phạm; tiến hành khắc phục sai phạm, từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến vấn đề hoàn thiện lại hệ thống xử lý chất thải, nước thải và khí thải.

Đồng thời triển khai các hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như hồ sinh học, chỉ định sinh học có thể chứa được nước trước khi thải ra biển khoảng 7 ngày; có hệ thống quan trắc trực tuyến để quan trắc tất cả các chỉ tiêu có liên quan gây ô nhiễm môi trường biển.

Cũng theo ông Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, các hệ sinh thái môi trường biển. Hiện nay các điều tra, đánh giá đang được tiến hành một cách bài bản, hệ thống, khoa học và bước đầu đã có những thông tin đưa ra.

Dự kiến đến ngày 15/8 sẽ thông qua hội đồng thẩm định và các nhà khoa học về mức độ ô nhiễm môi trường, cũng như có các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm môi trường, giải pháp phục hồi các hệ sinh thái môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được Chính phủ giao chỉ đạo xây dựng hệ thống giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung, mở rộng ra từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng.

Việc này sẽ giúp chủ động cung cấp thông tin cho người dân cũng như giám sát một cách minh bạch đối với các điểm hoạt động trên địa bàn.

Trong khi đó, đề cập về hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung trong sự cố môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ và các ngành trung ương, đặc biệt 4 tỉnh chịu ảnh hưởng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định bước đầu hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. 

Hiện Thủ tướng đang giao cho bộ 2 đề án đề án hỗ trợ thiệt hại. Bộ đã gửi công văn đến các tỉnh miền Trung để yêu cầu thống kê thiệt hại với các đối tượng khai thác thủy hải sản, lĩnh vực nuôi trồng, lĩnh vực muối, lĩnh vực ngành nghề khác bị chịu thiệt hại; yêu cầu các tỉnh gửi thống kê về Bộ trước ngày 15-8.

Cùng với đó, bộ đang tiến hành xây dựng đề án phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển ở vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường của 4 tỉnh.

Ngọc Quang