"Phải tìm và thanh lọc được nhân sự có vấn đề về bằng cấp"

04/03/2020 06:17
Nhật Minh
(GDVN) - Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề công tác cán bộ ngay từ đại hội Đảng bộ cấp cơ sở.

Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề công tác cán bộ ngay từ đại hội Đảng bộ cấp cơ sở.

Ông Ngô Văn Sửu quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ tại đại hội Đảng bộ các cấp. Ảnh: Nhật Minh
Ông Ngô Văn Sửu quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ tại đại hội Đảng bộ các cấp. Ảnh: Nhật Minh

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi mỗi cấp ủy đảng cần đặc biệt quan tâm chăm lo đến công tác cán bộ “then chốt của then chốt”, bởi cán bộ là gốc của mọi công việc.

Chỉ có cán bộ có đủ năng lực và đạo đức, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tận tâm vì dân tộc, vì đất nước mới có thể tập hợp được sự ủng hộ, đồng lòng tạo nên thành công về kinh tế-xã hội”, ông Sửu nhấn mạnh.

Vị nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, sơ hở trong công tác cán bộ.

Ông nhấn mạnh, trong những năm qua, nhiều vụ việc nổi cộm kéo dài nhiều năm đã được thanh tra, kết luận điển hình như vụ Thủ Thiêm khiến dân gần Đảng, tin vào việc xử lý cán bộ không có vùng cấm của Đảng.

Những kết quả từ việc chống tiêu cực, chống tham nhũng và công tác tự chỉnh đốn, làm trong sạch chính trong tổ chức Đảng đã được triển khai quyết liệt.

Ông Sửu phân tích, năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Việc rà soát đội ngũ Đảng viên, nếu làm tốt thì sẽ loại được những Đảng viên yếu kém không đủ tiêu chuẩn, làm trong sạch đội ngũ.

“Đại hội Đảng các cấp sẽ được tiến hành từ nay đến cuối năm tại các địa phương, tôi mong rằng đại hội sẽ lựa chọn được những đảng viên thật sự trong sạch tham gia cấp ủy.

Phần tử nào yếu kém, tiêu cực, thoái hóa biến chất, cơ hội thì phải sớm phát hiện được và loại bỏ.

Cho thôi chức Trưởng phòng Giáo dục, điều ông Huỳnh Minh Tâm về Huyện ủy
Cho thôi chức Trưởng phòng Giáo dục, điều ông Huỳnh Minh Tâm về Huyện ủy

Có những cán bộ xum xoe, nịnh bợ, dư luận băn khoăn ngoài nói ra không biết chính xác họ làm được gì”, ông Sửu nêu.

Ngoài ra, ông Sửu cũng đưa ra một vấn đề râm ran từ lâu là chuyện bằng cấp của cán bộ.

"Chuyện “học giả, bằng thật, rồi bằng giả, người giả...” để làm đẹp hồ sơ của cán bộ, quan chức có hay không?

Vừa rồi, có một cô tên Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) dùng bằng cấp 3 của chị gái để vào làm việc tại Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk hay lâu hơn cách đây vài năm từng có một cán bộ diện Trung ương quản lý cũng bị kỷ luật nặng vì vấn đề bằng cấp..., những thành phần như thế không là dạng cơ hội, giả dối thì là gì.

Nếu không bị phát hiện, xử lý, những kẻ như vậy hoàn toàn có thể tiếp tục chui sâu, leo cao.

Vì thế phải làm sao tìm, thanh lọc được những thành phần như thế thì Đảng mới thật sự trong sạch.

Công cuộc để Đảng thật sự trong sạch có lẽ còn rất gian nan, vất vả, cần sự quyết tâm rất cao từ Trung ương đến các địa phương và phải bắt đầu ngay từ việc chọn được cán bộ thực sự đủ đức, đủ tài vào cấp ủy”, ông Ngô Văn Sửu nói.

Nhật Minh