Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng - Kỳ 2: Gia thế

21/12/2012 07:54
Vì sao con cái một gia đình “đại địa chủ”, đồng thời là “dân Tây” và là Công giáo toàn tòng, lại “đồng loạt” đi tham gia kháng chiến, không chỉ tham gia kháng chiến mà còn đem hết gia sản ra ủng hộ kháng chiến?

Phạm Ngọc Thảo - Oanh liệt trong thầm lặng: Gia thế
Phạm Ngọc Thảo trên tạp chí Life

Phạm Ngọc Thảo xuất thân từ một gia đình trí thức giàu có ở Vĩnh Long, theo đạo Công giáo toàn tòng. Thân sinh của ông là cụ Adrian Phạm Ngọc Thuần, một kỹ sư trắc địa và là một điền chủ giàu có nổi tiếng Nam bộ, mang quốc tịch Pháp. Anh chị em ông cũng có quốc tịch Pháp nên sang Pháp du học, đều trở thành bác sĩ, kỹ sư, luật sư.

Dù học ở Pháp, dù là “dân Tây”, dù có cuộc sống giàu sang nhưng anh chị em Phạm Ngọc Thảo đều hướng về đất nước, đều khát khao giành độc lập cho Tổ quốc. Anh ruột ông, luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần tham gia Thanh Niên Tiền phong chống Pháp cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch từ năm 1943, sau đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và làm đến chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, sau năm 1954 tập kết ra Bắc, làm Đại sứ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại CHDC Đức. Một người anh khác, ông Lucien Phạm Ngọc Hùng cũng từ Pháp về nước tham gia kháng chiến, sau này là Ủy viên Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam…

Phạm Ngọc Thảo sinh ngày 14.2.1922, sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, do Đại chiến thế giới 2 nổ ra, ông không sang Pháp mà ra Hà Nội học,  tốt nghiệp bằng kỹ sư công chánh năm 1942 và về làm việc tại Sài Gòn từ năm 1943. Theo chân người anh, ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 ngay từ những ngày đầu và khi Pháp quay lại xâm chiếm Nam bộ, ông tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp, lên đường cầm súng đi kháng chiến.

Vì sao con cái một gia đình “đại địa chủ” (theo nhiều tài liệu thì gia đình Phạm Ngọc Thảo có tới hơn 4.000 mẫu đất và hàng ngàn bất động sản ở Nam bộ), đồng thời là “dân Tây” và là Công giáo toàn tòng, lại “đồng loạt” tham gia kháng chiến, không chỉ tham gia kháng chiến mà còn đem hết gia sản ra ủng hộ kháng chiến?

Sự “đồng loạt” hiếm có đó là từ chính nghĩa của cách mạng, là từ truyền thống yêu nước của gia đình, xuất phát từ người ông của Phạm Ngọc Thảo. Ông nội của Phạm Ngọc Thảo là cụ Phạm Ngọc Lành (cụ Lành có thể có nhiều tên khác), là một thương gia lớn ở Nam bộ thời Pháp thuộc. Sau này cho con cháu gia nhập quốc tịch Pháp để “tự vệ”, song cụ Lành sinh thời không những không dính dáng gì với người Pháp mà còn tích cực ủng hộ, hậu thuẫn cho các phong trào yêu nước chống Pháp từ trước khi có cách mạng. Ngay cả phong trào Cần Vương ở tận miền Trung cũng được cụ Lành gửi tiền của hậu thuẫn. Nhiều bậc tiền bối của cách mạng ở Nam bộ đã dựa vào gia đình này để nhen nhóm phong trào và khi cách mạng nổ ra, gia đình này đã nhẹ nhàng đem hết gia sản và con cái ra cống hiến.

Thực ra, khi đất nước bị chia cắt thì một gia đình bị phân hóa cũng là bình thường, mặt khác, sau này anh em ông Ngô Đình Diệm đã trọng dụng Phạm Ngọc Thảo, không chỉ vì ông Thảo có tài năng, có tư cách. Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến chắc chắn không “mù”, họ biết rất rõ những người anh của Phạm Ngọc Thảo đang ở “phía bên kia”. Sau khi lên cầm quyền ở miền Nam, Ngô Đình Diệm thực hiện khẩu hiệu “phản đế, bài phong” để xây dựng chế độ quốc gia “cạnh tranh” với những người cộng sản, nhưng điều mỉa mai là hầu hết các tướng lãnh, sĩ quan và quan chức cao cấp chính quyền của họ đều là sản phẩm do người Pháp để lại. Anh em họ Ngô rất cần có những trí thức từng tham gia chống Pháp ở bên cạnh mình và rất cần sự hậu thuẫn của những gia đình có truyền thống yêu nước như gia đình Phạm Ngọc Thảo để làm nền móng cho chế độ. Phạm Ngọc Thảo và cấp trên của ông không bao giờ đánh giá thấp anh em Ngô Đình Diệm, nếu đánh giá thấp đối phương thì không thể có được “ván bài lật ngửa” ngoạn mục như chúng ta đã biết. Nhưng đó là chuyện sau này.

Năm 1946, ông được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp khóa 1 trường này, ông lập tức trở về miền Nam chiến đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của kháng chiến: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ (chức vụ tương đương Trung đoàn trưởng). Năm 1949, Phạm Ngọc Thảo kết hôn với bà Phạm Thị Nhiệm, cũng là một trí thức tham gia kháng chiến (bà Nhiệm là em gái Giáo sư Phạm Thiều lúc đó là Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông Nam bộ, sau khi tập kết ra Bắc làm Đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại một số nước Đông Âu).

Năm 1946 cũng là năm ông Lê Duẩn được Trung ương cử vào Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Khi quân Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự vây ráp ráo riết của địch, chính Phạm Ngọc Thảo là người trực tiếp hộ vệ đưa ông Lê Duẩn từ Phú Yên, nơi đóng trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Việt Nam về chiến trường Nam bộ để lãnh đạo kháng chiến. Bản lĩnh, tài năng, mưu trí và phẩm chất của Phạm Ngọc Thảo trên chiến trường đã chinh phục niềm tin của vị Bí thư Xứ ủy. Cuộc hạnh ngộ này ảnh hưởng quyết định đến sứ mệnh sau này của ông. Dùng một trí thức con nhà Công giáo đại địa chủ làm tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, thậm chí làm tướng cũng không có vấn đề gì, nhưng làm Trưởng phòng Mật vụ của cả Nam bộ kháng chiến thì, trừ ông Lê Duẩn, không ai dám và điều này thì quả thật, ông Lê Duẩn có con mắt anh hùng đoán giữa trần ai. Trong những lúc nói chuyện với chúng tôi, ông Võ Văn Kiệt trước sau đều khâm phục tầm nhìn chiến lược và sự trông xa thấy rộng của ông Lê Duẩn và ông cũng nhớ lại: “Không ít anh em cũng lo ngại về cách dùng người như vậy của anh Ba”.

Điều đáng chú ý là những nhân vật như Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim… cũng có vào chiến khu tham gia kháng chiến trong thời gian đầu và họ đều được Phạm Ngọc Thảo huấn luyện về chiến tranh du kích, nhưng họ đã quay lưng theo Pháp và trở thành những tướng lãnh quân đội Sài Gòn. “Những người quen cũ” đó sau này vừa nể phục Phạm Ngọc Thảo vừa coi ông là một đối thủ đáng gờm.

Hiệp định Genève được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam với nhiệm vụ chiến lược là thâm nhập vào hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn để “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”. Ông Lê Duẩn giới thiệu Phạm Ngọc Thảo với ông Mai Chí Thọ, lúc ấy là người phụ trách Ban Đặc tình Xứ ủy (sau này là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Hai người khác trong Ban cùng có mặt là ông Mười Hương và ông Cao Đăng Chiếm (sau này là thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ).

Tuy ở lại hoạt động ở miền Nam nhưng ông Mai Chí Thọ là người lừng lẫy nên có quá nhiều người biết, ông Cao Đăng Chiếm cũng vậy, Đảng không cho phép vào sống ở Sài Gòn, chỉ có ông Mười Hương là có thể vào Sài Gòn sống hợp pháp vì ông là cán bộ từ ngoài Bắc vào, không ai biết. Do đó, ông Mười Hương đã bàn bạc cụ thể với Phạm Ngọc Thảo về đường hướng, phương thức hoạt động và trực tiếp liên lạc với Phạm Ngọc Thảo ngay tại Sài Gòn. Ông Mười Hương trở thành “người chỉ huy” Phạm Ngọc Thảo trong thời kỳ đầu, tuy nhiên thời gian này rất ngắn, vì sau đó ông Mười Hương bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế.

Hoàng Hải Vân/Thanh niên

(Còn tiếp)