Phản ứng trái chiều về bài viết “Nhân viên trường học có vất vả thật không?”

23/04/2020 06:29
Việt Đăng
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đã có không ít Ban giám hiệu lợi dụng nhân viên để bắt họ làm những công việc không tên, những công việc không thuộc trách nhiệm của họ...

Bài viết “Nhân viên trường học có vất vả thật không?” của tác giả Đăng Bình đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 20/4 đã nhận được phản ứng trái chiều của dư luận bạn đọc.

Học sinh đến thư viện đọc sách chủ yếu vào giờ ra chơi (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Học sinh đến thư viện đọc sách chủ yếu vào giờ ra chơi (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Rất nhiều ý kiến cho rằng tác giả viết bài không am tường thực tế, chỉ nói theo lý thuyết nên những nhận định đưa ra là không đúng. Vì, nhân viên trường học luôn vất vả, bận rộn nhưng thu nhập lại quá thấp.

Bên cạnh đó, vẫn còn không ít ý kiến tỏ ra đồng tình và nói bài viết phản ánh đúng sự thật 100%, có người còn cho rằng thực tế bên ngoài nhân viên trường học còn nhàn hơn thế nữa.

Những ý kiến đồng tình với bài viết

Bạn Nguyễn Quyên nêu quan điểm: “Tôi đoán không nhầm thì tác giả bài viết là giáo viên nên hiểu rõ sự việc”.

Bạn Tu Let nói: “Nhân viên thư viện ngồi chơi xơi nước thôi, bài viết đúng đấy. Nói 8 tiếng chứ nhân viên hành chính trường học ai làm 8 tiếng? Bài viết đúng thực tế, ví dụ như ở trung học cơ sở học sinh chỉ học buổi sáng, chiều học thêm thì nhân viên thư viện, thiết bị chiều đến làm gì?”.

Bạn Lê Khánh: “Bài viết quá đúng. Nơi chúng tôi nhân viên ngày làm khoảng 6 tiếng rồi về mà còn đòi hỏi gì nữa? 3 tháng hè các vị cũng có làm đâu? Mà có làm cũng chẳng việc gì để làm trừ nhân viên kế toán”.

Bạn Minh Minh nói rất rõ tại tỉnh Đắk Lắk: “Trường tôi cấp 2 có 12 lớp, học 1 buổi nên nhân viên chỉ đi 1 buổi. Sáng 7 giờ 30 vào trường, đến 10 giờ 30 thì về. Vì trường nhỏ nên nhân viên như thiết bị, thư viện....cũng chẳng có việc gì để làm.

Thế nhưng lương của họ cũng chẳng thấp đâu nhé, 4,5tr/tháng chứ ít gì? Thử hỏi mọi người lương nhân viên như vậy là thấp hay cao trong khi thời gian, công sức bỏ ra như thế?”.

Bạn Nguyễn Nhật Đãng khẳng định: “Tác giả nói rất thật. Vị trí công việc với bằng trung cấp thì chỉ được xếp bậc lương cán sự, thì ở cơ quan, doanh nghiệp nào cũng thế thôi.

Phản ứng trái chiều về bài viết “Nhân viên trường học có vất vả thật không?” ảnh 2
Nhân viên trường học vất vả thật không?

Nếu so với giáo viên tốt nghiệp đại học chắc chắn thấp hơn nhiều vì họ còn có thêm các phụ cấp.

Thời gian vất vả của nhân viên trường học ít thôi. Vất vả nhất là gò bó về thời gian 8 tiếng so với giáo viên.

Ai thấy phù hợp thì nên yêu nó, còn không hãy nhường việc đó cho người khác”.

Bạn Bão Quân: “ Tôi công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên ở tỉnh lớn. Đứng góc độ cơ quan, tôi thấy nhân viên thiết bị tương đối nhàn vì giáo viên không dùng thiết bị mấy, chỉ khi vào mùa thao giảng dự giờ mới dùng đến.

Sáng 7 giờ 30 phút đi, về 11giờ,  chiều 2 giờ đi nhưng 4 giờ đã về. Còn nhân viên y tế quản lý một tủ thuốc có vài ba loại thuốc thông thường chẳng mấy khi dùng đến với 2 cái giường ngủ cho học sinh phòng khi nhức đầu, đau bụng.

Sáng 7 giờ đến về 10 giờ 30 phút, chiều không đi làm vì trường không có dạy buổi 2.  Nhân viên thư viện đã giải tán vì học sinh không bao giờ lên thư viện (do thư viện được xếp vùng xa xôi lầu 4 nên chả học sinh nào thèm mò đến).

Bạn My Leo nói rằng: “Mình không biết cấp 1, 2, 3 như thế nào nhưng bài viết này đúng với trường đại học mình dạy. Một số nhân viên đặc biệt, nhân viên thư viện thực sự rất nhàn. Nên cần có biện pháp tốt hơn”.

Bạn Đặng Trí Dũng khẳng định: “Bài viết rất hay, nhà trường biết vậy nhưng cứ loay hoay vì cái biên chế theo thông tư bộ ban hành nên khó xếp dồn công việc được. Nhân viên trường học có mặt nhưng không giải quyết công việc một cách chủ động mà chờ Ban giám hiệu nhắc mới làm, còn thì tìm cách lãng công, thậm chí bày cờ tướng ra chơi nữa!”.

Bạn No NaMe cho biết: “Những nhiệm vụ cần làm của nhân viên thư viện là đúng nhưng không phải làm mỗi ngày. Nhân viên thư viện những trường mà tôi biết và đã công tác thì giống như bài viết đã nói. Hằng ngày, vô trường lên mạng nghe nhạc, xem phim..hết giờ thì về. Khi nào cần báo cáo thì có mẫu sẵn, nhập vào số liệu thôi. Bạn đừng kể ra kiểu như không ai hiểu về nó”.

Bạn Nguyễn Phúc Huy nói rằng: “ Tôi vừa là giáo viên đứng lớp vừa kiêm nhân viên thư viện nè bạn. Tôi trực thư viện 3 buổi/ tuần, tuy nhiên có những việc ngoài giờ hành chính vẫn liên quan đến thư viện:

Sắp xếp sách theo danh mục, nhập sổ sách mới, cho mượn sách, thống kê lượng bạn đọc, ghi chép tên học sinh/giáo viên mượn sách, lên kế hoạch hàng tháng, đề xuất mua sách mới, thống kê sách cũ, lập bảng thống kê sách và thanh lý cuối năm, ... Ngần ấy ấy việc với vai trò nhân viên kiêm nhiệm thư viện đó bạn !”.

Bạn Thanh Hà nói rằng: “Học sinh vào học là thời gian các vị nhân viên trường học tụm năm tụm ba ăn sáng, tám chuyện. Học sinh chưa về đã thấy các vị về rồi mà la mệt nỗi gì?”.

Bạn DR.Lecture: “Tôi là 1 giáo viên, lãnh đạo cấp khoa 1 trường đại học. Tôi thấy ở trường tôi nhân viên ở 1 số phòng ban, giáo vụ khoa rất nhàn. Nên có chính sách riêng cho nhóm này. Tôi thấy bài viết đúng với cả trường đại học nơi tôi đang làm việc”.

Bạn ToILa Toi: “Nhân viên thư viện trường tôi (THCS Tân An) - sáng 8 giờ vào 10 giờ về, chiều 14giờ vào 16 giờ về. 1 tuần nghỉ 2 buổi! Nhiều hay ít? Việc này tồn tại trên 10 năm rồi! Có sao đâu!”.

Bạn Phong: “Tôi đang là giáo viên trung học phổ thông. Ở đâu không biết nhưng ở trường tôi nếu được chọn tôi sẵn sàng bỏ giáo viên để làm kế toán thậm chí đút lót thêm chút ít cũng được”.

Bạn Hoangha: “Bài viết rất hay trong giải pháp đề xuất. Trên thực tế họ nhàn hơn rất nhiều so với bài viết của bạn”.

Phản ứng trái chiều về bài viết “Nhân viên trường học có vất vả thật không?” ảnh 3
Các trường phổ thông có cần nhân viên văn thư lưu trữ không?

Bạn Le Thuy: “Thật ra, có vất vả hay không còn do năng lực của kế toán nữa, có người chỉ 1 báo cáo mà làm đi làm lại mấy lần cũng chưa đúng, cả tháng có mấy báo cáo làm hoài không xong”.

Bạn Phạm Dũng lại nói: “Các vị trong cuộc thì đương nhiên là thấy vất vả. Mà vất vả thật.

Nhưng đấy lại chẳng phải là do công việc vất vả mà là do kỹ năng và ý thức lao động của các vị dưới mức trung bình so với công việc tương tự ở các đơn vị khác ngoài xã hội.

Người ta làm một phút xong việc thì các vị mất đến 4 phút, chưa nói có vị còn làm rối tung công việc lên. Người làm vị trí tương tự ở doanh nghiệp chẳng hạn thì luôn sợ bị cho thôi việc nên luôn phải cố gắng để đáp ứng thu nhập được trả, còn các vị...”.

Cần nhìn vào sự thật mới mong mức lương được cải thiện

Đó là ý kiến của bạn đọc ở nhiều trường và ở nhiều địa phương, chứng tỏ chuyện nhân viên trường học không vất vả là sự thật. Nhưng tại sao lại có quá nhiều bình luận tỏ ra bức xúc như vậy?

Bạn Quang Anh cho rằng: “Tất cả các bình luận (không đồng thuận với bài viết) đều bảo thủ khi người khác chọc vào quyền lợi riêng của mình. Nên xã hội khó tiến lên được”.

Nếu đọc hết hàng trăm lời bình luận tỏ ra bức xúc với việc tác giả bài báo cho rằng nhân viên trường học làm việc nhàn và chưa đảm bảo thời gian quy định phần lớn là của chính các nhân viên nhà trường.

Gộp việc mới có cơ hội tăng lương

Sự phản ứng thái quá của các bạn chứng tỏ mọi người đã không dám nhìn thẳng vào sự thật.

Ai cũng chỉ biết nhìn vào đồng lương ít ỏi để kêu than. Nhưng nếu vẫn để biên chế các vị trí nhân viên trường học nhiều như hiện nay thì mọi người đừng bao giờ mơ đồng lương có thể cải thiện.

Bạn Thanh Hà: “Ở trường vất vả và nhiều việc chỉ có kế toán và văn thư chuyên trách, còn y tế, thiết bị, thư viện thì đúng là rảnh việc. Nên ghép 3 chức danh này thì giảm được 2 suất lương. Có kinh phí tăng lương cho nhân viên

Bạn Hg Minh: “Tôi rất ủng hộ ý kiến bài viết của tác giả. Gộp việc, gộp lương tương xứng. Hiện tại nhóm nhân viên này ở các trường đang rất lãng phí, có trường tận 1 thư viện, 1 thiết bị, 1 y tế, 2 tạp vụ, 1 kế toán mà thủ quỹ lại là giáo viên”.

Cần xác định rõ vai trò nhiệm vụ của từng vị trí

Tất nhiên vẫn sẽ có những nhân viên trường học bận rộn, vất vả như một số bạn nêu ý kiến. Thế nhưng sự vất vả, bận rộn ấy hoàn toàn không phải đến từ chính công việc của họ.

Đã có không ít Ban giám hiệu lợi dụng nhân viên để bắt họ làm những công việc không tên, những công việc không thuộc trách nhiệm của họ. Vì “thấp cổ bé họng”, vì “sợ mất lòng cấp trên” nên ai nấy đều phải nín chịu làm hết. Điều này, đã làm cho công việc của nhân viên trường học thêm phần vất vả.

Ví như, có trường học bắt văn thư phô tô tài liệu, đề kiểm tra, đề ôn tập. Trường lớn, học sinh đông nên công việc phô tô cũng quá bận rộn. Thế nhưng mấy ai biết máy phô tô lại của riêng một nhóm người làm văn phòng như một hình thức kinh doanh bên ngoài.

Bởi thế, để giảm những công việc không tên, để không phải làm những công việc không đúng chức trách thì ngay từ đầu năm học các nhân viên nhà trường cần đồng lòng yêu cầu hiệu trưởng đọc rõ những nhiệm vụ của các vị trí.

Qua đó, các bạn sẽ thấy rõ những công việc cụ thể của mình và từ đó sẽ biết cách nói không với những việc bị phân công sai chức trách tránh.

Việt Đăng