Philippines: Trung Quốc không phải là láng giềng tốt!

09/02/2013 13:01
Hồng Thủy (Nguồn: Manila Standart Today)
(GDVN) - Trung Quốc đã xây dựng những cấu trúc khá lớn mang tính bền vững trên vùng biển tranh cấp. "Trung Quốc không phải một láng giềng tốt", vị quan chức này cho biết.
Tàu chiến, máy bay Trung Quốc tập trận (trái phép - PV) trên Biển Đông
Tàu chiến, máy bay Trung Quốc tập trận (trái phép - PV) trên Biển Đông
Tờ Manila Standard Today ngày 9/2 đưa tin, Bắc Kinh sẽ "bỏ qua" vụ Philippines kiện đường lưỡi bò phi pháp mà Bắc Kinh vẽ ra nhằm độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, đồng thời tiếp tục lăng lặng đẩy mạnh việc xây dựng các cấu trúc vĩnh viện trên các bãi đá, bãi ngầm và các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.
Một nhà ngoại giao Philippines giấu tên nói với tờ Manila Standard Today rằng Trung Quốc đã xây dựng những cấu trúc khá lớn mang tính bền vững trên vùng biển tranh cấp. "Trung Quốc không phải một láng giềng tốt", vị quan chức này cho biết.

Ông cũng cho hay, Bắc Kinh vẫn liên tục duy trì ít nhất 3 tàu công vụ (Hải giám) án ngữ ở ngõ vào đầm phá bên trong bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống và vùng biển chủ quyền của Philippines, ngăn chặn các tàu cá Philippines quay trở lại đánh bắt.

Trung Quốc còn căng dây, kéo cáp ngăn chặn lối vào bên trong đầm phá Scarborough. Ngày 22/1 Manila đệ đơn kiện Bắc Kinh ra Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển, chỉ một vài ngày sau Bắc Kinh còn nghênh ngang tuyên bố rằng nó sẽ đẩy mạnh tiến độ và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên cái gọi là "thành phố Tam Sa" trong năm 2013.

Cuối năm 2012 Bắc Kinh đã rót ngân sách 1,6 tỉ USD cho việc xây dựng trái phép 1 sân bay, cầu cảng và cơ sở hạ tầng ở trung tâm hành chính cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp - PV).

Walter Lohman, một học giả thuộc Trung tâm nghiên cứu Châu Á có trụ sở tại Mỹ cho rằng, Bắc Kinh lựa chọn bỏ qua trọng tài vì họ "đã nhìn thấy một cơ hội củng cố lợi thế của mình". Theo học giả này, Trung Quốc cho rằng cần phải thực thi kế hoãn binh để có thời gian xâm chiếm trên vùng biển giàu tài nguyên. Ông cũng khẳng định, Trung Quốc biết chắc chắn rằng họ sẽ không thể giành chiến thắng khi tranh cãi về tính hợp lệ của cái gọi là đường lưỡi bò chín đoạn của mình. Từ quan điểm đó, Bắc Kinh đang thực thi chiến lược lờ đi kênh đàm phán ngoại giao, trọng tài quốc tế hay xây dựng quy chế ứng xử trên Biển Đông (COC) mà chỉ tập trung thúc đẩy "lợi thế trên thực địa".
Hồng Thủy (Nguồn: Manila Standart Today)