Phó Tư lệnh QK9: “Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền”

25/11/2013 15:52
Theo Infonet
(GDVN) - “Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình cũng như thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được”.
ĐBQH – Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Tư lệnh Quân Khu 9 trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp quốc hội sáng 25/11 về quy định cho phép đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự dự kiến sẽ được quy định khi sửa Luật nghĩa vụ quân sự.

Dự kiến Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi sẽ quy định cho phép đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ông nghĩ sao về quy định này?

Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ rất quan trọng, thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc cả thời bình cũng như thời chiến. Đã là xương máu thì không thể thay thế bằng tiền được.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ trao đổi với phóng viên sáng 25/11. Ảnh Nguyễn Dũng
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ trao đổi với phóng viên sáng 25/11. Ảnh Nguyễn Dũng

Mặt khác chất lượng quân đội ngày càng phải có sự lựa chọn, kể cả chiến sĩ vừa nhập ngũ cũng phải có trình độ mỗi ngày một cao hơn. Riêng ngành KHKT ngày càng phải lựa chọn người giỏi.

Tôi đi qua Nhật Bản, thấy bên đó dù thanh niên đã đậu đại học, hoặc kể cả đang nghiên cứu Tiến sĩ nhưng đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự là phải đi. Đi xong rồi bắt đầu về học tiếp. Điều này rất đúng và cũng mang lại sự công bằng chung cho tất cả mọi thanh niên ở tuổi trường thành.

Vậy theo ông nếu quy định như vậy thì nó có thể xảy ra những hệ lụy gì?

Nếu không khéo thì sau này chỉ còn lại những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo trình độ không đạt tham gia. Lúc đó sẽ không đáp ứng được nhu cầu xây dựng quân đội.

Quân đội càng ngày càng phát triển, càng tinh gọn thì trình độ từ người lính đến người phục vụ chuyên môn đều phải có trình độ nhất định, đáp ứng yêu cầu ngày càng chính quy của Quân đội.

Trang thiết bị ở quân đội mỗi ngày một cao, hiện đại mà trình độ quân nhân không đáp ứng được nhu cầu thì các loại vụ khí sẽ bị hạn chế. Vì vũ khí hiện đại cỡ nào đi chăng nữa cũng phải do con người quyết định.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, mỗi năm có hàng triệu thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ, nhưng thực tế lại chỉ có lượng rất nhỏ nhập ngũ. Thực tế đó cho thấy có chuyện tiêu cực phát sinh. Vậy làm sao để đảm bảo sự công bằng giữa người đi nhập ngũ và người đủ tiêu chuẩn mà không đi, thưa thiếu tướng?

Bây giờ khẳng định có tiêu cực trong chuyện đó cũng khó. Người ta có tiền tỷ thì không cớ gì họ lại để con cái đi nhập ngũ để chịu cực khổ, chứ chưa nói đến chuyện khác.

Luật quy định, ví dụ thanh niên nhập ngũ ở nông thôn, vùng khó khăn thì trình độ ở mức nào, ở thành phố trình độ cỡ nào. Cứ theo tiêu chí đó mà người ta tuyển.

Nếu tuyển đủ rồi, đội ngũ ưu tiên như đang học Đại học, Cao Đẳng không trong danh sách nhập ngũ cũng dễ hiểu. Nếu bảo đó là tiêu cực thì cũng không hẳn. Nhưng ở đây có một cái hơi ngược. Lẽ ra chúng ta phải ưu tiên lựa chọn người có trình độ hơn, tuổi trẻ hơn thì chúng ta lại làm ngược lại.

Với biện pháp thay thế đó dự kiến sẽ đưa vào trong luật sửa đổi, liệu quy định như vậy có trở thành thương mại hóa luật nghĩa vụ quân sự và mất tính thiêng liêng vốn có?

Vấn đề thương mại hóa không thể loại trừ khi quy định như vậy. Tôi đã từng là chỉ huy chiến đấu rất nhiều. Khi tôi làm quân đoàn trưởng rất cần những người có trình độ, năng lực. Nhưng thực tế đối tượng nhập ngũ lại thay thế rất nhiều. Điển hình như anh đi nghĩa vụ quân sự thay em. Thậm chí có người hi sinh mang tên anh, nhưng anh vẫn còn sống, em đã chết.

Ngay từ đầu góp ý Hiến pháp sửa đổi tôi đã phát biểu rồi. Nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng nên không thể thay thế được, mà phải đảm bảo sự công bằng.

Tôi không ngại nói thẳng vấn đề này, vì nó là lợi ích quốc gia, là xương máu, danh dự, là cái thiêng liêng và mọi người phải có nghĩa vụ tham gia. KHKT ngày càng cao, quân đội cũng vậy nên phải có trình độ ngang tầm, mới sử dụng vũ khí có hiệu quả.

Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng trong việc bảo vệ tổ quốc, không phân biệt giàu nghèo. Nếu cho phép đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự thì có phải vi hiến không, thưa ông?

Đúng như vậy. Tôi thấy không công bằng. Dù trong thời bình thì trong quân đội cũng có sự rủi ro nhất định. Từ tham gia phòng chống lụt bão, thiên tai, đến huấn luyện kể cả không quân, hải quân, việc huấn luyện rất nghiêm túc, gian khổ, thậm chí còn bắn đạn thật… nên sẽ có những rủi ro nhất định. Có khi anh em chiến sĩ còn bị hi sinh, và thực tế đã có nhiều trường hợp hi sinh, kể cả ngay trong quá trình huấn luyện. Đã nói về xương máu thì không thể thay thế được.

Trường hợp quy định này đưa vào luật thì cá nhân ông có “ấn nút” thông qua không?

Tôi rất băn khoăn. Bởi nó là thiêng liêng nên phải đảm bảo sự công bằng, như nhau trong bảo vệ tổ quốc. Không thể chấp nhận việc đóng tiền để thay thế nghĩa vụ quân sự được.

Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet