Phòng khám có “bác sĩ” TQ: Khám bệnh kiểu “chặt chém”

21/09/2011 07:30
Theo L.T.HÀ - Q.NGỌC - T.DƯƠNG/Tuổi trẻ
Nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân của các phòng khám này vì đặt niềm tin vào những quảng cáo hoành tráng...

Thậm chí có nơi còn mời nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng quảng cáo, cùng lời hứa trị “khỏi tận gốc” cộng với “bác sĩ ngoại” và cơ sở khang trang.

Dù không mắc bệnh, nhưng khi đến phòng khám Trung Quốc, phóng viên Tuổi Trẻ “được” bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh nặng, cần điều trị ngay với số tiền điều trị hàng triệu đồng.

Đóng gói thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân tại phòng khám Việt Hải, 709 đường Giải Phóng, Hà Nội - Ảnh: QUỐC NGỌC, N.KHÁNH

Đóng gói thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân tại phòng khám Việt Hải, 709 đường Giải Phóng, Hà Nội - Ảnh: QUỐC NGỌC, N.KHÁNH

Trong khi đó, “quy trình” khám bệnh chung ở các nơi chúng tôi đến chỉ là khai bệnh, bắt mạch, xem lưỡi, định bệnh, kê toa và bán thuốc.

Một “chiêu” chữa bệnh

Ngày 7-9, tôi và một đồng nghiệp nam (trong vai bệnh nhân bị rối loạn cương) đến phòng khám trung y Kỳ Tinh (43 Kinh Dương Vương, Q.6, TP.HCM) chữa trị. Nghe anh bạn của tôi kể bệnh, cô phiên dịch trao đổi bằng tiếng Hoa với vị bác sĩ Trung Quốc.

Sau khi hỏi tình trạng “ngủ đông” đã kéo dài bao lâu, vị bác sĩ bắt mạch cả hai tay của anh và “phán”: “Chức năng thần kinh sinh lý bị giảm. Gan thận âm suy. Máu huyết không lưu thông, bị cản trở. Gan nhiễm mỡ. Đây là hiện tượng liệt dương, nếu để lâu không thể chữa khỏi”.

Ông còn bảo người bệnh le lưỡi ra xem và nói bệnh liệt dương hoàn toàn có thể chữa khỏi với một liệu trình điều trị 20 ngày. Khi chúng tôi hỏi tiền thuốc hết bao nhiêu, không cần đợi phiên dịch, ông này cho biết luôn thuốc thường 250.000 đồng/ngày, thuốc tốt 350.000-400.000 đồng/ngày. Lấy lý do không mang đủ tiền, chúng tôi tìm cách rút lui thì cô phiên dịch nhanh nhảu gợi ý có bao nhiêu đóng trước bấy nhiêu rồi mai trở lại lấy thuốc đóng hết!

Hạn chế quảng cáo giờ “vàng”

Ngày 20-9, phòng quảng cáo Trung tâm Truyền hình VN tại TP.HCM (VTV9) cho biết các phòng khám Trung Quốc được phát sóng trên đài đều trình hồ sơ với đầy đủ các điều kiện và giấy phép của cơ quan chức năng như giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề y, hình ảnh, băng đĩa và kịch bản được duyệt... Tuy nhiên, đài cũng có nhiều động tác nhằm hạn chế phát quảng cáo của những phòng khám này vào giờ vàng, chỉ cho phát trước 17g và sau 23g hằng ngày, hoặc thậm chí từ chối những hợp đồng quảng cáo mới với lý do đã hết thời lượng.

QUỐC NGỌC

Vợ chồng anh Trần Trọng Nghĩa (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đến phòng khám trung y Kỳ Tinh cùng lúc với chúng tôi cho biết bác sĩ Trung Quốc chẩn đoán anh bị viêm họng cấp, dọa không chữa sẽ bị ung thư và các biến chứng nguy hiểm khác.

Ông bác sĩ này bảo đảm chữa khỏi trong 20 ngày. Anh Nghĩa quyết định mua luôn một liệu trình 20 ngày thuốc hết 8 triệu đồng (400.000 đồng/ngày). Số thuốc anh Nghĩa mua được phân trong các túi giấy, bên ngoài chỉ đề tên phòng khám và liều dùng, ngoài ra không có nguồn gốc, nhãn mác, tên thuốc, cơ sở sản xuất, hạn sử dụng...

Còn tại phòng khám đông y Hiện Đại (337 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM), người khám bệnh suyễn cho tôi là một bác sĩ nam hỏi bệnh bằng tiếng Trung Quốc (có phiên dịch), sau khi hỏi thăm vài câu rồi bắt mạch, đặt ống nghe sau lưng tôi đã kết luận: “Phổi bị co thắt lại, hơi thở ngắn. Chức năng phổi kém lắm, co thắt kém”.

Ông ta “hù” bệnh của tôi nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sang bệnh ung thư. Vị bác sĩ này nói bệnh của tôi phải kết hợp uống thuốc bắc và thuốc viên. Đợt đầu uống 20 ngày, sau đó tái khám. Tùy theo cơ địa, mỗi người uống 1-2 tháng sẽ khỏi bệnh. Thuốc có hai loại là 400.000 đồng/ngày hoặc tốt hơn thì mua loại 500.000 đồng/ngày.

Cùng ngày, tôi đến phòng khám đông y Trường An (786 Hồng Bàng, Q.11). Bác sĩ ở đây cũng bắt mạch, xem lưỡi xong liền phán: “Bệnh do nội tiết tố rối loạn, làm hồng chất tố của đại não bị rối loạn (?), gây mất ngủ”. Và tiếp theo là “bài ca không quên” muốn điều trị phải theo liệu trình 20 ngày của bác sĩ. Có hai loại nồng độ thuốc cao và trung bình. Cao 300.000 đồng/ngày, trung bình 250.000 đồng/ngày”... Tôi tìm cách rút lui nhưng vẫn bị níu kéo “đem theo bao nhiêu tiền thì cứ lấy bấy nhiêu ngày thuốc”.

Một bệnh nhân giấu tên, quê Cà Mau cho biết thấy quảng cáo trên truyền hình về phòng khám đông y Tâm Đức (943-945-947 Trần Hưng Đạo, Q.5) hay quá nên dù ở xa chị cũng quyết đến đây để điều trị chứng đau nhức khớp. Tại phòng khám, chị được một bác sĩ Trung Quốc bắt mạch, xem lưỡi và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.

Vị này cũng đề nghị phải điều trị 20 ngày và bảo đảm hết đau với ba mức giá 400.000, 500.000 và 600.000 đồng/ngày. Chị mua luôn một tháng thuốc hết 15 triệu đồng. Uống mấy ngày đầu thấy đỡ đau nhưng mặt mũi từ từ phù ra. Khi uống hết thuốc chị lại thấy các khớp đau lại. Chị quay lại phòng khám thì bác sĩ Trung Quốc nói do cơ thể chị hấp thu chậm hoặc không hấp thu thuốc, cần uống thêm một hai tháng mới có tác dụng.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Bích Nguyệt - đại diện phòng khám Tâm Đức - khẳng định: “Ở đây chỉ có tôi là người VN trực tiếp khám cho bệnh nhân, không có bác sĩ Trung Quốc nào”. Bà Nguyệt cũng khẳng định uống thuốc bắc của phòng khám chắc chắn bệnh trạng phải có tiến triển ít nhất 60%.

Tùy theo bệnh và cơ địa bệnh nhân mà thời gian điều trị sẽ lâu hay mau. Trả lời thắc mắc về giá thuốc quá cao, bà Nguyệt cho rằng giá cao là do phải nhập khẩu giá cao và do phòng khám phải sao tẩm để thành dược chất... Ngoài ra, giá thuốc cao còn do phải chi phí nhiều về cơ sở vật chất.

Số thuốc này phòng khám trung y Kỳ Tinh bán cho bệnh nhân với chẩn đoán viêm họng cấp. Tất cả đều không nhãn mác xuất xứ..- Ảnh: QUỐC NGỌC, N.KHÁNH

Số thuốc này phòng khám trung y Kỳ Tinh bán cho bệnh nhân với chẩn đoán viêm họng cấp. Tất cả đều không nhãn mác xuất xứ..-  Ảnh: QUỐC NGỌC, N.KHÁNH

Phải “giả trang” mới phát hiện vi phạm

Vì sao sai phạm của nhiều phòng khám Trung Quốc cứ lặp đi lặp lại và kéo dài nhiều năm không giải quyết được? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Kim Bình - phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết hằng năm Sở Y tế có hai đợt thanh tra kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, trong đó có thanh tra kiểm tra các phòng khám Trung Quốc. Thanh tra cũng phát hiện và xử lý nhiều phòng khám Trung Quốc có vi phạm.

Theo ông Bình, qua kiểm tra phần lớn vi phạm của các phòng khám Trung Quốc là sử dụng người Trung Quốc hành nghề khi chưa được phép của Bộ Y tế; người phiên dịch không có bằng cấp theo quy định; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng; tự sản xuất thuốc sử dụng cho bệnh nhân mà không công bố với cơ quan có thẩm quyền.

Mới đây thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành kiểm tra phòng khám Trung Nam ở Q.11 và đã ra quyết định phạt hơn 12 triệu đồng do những vi phạm quảng cáo.

Về việc thanh tra kiểm tra, theo ông Bình, để tránh sự thông đồng, thường các thành viên đoàn thanh tra không được biết trước địa điểm đến thanh tra mà chỉ có trưởng đoàn thanh tra mới biết và quyết định đi đâu.

Sở dĩ phòng khám Trung Quốc có bác sĩ hoạt động “lậu” khó phát hiện là do họ tổ chức cho người Trung Quốc khám bệnh ở tầng trên. Khi thanh tra sở đến kiểm tra có lúc không lên tầng trên vì họ nói trên lầu là chỗ ở của người cho thuê mặt bằng. Để khắc phục khó khăn này, có khi thanh tra cũng phải giả bệnh nhân vào khám mới phát hiện được sai phạm.

Theo L.T.HÀ - Q.NGỌC - T.DƯƠNG/Tuổi trẻ