Phú Thọ: Bắt giam thai phụ, nay ép án để phủi trách nhiệm?

06/07/2014 07:32
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Chủ yếu dựa vào những lời khai không có bằng chứng, các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ đã bắt giam trái pháp luật một phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ...

Bà chửa cũng không tha…

Theo kết luận điều tra cùng cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngày 26/8/2011, cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33 đối với bị can Lê Thị Minh Hiền.

Trước đó, Hiền giới thiệu là nhân viên của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, có khả năng mua được đất dự án và chạy việc. Sau khi “nổ” về thân thế của mình, Hiền đã nhận tiền của người dân để lo chạy việc và xin đất dự án nhưng cuối cùng không thực hiện được, khiến hàng chục tỉ đồng của người dân đã đưa cho Hiền khó có thể thu hồi.

Quá trình điều tra, Hiền luôn khẳng định hầu hết số tiền đã nhận của người dân đều giao lại cho bà Cao Thị Thu Hằng (SN 1982, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, số tiền Hiền nói đã đưa cho Hằng thì đều không có tài liệu chứng minh. Đồng thời, bản kết luận điều tra và cáo trạng không kết luận được bà Hằng có hành vi lừa đảo đối với Lê Thị Minh Hiền. Thậm chí, bà Hằng còn có tài liệu chứng minh Hiền còn nợ mình 10 triệu đồng.

Bà Cao Thị Thu Hằng và cháu bé mà trước đây đã từng phải ở tù cùng mẹ trong trại tạm giam
Bà Cao Thị Thu Hằng và cháu bé mà trước đây đã từng phải ở tù cùng mẹ trong trại tạm giam  

Đang trong quá trình điều tra thì ngày 14/9/2011, cơ quan công an nhận được đơn của bà Hoàng Thị Thu và ông Tạ Quang Thuật tố cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.187.500.000 đồng. Khi tố Hằng tại cơ quan công an, ông Thuật chỉ xuất trình bản kê phô tô có chữ kí với tên Nguyễn Thị Hằng (không phải là Cao Thị Thu Hằng) đã nhận tiền của ông 17 lần, tổng số tiền là 587.500.000 đồng. Còn bà Thu không có tài liệu gì chứng minh việc bà Hằng nợ mình.

Và bản kê phô tô này, khi trình bày với CQĐT của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, ông Thuật cho biết bản kê là của một người khác đưa cho mình.

Thế nhưng, chỉ dựa vào những lời khai của ông Thuật và bà Thu, cùng 1 bản kê phô tô, các cơ quan tố tụng lại cho rằng, Tạ Quang Thuật đã nhận nhiều hồ sơ (từ xin việc, đến chuyển trường) từ Hoàng Thị Thu với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng rồi chuyển tiền và hồ sơ này cho bà Hằng.

Sau đó, bà Thu cũng trực tiếp chuyển hồ sơ và tiền cho bà Hằng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Theo cáo trạng, tổng số tiền ông Thuật và bà Thu bị Hằng chiếm đoạt là 676.500.000 đồng. 

Trong đó có 497,5 triệu đồng của ông Thuật và 179 triệu đồng của bà Thu. Vì vậy, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã truy tố Hằng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 16/9/2011, CQCSĐT đã tiến hành khởi tố bị can đối với bà Hằng. Ngày 22/9/2011, cơ quan công an đã tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối với Hằng để phục vụ cho công tác điều tra và được Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ phê chuẩn. Thời gian này, bà Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và bản thân bà đang mang thai tháng thứ hai.

Vào thời gian tạm giam, có lúc cơ quan điều tra còn “ra lệnh” cắt quà tiếp tế của gia đình gửi cho bà Hằng vì bà này cứ “khăng khăng không nhận tội”.

Chỉ đến khi bà Hằng mang thai tháng thứ 7, khi bụng đã to, CQĐT mới cho bà Hằng tại ngoại về nhà để… đẻ.

Lôi bà Hằng ra làm “bia đỡ đạn”?

Trong quá trình điều tra, xét xử, bà Cao Thị Thu Hằng luôn một mực khẳng định mình vô tội. Bên cạnh đó bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng, việc bà bị khởi tố, bắt giam nhằm “thoát tội” cho một cán bộ đang công tác tại Viện Chiến lược - Bộ Công an (?).

Theo bà Hằng, người này là con gái một cán bộ cấp cao của Công an tỉnh Phú Thọ, có dính líu đến việc lừa đảo của Lê Minh Hiền.

Bà Hằng còn đưa ra những tài liệu chứng minh mình không có nợ nần gì đối với ông Thuật và bà Thu. Trước đó, qua mối quan hệ quen biết, bà Hằng có vay mượn của bà

“Tôi không hiểu một vụ án với nhiều tình tiết vô lí như vậy, tới đây TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tuyên án như thế nào?” – Luật sư Hà Đăng

Thu một số tiền nhưng đã thanh toán xong từ năm 2007. Bằng chứng là bà Hằng đã cung cấp cho cơ quan điều tra 8 biên bản gốc thể hiện việc đã hoàn thành việc trả tiền này. Thậm chí, bà Hằng còn chứng minh được đã trả thừa cho bà Thu hơn 10 triệu đồng.

Đối với trường hợp của ông Thuật, trước đó ông Thuật đã gửi tiền nhờ bà Hằng mua hồ sơ và tài liệu cho một số người để thi viên chức. Nhưng sau đó, ông Thuật lại đề nghị bà Hằng trả lại tiền. Bằng chứng cho việc thanh toán này là giấy biên nhận gốc ngày 21/10/2006 giữa bà Hằng với ông Thuật có nội dung: “…Tôi đã nhận lại đủ số tiền chị Hằng giao, chỉ giữ lại tiền hồ sơ 150.000 đồng/1 cháu. Tổng bằng 900.000 đồng. Vậy tôi viết giấy này làm bằng. Các giấy tờ khác không có giá trị thanh toán giữa hai bên. Khi nào được việc, tôi sẽ nộp tiền cho chị Hằng theo đã thỏa thuận”.

Tại các phiên tòa, luật sư bào chữa cho bà Hằng đã công khai các bút lục có trong vụ án cũng như các văn bản của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao để chứng minh những mâu thuẫn trong lời khai của bà Thu và ông Thuật. Trong đó có việc bà Thu thừa nhận ông Thuật đã trả tiền cho mình. Số tiền mà ông Thuật trả là do lấy được tiền từ bà Hằng.

Vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra?

Liên quan đến vụ án, Luật sư Hà Đăng (Công ty Luật Hà Đăng- người bảo vệ quyền lợi cho bà Hằng) cho rằng, các cơ quan tố tụng chỉ dựa vào lời khai của bà Thu và ông Thuật chứ không có bằng chứng nào ngoài một bản kê phô tô ông Thuật cung cấp (như đã nêu ở trên) mà đã truy tố bà Hằng là không có căn cứ.

Luật sư Hà Đăng cho biết, một vụ án với nhiều tình tiết vô lí như vậy, không biết tới đây TAND Phú Thọ sẽ phán quyết thế nào? (Ảnh: Viết Cường)
Luật sư Hà Đăng cho biết, một vụ án với nhiều tình tiết vô lí như vậy, không biết tới đây TAND Phú Thọ sẽ phán quyết thế nào?   (Ảnh: Viết Cường)

Cũng theo Luật sư Hà Đăng, việc cơ quan tố tụng khởi tố bị can và truy tố bà Hằng là hoạt động ngoài căn cứ có trong quyết định khởi tố vụ án số 33. Việc làm đó đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Lí do, quyết định khởi tố vụ án số 33 của cơ quan điều tra ngày 26/8/2011 không hề có tên bị hại nào là Hoàng Thị Thu và Tạ Quang Thuật.

Ngày 19/12/2012, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bà Hằng 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sau đó vì vi phạm nghiêm trọng cả trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nên ngày 25/7/2013, TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ, yêu cầu điều tra, xét xử lại.

Trong quá trình điều tra vụ án, ngoài việc bắt giam người trái pháp luật, điều tra viên của vụ án còn tiến hành “vận động” ông Thuật đi tố cáo bà Hằng. Điều tra viên này còn giả mạo hồ sơ và nhiều vi phạm khác. Nhiều cán bộ công an và kiểm sát viên đã bị kỷ luật do vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 7/2014, VKSND tỉnh Phú Thọ vẫn quyết truy tố bà Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đề nghị mức án từ 12-13 năm tù dành cho bà Hằng. Ngày 8/7/2014 tới đây, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ án này.

Thiết nghĩ, để tránh xảy ra những việc đáng tiếc về sau, TAND tỉnh Phú Thọ cần xem xét vụ việc một cách thấu đáo trước khi đưa ra quyết định.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…

VIẾT CƯỜNG