Putin mãi không chịu mở lời cầu cạnh, Bắc Kinh lại sốt sắng gợi ý "giúp đỡ"

22/12/2014 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Thái độ của Bắc Kinh với Moscow đã thay đổi rõ rệt, từ chỗ ngồi chờ Putin mở miệng xin giúp đỡ đến chỗ chạy theo hỏi Nga có cần Trung Quốc giúp đỡ gì không.
Tổng thống Nga Putin mãi chưa chịu mở lời nhờ Trung Quốc giúp đỡ.
Tổng thống Nga Putin mãi chưa chịu mở lời nhờ Trung Quốc giúp đỡ.

Đa Chiều ngày 21/12 đưa tin, kể từ khi đồng rúp Nga lao dốc từ trung tuần tháng 12 vừa qua, giới chức Trung Quốc liên tục phát tín hiệu muốn "giúp đỡ" Điện Kremlin vực dậy nền kinh tế Nga. 

Sau khi gợi ý của Lý Khắc Cường trong phiên họp Tổ chức Hợp tác Thượng hải hôm 15/12 không được Dmitry Medvedev hồi đáp, ngày 18/12 trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, người phát ngôn cơ quan này một lần nữa cho biết Trung Quốc có thể "giúp đỡ Nga" bằng nhiều cách, chủ yếu thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng hải và quỹ Con đường tơ lụa mới.

Vẫn không thấy Điện Kremlin đả động gì đến việc cầu cạnh Trung Nam Hải, hôm 20/12 phát biểu với đài truyền hình Phoenix bên lề chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc nói thẳng, Trung Quốc sẵn sàng giúp Nga nếu điều đó là cần thiết.

Có thể thấy rằng chỉ vài ngày trở lại đây, thái độ của Bắc Kinh với Moscow đã thay đổi rõ rệt, từ chỗ ngồi chờ Putin mở miệng xin giúp đỡ đến chỗ chạy theo hỏi Nga có cần Trung Quốc giúp đỡ gì không. Đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ Điện Kremlin với "thiện chí" của Trung Nam Hải.

Moscow không chịu mở lời cầu cạnh Bắc Kinh cho thấy giữa 2 nước đang tồn tại một sự nghi ngờ lẫn nhau và Putin không yên tâm đối với "thiện chí" của láng giềng Trung Quốc. Trong khi ngay sau nhậm chức Tập Cận Bình chọn thăm Nga đầu tiên để thể hiện sự coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.

Hiện tại chiến lược 1 vành đai 1 con đường của Trung Quốc mâu thuẫn với chiến lược Á - Âu của Moscow, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tập trung vào khu vực Trung Á vốn là sân sau chiến lược của Nga. Lâu nay hoạt động của nó diễn ra thuận lợi là vì được Moscow ngầm ủng hộ. Bắc Kinh nếu muốn thúc đẩy chiến lược ổn định và phát triển Tây Bắc, điều quan trọng là phải giúp Nga ổn định.

Mặc dù việc phải lựa chọn giữa Âu - Mỹ với Nga bất lợi cho Trung Quốc, chiến lược Âu - Á của Bắc Kinh cũng nhằm cân bằng giữa 2 trục quan hệ với Moscow và phương Tây, nhưng Bắc Kinh không thể cứng rắn với Moscow trong bối cảnh hiện nay mà làm sao tìm cách ổn định quan hệ với Nga.

Nga là đại hậu phương của Trung Quốc trong chiến lược Âu - Á nên trong cuộc chiến giữa Nga với phương Tây, Bắc Kinh phải tìm cách giúp đỡ Moscow để khỏa lấp khoảng trống mất niềm tin chiến lược giữa hai nước.

Mặt khác cách đặt vấn đề của Bắc Kinh cũng có thể thấy, người Trung Quốc muốn giúp đỡ Nga thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và quỹ Con đường tơ lụa mới, quỹ Hợp tác kinh tế Âu Á - Trung Quốc. Đây là những chỗ dựa của Bắc Kinh trong chiến lược phát triển về phía Tây. Nhưng nếu Moscow gật đầu đồng ý thì vừa đồng nghĩa với việc thừa nhận vai trò những quỹ này do Trung Quốc lập ra, vừa thừa nhận con đường Trung Quốc mở về phía Tây.

Nói là danh nghĩa Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đứng ra giúp đỡ thành viên, nhưng Trung Quốc là nước duy nhất có khả năng chi tiền lúc này. Chấp nhận sự giúp đỡ, có nghĩa là Nga chấp nhận địa vị mới của Trung Quốc. Điều này sẽ đặt nền móng cho vai trò chủ đạo của Trung Quốc ở Trung Á, Trung và Đông Âu.

Đa Chiều bình luận, trước thái độ "không chịu cúi đầu" của Putin, Tập Cận Bình dù cho có nghĩ đủ mọi cách để "giúp" Nga thì cuối cùng cũng chỉ là ôm rơm rặm bụng. Bởi vậy trong vấn đề của Nga, Tập Cận Bình vốn rất mưu lược có lẽ đã chuẩn bị sẵn một thế cờ hiểm và bí mật. Trong thế cờ này, Trung Nam Hải không suy nghĩ việc giúp Nga hay không, mà là khi nào "giúp đỡ" mới thu về được lợi ích lớn nhất.

Trước khi ra quyết định hỗ trợ Nga, Tập Cận Bình sẽ phải nghiên cứu ít nhất 3 vấn đề. Đầu tiên là nhân tố địa chính trị, hành động của Bắc Kinh sao cho vừa có lợi cho quan hệ Trung - Nga, vừa có lợi cho quan hệ Trung - Mỹ và Trung - Âu. Thứ hai là yếu tố kinh tế, Trung Quốc và Nga đã ký với nhau hiệp định hợp tác năng lượng 400 tỉ USD, nếu để nước Nga khủng hoảng thì những hiệp định này có nguy cơ bốc hơi và đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Cuối cùng, vấn đề đổi chác lợi ích chiến lược. Trung Quốc không thể để Nga sụp đổ, nhưng nắm chắc được thời cơ và mức độ "giúp đỡ" Nga sẽ là thách thức đối với tài mưu lược của Tập Cận Bình. Tuy nhiên một tiền đề tất yếu cho mọi sự "giúp đỡ" từ Trung Quốc đó là Moscow phải mởi lời nhờ vả như trong quan hệ giữa 2 quốc gia bình thường với nhau.

Nhưng đến thời điểm này có thể thấy, Moscow xem sự giúp đỡ từ Bắc Kinh là nước cờ cuối cùng. Đa Chiều khuyến cáo, Tập Cận Bình không nên nóng vội trong những trường hợp này. Trong cơn bão tài chính quét qua châu Á những năm 90, chính vì Bắc Kinh bất động nên mới hạn chế được thiệt hại. Lần này Tập Cận Bình cũng nên dĩ bất biến ứng vạn biến. Hiện nay ít nhất đại đa số người Nga vẫn coi Putin là vị cứu tinh của dân tộc họ chứ không phải kẻ gây tai họa, tình hình sẽ diễn biến ra sao hãy cứ nên chờ xem.

Hồng Thủy