Quá nhiều chuyện “đau đầu” với Bộ trưởng Cao Đức Phát

10/06/2015 11:42
Ngọc Quang
(GDVN) - Cơ cấu nông nghiệp chưa bền vững; Sản phẩm nông nghiệp kém chất lượng dẫn tới sức cạnh tranh yếu; Những người nông dân khốn khổ luôn lo sợ được mùa mất giá...

Ngày mai (11/6), Quốc hội bắt đầu chất vấn 4 Bộ trưởng. Người mở đầu chương trình chất vấn sáng mai là ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tại kỳ họp này, rất nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn - gắn với phần lớn dân số Việt Nam, nhưng kết quả thu được thì có nhiều yếu kém.

Đại biểu chỉ rõ yếu kém, yêu cầu trả lời thẳng thắn

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, các số liệu thống kê gần đây đã cảnh báo nhiều mặt hàng thế mạnh, nhất là nông, lâm sản đang mất giá, mất thị trường trên toàn thế giới.

Ông Đồng đặt vấn đề: “Gạo Việt Nam đang dần mất thế trước gạo Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Myanmamai và duy trì mức giá thấp vẫn gặp khó khăn. Cao su mất giá toàn cầu, nông dân bắt đầu chặt bỏ. Thủy sản liên tiếp gặp phải các rào cản kỹ thuật, cạnh tranh giảm giá.

Trong nước thì dưa hấu, tỏi, vải thiều dồn ứ và mất giá. Với thực trạng đó, câu hỏi đặt ra là chúng ta làm sao tận dụng được cơ hội như trên đã đặt ra?”.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng. ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng. ảnh: TTBC Quốc hội.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích, với lĩnh vực nông nghiệp, câu hỏi càng nhức nhối hơn khi yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân, ổn định nông thôn ngày càng khó khăn. Trước cơ hội đang mở ra, nhưng thiếu nội lực để nắm cơ hội về tái cơ cấu trong những năm qua đã làm được những gì, đặc biệt tái cơ cấu nông nghiệp còn rất mờ nhạt.

Cây lúa, con cá, cao su, cà phê Việt Nam vẫn ở tầm thấp của thế giới, vẫn đa số là hàng chất lượng thấp và lấy giá rẻ cạnh tranh chơi với thế giới kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá trả về hay đổ bỏ.

“Tôi luôn nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là con người và khu vực thiệt thòi nhất.

Ngay lúc này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương có ai có thể trả lời Quốc hội một bản kế hoạch đưa gạo hay nông sản Việt Nam vào Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan, Hàn Quốc vừa được Thủ tướng ký kết, hay sắp tới là bản kế hoạch nâng cao chất lượng, giá cả và thương hiệu Việt Nam theo một lộ trình mở cửa một đến hai năm tới có được không?

Tôi hy vọng và mong không nhận được câu trả lời đang xây dựng”, ông Đồng nói.

Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng): Từ đầu tháng 4/2015 đến nay, giá lúa giảm mạnh. Hàng loạt mặt hàng nông sản khác như dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), hành tây (Đà Lạt), hành tím (Sóc Trăng) cũng rơi vào tình trạng được mùa mất giá và khó tiêu thụ. Nghịch lý này tuy không mới nhưng tiếp tục đẩy người nông dân vào khó khăn.
Đáng lo ngại hơn, gần nửa năm đã trôi qua chúng ta chỉ xuất khẩu 11 tỷ USD bằng 1/3 năm 2014. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã trở nên bức thiết.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, vấn đề sản xuất và kinh doanh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bộc lộ ngày càng nhiều bất cập. Chậm chuyển biến sức cạnh tranh các sản phẩm, so với sản phẩm thế giới thì chưa cao.

Các năm gần đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp luôn giảm sút về kim ngạch xuất khẩu và luôn gặp khó khăn về việc mở rộng thị trường. Giá chênh lệch của sản phẩm Việt Nam so với các nước trên thế giới thì càng chênh lệch. Chất lượng sản phẩm nông sản còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu.

Khối lượng sản phẩm sản xuất còn nhỏ, manh mún. Sản phẩm nông nghiệp ít có thương hiệu uy tín, đặc biệt đáng lo ngại khi Việt Nam đã và đang chuẩn bị ra nhập nhiều cộng đồng kinh tế quan trọng. Nếu không chuẩn bị về điều kiện ứng phó thì hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là gánh nặng, đe dọa, thách thức rất to lớn.

Điệp khúc được mùa mất giá liên tục lặp đi lặp lại khiến người nông dân lao đao. ảnh: Báo CAND.
Điệp khúc được mùa mất giá liên tục lặp đi lặp lại khiến người nông dân lao đao. ảnh: Báo CAND.

Bà Tuyết nói: “Nông dân là lực lượng lao động cơ bản ở Việt Nam, nhưng thực trạng nghèo khó, thiếu kiến thức, luôn đối mặt với được mùa mất giá là vấn đề nông dân trong thời hội nhập, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tác động trực tiếp đến đối tượng nông dân.

Nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế thì việc gia nhập, hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta chỉ thành công được 50%.

Do đó, đề nghị Chính phủ và bộ, ngành có chính sách tích cực hỗ trợ nông dân trong điều kiện tiếp cận thuận lợi vốn vay, kỹ thuật, thông tin thị trường, định hướng sản xuất, liên kết sản xuất, công nghệ bảo quản sản phẩm, cơ sở hạ tầng và những chính sách dài hơi mang tính chiến lược, nâng tầm nông dân, nhất là đồng bằng sông Cửu Long lên, thích ứng thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay”.

Đã đến lúc Quốc hội phải trả món nợ lâu ngày với nông nghiệp.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) chỉ rõ, nổi bật nhất trong những khó khăn của những tháng đầu năm nay là tình hình sản xuất nông nghiệp.

“Quê tôi ở Sóc Trăng, nơi có củ hành tím nổi tiếng cả nước. Một tháng trước kỳ họp Quốc hội có bác nông dân gọi điện cho tôi nói rằng: "Ông Khắc Tâm ơi, ông vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không? Chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được tô phở thì cay mắt lắm".

Tôi đáp lại là: "Tôi xin chia sẻ khó khăn của bác, cũng như của các cô bác nông dân khác. Ngay lúc này tôi chưa giúp bác được gì, nhưng tôi hứa tôi sẽ đem câu hỏi của bác nêu lên trước Quốc hội", ông Tâm nêu thí dụ.

Từ đó, Đại biểu Trần Khắc Tâm đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ cần tổ chức các cuộc hội thảo thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp, để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi".

“Đã đến lúc Quốc hội cần phải trả món nợ lâu ngày với nông nghiệp”, ông Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm. ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm. ảnh: TTBC Quốc hội.

Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cũng nhận định, dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm nhưng năm nào cũng nghe được câu "được mùa rớt giá, mất mùa thì đẩy giá lên cao", khó tiêu thụ sản phẩm, gây thiệt hại và bức xúc cho người nông dân.

Mặc dù có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, năng suất lao động.

Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm. Trong khi đó nước ta có đến 67% dân số nông thôn, 46% lao động nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp 18% GDP.

Ông Vinh đề nghị: “Chính phủ cần xác định ưu tiên hàng đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp. Trước mắt Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong công tác dự báo thị trường, dự báo phân khúc thị trường để người dân và doanh nghiệp không phải loay hoay tìm thị trường như hiện nay, nhằm khắc phục bằng được tình trạng được mùa rớt giá”.

Ngọc Quang