"Quan chức mà khai man bằng cấp thì chỉ có nước cách chức"

11/10/2011 06:46
Ngọc Quang
(GDVN) - "Đối với trường hợp này thì cần phải bị kỷ luật Đảng, cách mọi chức vụ đang giữ. Tôi tin rằng các cơ quan trung ương sẽ rất công tâm và xử lý nghiêm"
Theo ông Hà Tuấn Trung – Nguyên Ủy viên UBKTTƯ Đảng, do việc xử lý chưa thực sự nghiêm nên còn nhiều trường hợp lạm dụng chức vụ để vun vén cho cá nhân một cách khá lộ liễu, quan chức sai phạm vẫn cố giữ ghế vì sợ mất quyền lợi.
Theo ông thì vì sao đã có nhiều chương trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai rộng rãi trên cả nước, ngay cả lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng rất nghiêm khắc trong công tác quản lý cán bộ mà vẫn xảy ra một số sai phạm liên quan tới đạo đức cán bộ?
Tôi nghĩ rằng, chủ trương đề ra thì tốt, qua đó giúp các thế hệ sau này hiểu hơn về nhân cách đạo đức của Bác Hồ và học tập. Tuy nhiên, cách làm đâu đó vẫn mang nặng tính hình thức, từ đó ít hiệu quả trong vấn đề chống suy thoái đạo đức của cán bộ. Trong khi đây lại là một trong những yêu cầu quan trọng trong chương trình học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Ông Hà Tuấn Trung
Ông Hà Tuấn Trung
Với những người đã có biểu hiện vi phạm đạo đức thì không chỉ nghe vài buổi, học vài buổi là thay đổi ngay được. 
Một trong những vấn đề quan trọng của đạo đức cách mạng là chống tham nhũng mà lâu nay chúng ta đã gọi là “quốc nạn” thì hiệu quả vẫn rất thấp, vì thiếu các biện pháp quyết liệt. Thí dụ, việc kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo đã được thực hiện – đó là chủ trương tốt, nhưng kê xong thì để làm gì? Nếu chỉ để lưu vào hồ sơ lý lịch thì chẳng có tác dụng gì cả, rốt cuộc cũng chỉ là hình thức thôi.
Trên thế giới đã có những nước làm rất tốt việc này, thí dụ như Singapore. Họ có một ủy ban được lập ra chuyên làm nhiệm vụ thẩm định tài sản của các quan chức Nhà nước. Vấn đề cần làm rõ là: Tài sản ấy do đâu mà có? Những cán bộ kê khai gian dối hoặc không chứng minh được tính  hợp pháp tài sản sở hữu, thì lập tức bị ủy ban này yêu cầu cách chức.
Một vấn đề nữa cần phải nói đến là tổ chức bộ máy chống tham nhũng thế nào? Thí dụ, cơ quan thanh tra là bộ phận thường trực phòng chống tham nhũng nhưng  lại nằm dưới quyền của người đứng đầu chính quyền các cấp, như vậy đôi khi cũng sẽ có lời ong tiếng ve. Vì vậy, để kết quả đạt được tốt hơn nữa thì theo tôi ngoài những gì chúng ta đang làm, Quốc hội, Hội đồng nhân các cấp cần có uỷ ban chống tham nhũng, như vậy thì sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn.
Ông nghĩ sao khi nghe thông tin Thứ trưởng Bộ Y tế không chỉ khai man bằng cấp mà còn vay tiền doanh nghiệp dưới quyền quản lý?
Chuyện vay tiền trong xã hội là rất bình thường, nhưng vấn đề ở đây là ai vay và vay ai?
Theo tôi thì có những dấu hiệu cho thấy chuyện vay tiền của vị Thứ trưởng này là không bình thường. Khi cấp trên quản lý trực tiếp mà đã hỏi vay thì cấp dưới (dù không muốn) cũng khó mà từ chối, cho nên họ phải cố gắng đáp ứng. Ở đây xuất hiện dấu hiệu vụ lợi, bởi nếu là vay bình thường thì anh có thể vay cấp trên, vay bạn bè, vay của các tổ chức tín dụng… cho nên việc vay tiền của doanh nghiệp trực thuộc quyền quản lý là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm với mọi cán bộ lãnh đạo, nhằm tránh điều tiếng xấu cho bản thân và tổ chức nơi mình công tác.
Nhân đây, tôi cũng muốn kể một câu chuyện, khi tôi còn công tác cũng có lúc phụ trách một tổ kiểm tra làm việc ở một số tỉnh thành. Một người trong nhóm đã có ý định vay tiền của chính người đang trong diện có vấn đề cần xem xét. 
Khi tôi biết chuyện thì đã trao đổi thẳng thắn với cán bộ đó, cậu ấy thừa nhận chuyện có ý định vay tiền để sửa nhà và tôi phải chấn chỉnh ngay, tránh gây tiếng xấu, nhưng cũng rất may là cậu ấy mới có ý định chứ chưa vay thật.
Bộ Y tế là đơn vị đề bạt sử dụng cán bộ, trong khi đó bằng Tiến khai man được một Vụ trưởng Vụ sau đại học (Bộ GD-ĐT) xác nhận. Lỗi chính là của Bộ nào, thưa ông?
Cả hai Bộ này cùng phải chịu trách nhiệm, nhưng Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm trước tiên, bởi lãnh đạo Vụ Sau đại học của Bộ này đã xác nhận bằng Tiến sĩ cho ông Thứ trưởng kia. Bộ Y tế vì tin tưởng vào xác nhận của một cơ quan cấp cao bên Bộ Giáo dục nên mới để xảy ra sự việc trên, nhưng nói như vậy không có nghĩa là Bộ Y tế không có trách nhiệm, mà phải nghiêm túc kiểm điểm lại công tác quản lý cán bộ.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của người đã xác nhận bằng Tiến sĩ cho ông Thứ trưởng này. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu vụ lợi thì cần phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc, còn nếu chỉ là quan liêu, thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả này thì cũng cần phải bị nhắc nhở. 
Tôi nghĩ đây là một bài học đắt giá cho công tác quản lý cán bộ và mong rằng sau này không còn những trường hợp như vậy nữa.
Với việc Thứ trưởng khai man bằng Tiến sĩ, theo ông sẽ bị xử lý ra sao?
Thời tôi còn công tác thì chưa gặp vụ việc nào như thế này, đây cũng chỉ là trường hợp hy hữu, một “con sâu trong nồi canh”. Đối với trường hợp này thì cần phải bị kỷ luật Đảng, cách mọi chức vụ đang giữ. Tôi tin rằng các cơ quan trung ương sẽ rất công tâm và xử lý nghiêm những trường hợp như vậy.
Theo ông, những trường hợp như một bí thư tỉnh ủy đi nhận bằng Tiến sĩ mà có hàng chục xe công đi theo, rồi Phó Ban chống tham nhũng thành phố Cần Thơ ghi chức danh lên thiệp cưới con, ông Vụ phó của Bộ Công thương nhận bừa đi thi toán quốc tế năm 1982… cần phải xử lý thế nào?
Hành động của những cán bộ lãnh đạo này thể hiện sự kém cỏi về mặt đạo đức ứng xử. Với ông Bí thư Tỉnh ủy này thì theo tôi kể cả việc ông ta biết cấp dưới chủ động đi chúc mừng như vậy mà vẫn đồng ý cũng là không được, vì đó là chuyện cá nhân, còn nếu anh muốn chia sẻ việc đó với nhau thì không được phép dùng xe công vụ.
Còn việc cán bộ lãnh đạo ghi tên lên thiệp cưới con là một hành động phô trương, vụ lợi có chủ ý, việc giải thích là ghi chức danh cho khỏi nhầm là dối trá. Bao nhiêu người khác cũng chỉ có cái tên khi mời cưới con, vậy thì ghi chức danh lên để làm gì? Theo quan điểm của tôi thì cần phải xử lý nghiêm khắc và minh bạch thông tin xử lý để nhân dân biết và để những cán bộ khác lấy đó làm gương.
Với ông Vụ phó Vụ thị trường trong nước của Bộ Công thương tự nhận bừa đi thi toán quốc tế là một biểu hiện của sự hám danh, tự đề cao mình, mà lại tự đề cao có chủ ý nên cũng cần phải bị nhắc nhở, phê bình.
Có ý kiến cho rằng, vẫn còn sai phạm như trên là bởi vì việc xử lý kỷ luật chưa thực sự nghiêm khắc. Ông có nghĩ như vậy?
Tôi thấy những ý kiến như vậy là đúng, vì thực tế là đã có những vụ việc xử lý chưa thật nghiêm, chưa công bằng, cho nên vẫn còn nhiều trường hợp lạm dụng chức vụ để vun vén cho cá nhân mình một cách khá lộ liễu.
Theo tôi là còn tồn tại những vấn đề sau: Một là, cơ quan xét xử chưa làm tốt chức năng của mình.
Hai là, riêng với tổ chức Đảng nơi mà cán bộ đó công tác khi thực việc việc xem xét kỷ luật cũng có nhiều yếu tố bị chi phối bởi cá nhân, mà không phải ai cũng khách quan. Khi phải xử lý kỷ luật một cán bộ nào đó trong tổ chức thì sẽ lấy ý kiến biểu quyết, nhưng có những trường hợp không xử lý được, vì số phiếu không quá bán, có thể vì các lý do: thân thiết nên không muốn kỷ luật, vì một mối quan hệ nào đó tác động, thậm chí sợ việc kỷ luật đó sẽ là tiền lệ và một ngày nào đó mình cũng bị như vậy… 
Tất nhiên là những trường hợp như vậy cũng không nhiều và cũng rất khó tránh trong bất kỳ xã hội nào.
Vậy còn vấn đề quan chức từ chức khi sai phạm bị phát hiện. Ông nghĩ sao về điều này tại nước ta?
Ở nhiều quốc gia thì chuyện từ chức thường xuyên diễn ra và người ta gọi chung là một cách ứng xử có văn hóa. Khi mắc sai phạm nghiêm trọng thì sẽ bị cách chức và xử lý theo luật, nhưng sai lầm chưa đến mức nghiêm trọng nhưng có ảnh hưởng nhất định tới vị trí đang nắm giữ hoặc ảnh hưởng tới tổ chức đang công tác, làm giảm sút niềm tin của người dân thì họ cũng từ chức.
Còn ở ta, nhiều quan chức sai phạm lè lè cũng cố giữ ghế, vì sợ mất quyền lợi. Họ sợ từ chức là mất hết, cho nên dù có bị thiên hạ chê cười họ cũng chẳng quan tâm.
Trong cuộc trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên UVTW Đảng cho rằng “khai man bằng cấp, nhận bừa kiến thức cũng là một dạng tham nhũng”, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Khai man bằng cấp và nhận bừa kiến thức không chỉ là một dạng tham nhũng mà còn là háo danh. Có những trường hợp khai man bằng cấp cũng chỉ vì muốn “khoe mẽ” học cao, dù thực tế chẳng có những kiến thức ấy, và cũng có người khai man bằng cấp là nhằm “dọn đường” để được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo. 
Theo tôi, cần phải xem xét và truy thu những đặc quyền đặc lợi mà vị cán bộ lãnh đạo nào đó đã được hưởng, tính từ khi sử dụng bằng cấp không có thật.
Nhìn vào tình hình hiện nay, ông có cho rằng có không ít lãnh đạo chạy theo bằng cấp không, bởi vì bên cạnh những người thi lấy bằng cấp một cách thực sự (để phục vụ cho công việc), thì vẫn có người chỉ để… “khoe mẽ”?
Tôi cho rằng do cơ chế tuyển chọn bị lệch lạc, coi trọng một cách thái quá vấn đề bằng cấp để sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo.
Nhìn lại quá khứ có thể thấy rằng trình độ học vấn của nhiều cán bộ lãnh đạo không cao (các đồng chí đó đều rất thẳng thắn khi khai về trình độ học vấn), nhưng bù lại các đồng chí ấy lại rất chịu khó nghiên cứu, trải qua thực tiễn và trở thành lãnh đạo cấp cao có uy tín.
Bên cạnh những lãnh đạo nỗ lực học tập vươn lên thì mặt bằng chung là có một số cán bộ ở trình độ thấp, điều đó đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng nâng cao học vấn cho cán bộ lãnh đạo, đó là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng. Nhưng bên cạnh những cán bộ lãnh đạo đầu tư công sức học tập thực sự thì có không ít người chỉ học lấy hình thức (để có cái bằng) cho xong. 
Và khi đã vượt qua được cái mốc ban đầu là tấm bằng cử nhân thì một số cán bộ lãnh đạo khi có điều kiện cũng học lên Thạc sĩ, thậm chí là Tiến sĩ… mà tôi nói thẳng là có vô khối người được cấp bằng Thạc sĩ rồi mà làm việc còn kém hơn cả người có bằng cấp thấp hơn.
Tuy vậy, tôi tin rằng những chuyện như vậy chỉ xảy ra trong giai đoạn quá độ như hiện nay thôi, sớm hay muộn thì những cán bộ lãnh đạo không giỏi thực sự mà chỉ có cái mẽ cũng sớm muộn cũng bị loại bỏ, thay vào đó là những người xứng đáng, có đủ tài và đức để cống hiến cho đất nước.
Ngọc Quang