Quân đội Mỹ, Pháp giảm chế tạo vũ khí trang bị vì thiếu tiền

21/05/2013 08:54
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ sẽ "chế tạo ít tàu sân bay, chế tạo nhiều tàu khu trục", còn Pháp giảm đơn đặt hàng mua máy bay chiến đấu Rafale.

Mỹ phải giảm chế tạo tàu sân bay

Ngày 19/5, tờ “Strategy Page” Mỹ cho biết, rất nhiều trang bị của hạm đội Hải quân Mỹ từ thời kỳ Chiến tranh lạnh dùng tiếp đến nay, hao mòn nghiêm trọng, có nhu cầu cấp bách trang bị lại.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh phí nghiêm trọng, không thể chi phí cho việc tái trang bị, đành phải áp dụng một loại phương thức giải quyết "cực đoan" - chế tạo ít tàu sân bay, chế tạo nhiều tàu khu trục, chuyển sang dựa vào tên lửa hành trình của lực lượng tàu chiến mặt nước, chứ không phải bom dẫn đường chính xác của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay.

Mỹ phát triển tàu khu trục DDG-1000 có lượng giãn nước 14.500 tấn, có thể áp sát bờ biển nước khác mà không bị phát hiện.
Mỹ phát triển tàu khu trục DDG-1000 có lượng giãn nước 14.500 tấn, có thể áp sát bờ biển nước khác mà không bị phát hiện.

Một nghiên cứu chiến tranh vài chục năm qua cho thấy, tên lửa hành trình phóng từ tàu khu trục hoặc tàu ngầm có thể thay thế phần lớn tàu sân bay để tham gia các chiến dịch ngắn.

Tên lửa hành trình kiểu mới hiện nay có tầm phóng dạt 2.500 km, vượt máy bay không người lái tầm xa dựa vào vệ tinh tiến hành do thám và tàu sân bay, đồng thời có chức năng thông tin hai chiều, tìm kiếm mục tiêu để tấn công, vì vậy có thể thay thế vai trò của tàu sân bay.

Thực ra, do nguyên nhân kinh phí, Mỹ sớm đã bắt đầu bắt tay dùng tàu khu trục thay thế tàu sân bay. 4 năm trước, Hải quân Mỹ quyết định chế tạo ba tàu khu trục lớp DDG-1000 và khôi phục chế tạo tàu khu trục lớp DDG-51 Arleigh Burke.

Đơn giá mỗi chiếc DDG-51 Arleigh Burke là 19 triệu USD, còn đơn giá mỗi chiếc DDG-1000 trên 4 tỷ USD. Mặc dù đơn giá của DDG-51 không bằng 1 nửa của DDG-1000, nhưng rất nhiều quan chức Hải quân Mỹ cho rằng, về lâu dài, DDG-1000 càng đáng để đầu tư.

Trong khi đó, tàu sân bay kiểu mới lớp Ford (CVN-21) đầu tiên có đơn giá ít nhất là 14 tỷ USD (gồm chi phí nghiên cứu phát triển), còn giá mỗi tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay là 4,5 tỷ USD, chi phí chế tạo mỗi chiếc tàu sân bay lớp Ford (sau chiếc đầu tiên) sẽ gấp đôi tàu sân bay lớp Nimitz.

Đồng thời, hai loại tàu sân bay đều cần trang bị lực lượng trên không, theo đó tiếp tục phải chi 3,5 tỷ USD.

Do đó, vấn đề chủ yếu nhất của Hải quân Mỹ là làm thế nào để kiểm soát giá thành, tiến hành tính toán giá thành, đồng thời nghiên cứu phát triển công nghệ mới và nâng cao tính năng của tàu khu trục DDG-51.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke DDG-51 Mỹ
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke DDG-51 Mỹ

Tờ "Strategy Page" cũng cho rằng, "Chiến tranh thế giới thứ hai" chứng minh, công dụng của tàu sân bay rất lớn, hiện nay Trung Quốc đang bắt đầu chế tạo tàu sân bay, nhưng số lượng sẽ không nhiều lắm.

Cùng với những hành động trên của Hải quân Mỹ, rất nhiều nhà thiết kế của Hải quân lo ngại tầm quan trọng của tàu sân bay trong chiến tranh tương lai sẽ đứng sau tàu ngầm hạt nhân và tên lửa. Nhưng, bài báo chỉ ra, tất cả những điều này đều cần được kiểm nghiệm trong chiến tranh tương lai.

Pháp giảm đặt mua máy bay chiến đấu Rafale

Ngày 18 tháng 5 trang mạng "Strategy Page" Mỹ đưa tin, Pháp vốn có kế hoạch đặt mua 294 máy bay chiến đấu Rafale, thay thế cho máy bay chiến đấu dòng Mirage cũ, do chi tiêu quân sự không đủ, Pháp sẽ giảm số lượng đặt mua xuống còn 225 chiếc, đến nay chỉ đặt mua 200 chiếc và chỉ có 120 chiếc có thể được bàn giao.

Năm 2006, không quân Pháp chính thức thành lập phi đội không quân máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên. Năm 2008, 10 máy bay chiến đấu hải quân Rafale F-1 gia nhập Hải quân, bắt đầu biên chế cho tàu sân bay Charles De Gaulle R91.

Để giảm chi tiêu quân sự, hiện nay 10 máy bay chiến đấu tiêu chuẩn Rafale F-1 đang được nâng cấp thành phiên bản "tiêu chuẩn F-3". Điều này cũng có nghĩa là máy bay chiến đấu sau nâng cấp có khả năng tiến hành tấn công mặt đất, như phóng bom dẫn đường laser và tên lửa không đối đất, đồng thời mang theo vũ khí hạt nhân.

Máy bay chiến đấu hải quân 1 chỗ ngồi Rafale-M do Pháp chế tạo
Máy bay chiến đấu hải quân 1 chỗ ngồi Rafale-M do Pháp chế tạo

Năm 1986, máy bay chiến đấu Rafale lần đầu biểu diễn máy bay nguyên mẫu, lẽ ta nó sẽ bắt đầu biên chế cho quân đội từ thập niên 1990, nhưng do các loại yếu tố cản trở, mãi đến năm 2000 máy bay chiến đấu Rafale mới bắt đầu được biên chế.

Đối với Pháp, do chi tiêu quân sự không đủ nên điều kiện công nghệ hạn chế, việc Pháp mua máy bay chiến đấu Rafale nhiều lần trì hoãn, nhưng việc thay thế toàn diện máy bay chiến đấu dòng Mirage cũ đang vô cùng cấp bách, nên tái khởi động kế hoạch đặt mua.

Là đối thủ cạnh tranh của Rafale, máy bay chiến đấu Typhoon châu Âu bán rất chạy. Máy bay chiến đấu Rafale nặng 28 tấn, giá bán 13 triệu USD, hiện tạm thời không có ghi chép xuất khẩu.

Mỗi máy bay Rafale có thể mang theo 1 khẩu pháo 30 mm và bom 9,5 tấn và tên lửa. Nhưng cùng với việc máy bay chiến đấu Rafale được triển khai tham gia các hoạt động quân sự tại các nước như Libya, Mali và Afghanistan, điều này từng bước thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu máy bay Rafale ở một số nước và khu vực.

Việt Dũng