"Quảng Bình là kim cương xanh của du lịch Việt Nam"

27/08/2018 14:26
Bài và ảnh: Thủy Phan
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Quảng Bình là vùng đất huyền bí, một “Viên kim cương xanh” của du lịch Việt Nam.

“Viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị

Với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương; Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài nước... hội nghị xúc tiến đầu tư tại Quảng Bình diễn ra ngày 27/8 thành công với nhiều con số ấn tượng.

Cụ thể, có 36 dự án của 23 nhà đầu tư với tổng số vốn đầu tư 29.717 tỷ đồng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư; 30 dự án của 24 nhà đầu tư với tổng số vốn 139.152 tỷ đồng được trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư.

Tham dự hội nghị, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Quảng Bình đã bất chấp mọi khó khăn, cùng với Hà Tĩnh và Quảng Trị thực sự là tấm gương vượt lên chính mình.

Năm 2017, du lịch Quảng Bình đạt con số ấn tượng với mốc gần 3,5 triệu khách, tăng đến trên 71%; trong đó, riêng khách quốc tế tăng 110% so với cùng kỳ.

"Quảng Bình là kim cương xanh của du lịch Việt Nam" ảnh 1Quảng Bình cần làm nên một "làn gió Đại Phong mới về du lịch"

Thủ tướng phân tích, nếu hạ tầng và phát triển ví như con gà và quả trứng thì ở một nơi có nhiều tiên cảnh như Quảng Bình phải gọi là “con gà đẻ trứng vàng”.

Những kỳ quan như Sơn Đòng, Phong Nha Kẻ Bàng đã vinh dự được vinh danh trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, các thắng cảnh như bãi tắm Đá Nhảy, Nhật Lệ, Vũng Chùa - Đảo Yến, Vịnh Hòn La, Suối nước nóng Bang, di tích Bàu Tró... đang tạo nên sức lan tỏa, đưa Quảng Bình trở thành địa danh trong khối óc và trái tim của những người quan tâm đến Châu Á và yêu thích du lịch khu vực Châu Á.

Thủ tướng cho rằng, sự cộng hưởng của du lịch Quảng Bình cùng đa dạng điều kiện tự nhiên và văn hóa khác ở Hạ Long, Sapa, cố đô Huế, Quảng Nam và những nơi tiềm năng còn rất mới mẻ như Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ đem đến cho Việt Nam một cơ hội vươn tới vị thế cường quốc du lịch vượt tầm ASEAN.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng đầu tiên mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

“Quảng Bình là vùng đất huyền bí, một “Viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị, một nền văn minh cổ thuộc hàng ngũ những nền văn minh lâu đời nhất Châu Á.

Nếu quý vị muốn tìm kiếm một ý tưởng về du lịch rất độc đáo, khác biệt, còn nguyên bản và kỳ vĩ thì Quảng Bình là một lựa chọn hiếm có. Có thể gọi đây là nơi không còn sót lại nhiều trên trái đất này”, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Bình là viên kim cương xanh của du lịch Việt Nam.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Bình là viên kim cương xanh của du lịch Việt Nam.

Thủ tướng cũng viện dẫn Tạp chí New York Times của Mỹ đã bình chọn Quảng Bình xếp thứ 8 trong top 52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh, là điểm đến đến hấp dẫn nhất châu Á.

Tiềm năng lớn nhưng chưa thành công

Nhắc đến vị trí địa kinh tế quan trọng của Quảng Bình trên phương diện quốc gia và quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh du lịch, lĩnh vực chế biến lâm sản, phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao cũng là thế mạnh không thể bỏ qua của Quảng Bình.

Ngoài ra, đây cũng là vùng đất thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo với khoảng 1.800 giờ nắng mỗi năm, cường độ bức xạ trên 4kwh, vận tốc gió bình quân 5,5 – 6m/s…

Định hướng động lực tăng trưởng của Quảng Bình là du lịch – dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, Thủ tướng cũng lưu ý đến công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc rất ít người ở Quảng Bình.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chí khí của người miền Trung tựa như những cây xương rồng trong sa mạc, vẫn sống, vẫn sinh sôi, nảy nở, vẫn vươn lên ra hoa đẹp”.

Tiếp nối truyền thống hiếu học, sự vẻ vang của cha ông, Thủ tướng mong muốn người dân Quảng Bình sẽ tiếp tục vươn lên, xây dựng Quảng Bình phát triển xanh và thịnh vượng.

"Quảng Bình là kim cương xanh của du lịch Việt Nam" ảnh 3Thu hút du lịch, Quảng Bình giảm giá vé tham quan nhiều hang động

Nói về nguyên nhân có nhiều tiềm năng kỳ vĩ như vậy nhưng Quảng Bình vẫn chưa thành công, Thủ tướng cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh chưa hình thành một ngành dịch vụ có khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

Với Quảng Bình, chiến lược trung tâm phải là dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, song song với gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và tự nhiên, tạo sự kết nối lan tỏa đến nhiều vùng miền khác của cả nước ta.

Thủ tướng mong muốn, Quảng Bình phải biết “góp gió thành bão”, cùng với các địa phương khác để ngành du lịch Việt Nam đi xa hơn, có sức cạnh tranh và hội nhập toàn cầu, thúc đẩy xu hướng du lịch toàn thế giới, hướng về những giá trị chúng ta đang có.

Để đạt mục tiêu phát triển, Thủ tướng đề nghị chính quyền Quảng Bình không chỉ cần làm tốt công tác quản lý nhà nước mà còn phải là chính quyền đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, của doanh nghiệp; phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Lãnh đạo tỉnh cần tiếp thu những đóng góp, đặc biệt trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; đồng thời phải biết mời chọn những người thợ khéo, tức là nhà đầu tư có tài, có tâm, có tầm để “viên kim cương xanh” của du lịch Việt Nam, của Quảng Bình sẽ tỏa sáng lâu dài trên bản đồ du lịch quốc tế.

Nhắn gửi các nhà đầu tư đến với Quảng Bình, quê hương của gió Lào, Thủ tướng nói rằng: “Đừng để cơn gió Lào nào thổi bay lời hứa đầu tư và những cam kết nguồn lực, lời hứa tôn trọng di sản, các bản sắc văn hóa, môi trường tự nhiên”.

"Quảng Bình là kim cương xanh của du lịch Việt Nam" ảnh 4
Trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư “hứa nhưng không làm hoặc làm hoàn toàn không tương xứng với lời hứa mà không có lý do chính đáng thì tốt nhất, hãy tránh xa những hội nghị xúc tiến đầu tư”.

Thủ tướng đề nghị mỗi cam kết vào địa phương này phải thực sự đi liền với hành động và hành động đó phải đầy đủ, đúng hẹn và càng sớm, càng tốt.

Bài và ảnh: Thủy Phan