Quảng cáo lừa trên truyền hình, nhà đài không thể vô can

25/06/2011 00:27
Theo ông Đào Kim Phú, để xảy ra tình trạng quảng cáo lừa trên truyền hình, trách nhiệm đầu tiên trong chuyện này thuộc về các đài...

Theo ông Đào Kim Phú (Trưởng đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử  tại TP.HCM), để xảy ra tình trạng quảng cáo lừa trên truyền hình, trách nhiệm đầu tiên trong chuyện này thuộc về các đài, cụ thể là các đài chưa làm nghiêm khâu thẩm định, ký hợp đồng quảng cáo. Việc đưa lên màn hình những quảng cáo sai sự thật, rao bán sản phẩm kém chất lượng là không chấp nhận được.

>> Tất cả đài phát thanh, truyền hình rà soát quảng cáo Happy Shopping

>> Phạt 451 triệu đồng một công ty bán hàng nhập lậu qua truyền hình

Các đài truyền hình phải kiểm tra, thẩm định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm trước khi ký hợp đồng quảng cáo

Công ty CP Mua sắm Hạnh Phúc (đơn vị bán hàng qua truyền hình với tên gọi Happy Shopping) vừa bị phạt 451,5 triệu đồng do có đến 8 hành vi vi phạm trong kinh doanh. Đáng chú ý trong các vi phạm là hành vi kinh doanh hàng giả nhãn hiệu (máy cắt rau củ, cây lau nhà, bộ dụng cụ tắm, bộ dao đa năng); một số mặt hàng mỹ phẩm, đồ dùng nhà bếp, trang sức được khai báo là thu mua trôi nổi trên thị trường… Một cán bộ Chi cục QLTT TP.HCM nhận xét vụ việc này là bằng  chứng cho thấy chất lượng hàng hóa bán rên truyền hình hiện nay rất phức tạp.

Ra rả quảng cáo lừa

Qua tìm hiểu cho thấy phần lớn những sản phẩm rao bán trên truyền hình chỉ thuộc dạng hàngthông thường, thậm chí có nhiều loại chất lượng rất kém. Phần lớn nguồn hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc một số nước khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Văn Tám, chủ cơ sở làm hàng xi mạ tại quận 6 - TP.HCM, cho biết những món nữ trang rao bán trên truyền hình có giá trên 1 triệu đồng/món thực ra không khác nhiều so với sản phẩm nữ trang xi mạ của Trung Quốc bán đầy rẫy trên thị trường, giá gốc chỉ vài chục ngàn đồng/món hoặc bộ. Cái khác ở đây chỉ là kiểu dáng và cách đặt tên sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách hàng. Tương tự, hàng gia dụng cũng chẳng khác gì hàng chợ.

Quảng cáo lừa trên truyền hình, nhà đài không thể vô can ảnh 1

Chảo hai mặt bán trên thị trường chỉ 400.000 đồng - 500.000 đồng/cái
nhưng quảng cáo trên truyền  hình đến 1,5 triệu đồng/cái.

Chẳng hạn, chổi lau nhà “thần kỳ” bán tại các siêu thị điện máy chỉ từ 200.000 đồng - 270.000 đồng/cây nhưng bán trên truyền hình lên đến gần 1 triệu đồng. Máy ép đa năng có giá từ 400.000 đồng - 500.000 đồng/cái, trong khi trên truyền hình bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng. Tại chợ Dân Sinh (Q.1-TPHCM), mặt hàng chảo hai mặt có giá bán lẻ 400.000 đồng- 500.000 đồng, còn trên truyền hình đẩy lên 1,5 triệu đồng; dao đa năng ở chợ chỉ có 70.000 đồng - 80.000 đồng/cái, bán trên truyền hình gần 500.000 đồng/cái...

Ông Phạm Văn Dũng, chủ một doanh nghiệp ở quận 4 – TP.HCM, chuyên nhập khẩu hàng gia dụng từ Trung Quốc, tiết lộ những hàng gia dụng bán qua truyền hình có nhiều loại y hệt hàng bán trên thị trường, một số có thay đổi nhãn hiệu hoặc bao bì nhưng sản phẩm bên trong cũng chỉ là một. Chẳng hạn máy đuổi muỗi, đuổi côn trùng bán trên truyền hình gần 1 triệu đồng/cái thật ra là hàng Trung Quốc, giá ở chợ chưa tới 300.000 đồng/cái. Không chỉ vậy, loại máy này không có tác dụng bao nhiêu và rất nhanh hư…

Giới kinh doanh cho biết hằng năm Trung Quốc đều tổ chức hội chợ quy mô lớn thu hút hàng chục ngàn cơ sở sản xuất điện máy, gia dụng, điện tử… ở nước này đến chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Nhiều thương nhân Việt Nam sang hội chợ tìm kiếm những món hàng giá rẻ, mẫu mã khác lạ, đặt hàng làm nhãn riêng rồi mang về bán với giá cao. Đây cũng là cách làm phổ biến của một số đơn vị bán hàng qua truyền hình...

Nhà đài thiếu kiểm soát


Đặt vấn đề về công tác kiểm soát của nhà đài với hình thức bán hàng nhiều tai tiếng này, đại diện một số đơn vị khai thác dịch vụ truyền hình cáp tại TPHCM cho rằng các đơn vị bán hàng trên truyền hình đều phải cung cấp một số giấy tờ liên quan đến sản phẩm như giấy chứng nhận đăng ký chất lượng, giấy chứng minh nguồn gốc hàng hóa, giấy phép kinh doanh hoặc những sản phẩm liên quan đến sức khỏe phải có giấy chứng nhận từ ngành y tế.

Còn nội dung thông tin quảng cáo bán hàng, kịch bản đều được nhà đài lập hội đồng kiểm duyệt trước khi phát sóng... Tuy nhiên, khi chúng tôi viện dẫn vụ QLTT TPHCM phát hiện Công ty CP Mua sắm Hạnh Phúc kinh doanh cả hàng lậu, hàng giả, hàng không có số đăng ký với ngành y tế…, đại diện những đơn vị truyền hình này chỉ trả lời: Sẽ xem xét kiểm tra lại!...

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, đài truyền hình muốn phát quảng cáo thì phải kiểm tra xem hàng hóa ấy có đúng như quảng cáo không, có đầy đủ hồ sơ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng không. Nếu doanh nghiệp không có đầy đủ giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mà nhà đài vẫn ký hợp đồng quảng cáo thì nhà đài phải chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra kiện cáo, khiếu nại của khách hàng về chất lượng hàng hóa dịch vụ bán qua truyền hình thì đài truyền hình sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới vì quảng cáo sai sự thật và sẽ bị xử phạt.

Trách nhiệm đầu tiên trong chuyện này thuộc về các đài, cụ thể là các đài chưa làm nghiêm khâu thẩm định, ký hợp đồng quảng cáo. Việc đưa lên màn hình những quảng cáo sai sự thật, rao bán sản phẩm kém chất lượng là không chấp nhận được.

Ông Đào Kim Phú (Trưởng đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử  tại TP.HCM)

>> Tất cả đài phát thanh, truyền hình rà soát quảng cáo Happy Shopping

>> Phạt 451 triệu đồng một công ty bán hàng nhập lậu qua truyền hình

Theo Người lao động