Quốc hội khóa 13 đã thông qua 100 luật, bộ luật và 10 pháp lệnh

24/02/2016 07:32
Ngọc Quang
(GDVN) - Trong khi đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên đưa 2 đại biểu bị bãi nhiệm vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Hôm 23/2, trình bày dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã xem xét, thông qua 100 luật, bộ luật; 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, trong thời gian ngắn, Quốc hội đã tập trung xem xét, thông qua hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lĩnh vực tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, an sinh xã hội.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đánh giá thực chất hoạt động của Quốc hội khóa XIII. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đánh giá thực chất hoạt động của Quốc hội khóa XIII. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đã phản ánh chân thực tình hình thực tế và cũng là nguồn thông tin, đánh giá để giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác.

Điển nhấn trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong nhiệm kỳ qua là Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chỉ rõ mục tiêu xây dựng và xác định những vấn đề cốt yếu trong chủ trương đầu tư dự án.

Nhiệm kỳ khóa XIII đánh dấu sự thành công vượt bậc trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội, qua việc tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Báo cáo cần viết ngắn gọn, báo cáo mà viết gì mà cứ nêu xuất sắc, nghe kêu quá. Hoạt động của Quốc hội mà không thực chất, đánh trống bỏ dùi thì dân chán ngay và từ đó nhân dân nói Đảng, Nhà nước hình thức".

Báo cáo cũng đưa ra một số hạn chế của đại biểu quốc hội:

Hoạt động của một số đại biểu quốc hội, nhất là đại biểu kiêm nhiệm có những hạn chế nhất định, như còn lúng túng trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri, chưa chủ động đưa ra sáng kiến lập pháp hoặc tự giám sát những vấn đề mình quan tâm.

Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, nhiệm kỳ này đã cải tiến chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tăng thời lượng truyền hình trực tiếp khi cho ý kiến vào các nội dung quan trọng. Thông qua đó nhân dân hiểu và tin tưởng hơn vào Quốc hội.

Đồng thời ông Sơn cũng cho rằng, báo cáo của Quốc hội không đề cập đến việc bãi miễn hai đại biểu quốc hội (Bà Đặng Thị Hoàng Yến - Đoàn Long An và bà Châu Thị Thu Nga – Đoàn TP Hà Nội – PV).

Ông Sơn đề nghị: "Hai đại biểu quốc hội sai phạm đều là nữ tự ứng cử, đều là doanh nghiệp, chính đầu vào không chặt chẽ, đến khi sai phạm làm cho bây giờ phải đi xử lý, cho nên cần đưa vào báo cáo để từ đó rút kinh nghiệm để cho khóa tới được tốt hơn”. 

Ngọc Quang