Quy luật lịch sử và thời cho người “quét lá đa”

29/12/2017 06:48
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Chúng ta đều tưởng rằng, câu ca dao ngày nào về chuyện “con vua”, “con sãi” đã hết vai trò lịch sử. Nhưng đó là nhận xét có phần vội vàng...

Hegel – nhà triết học duy tâm danh tiếng người Đức từng ám chỉ xã hội phong kiến vương quốc Phổ hồi thế kỷ 18 bằng mệnh đề nổi tiếng:

Hợp lý là tồn tại, tồn tại là hợp lý”.

Ông chán ghét sự mục nát của thời cuộc nhưng không thể bắn vào đó bằng súng đại bác.

Tất cả những gì hậu thế, kể cả K.Marx biết và tiếp thu Hegel đều qua hệ thống tư tưởng được coi là “rối rắm”, “tư biện” “lộn ngược đầu xuống đất” của ông.

Người Việt tuy chưa có triết học theo nghĩa Phương Tây (philosophia) nhưng vẫn tổng kết thực tiễn thành triết lý vô cùng thâm sâu.

Cũng công kích chế độ phong kiến, song (người Việt) còn thẳng thắn hơn nhiều, điển hình như câu ca dao “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”.

(Ảnh minh họa: Khều/ Tienphong.vn)
(Ảnh minh họa: Khều/ Tienphong.vn)

Dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận rằng, chế độ phong kiến Việt Nam chỉ mới tan rã cách đây đúng 72 năm sau ngày hoàng đế Bảo Đại trao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng và tuyên bố:

Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”.

Lời nói của cựu hoàng Bảo Đại chính là lời trăn trối cuối cùng cho cái mà Hegel từng ám chỉ chế độ phong kiến Châu Âu.

Rằng nó không còn hợp lý nên không có cơ sở để tồn tại.

Hơn 7 thập kỷ xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả chúng ta đều tưởng rằng, câu ca dao ngày nào về chuyện “con vua”, “con sãi” đã hết vai trò lịch sử.

Quy luật lịch sử và thời cho người “quét lá đa” ảnh 2Hạnh phúc của dân tộc là gì?

Nhưng đó là nhận xét có phần vội vàng.

Tuy nhiên, với những người học Mác, Lênin… điều đó không khó giải thích.

Quan hệ sản xuất “tàn dư” – vẫn dai dẳng tồn tại cho đến ngày nay, nó như một quy luật lịch sử mặc dù chúng ta đang xây dựng quan hệ sản xuất kiểu mới – quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Một trong những “tàn dư” của tư tưởng cũ lạc hậu để lại là tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan” là “COCC”, các loại “ệ” là các thuật ngữ tưởng chỉ dùng trong khoa học vũ trụ như “thần tốc’, “siêu tốc”, “bệ phóng”… kết quả của các loại “đúng quy trình” – nói như đại thi hào Nguyễn Du: “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”.

Mười năm trở lại đây là khoảng thời gian chứng kiến nhiều “quý tử” ngồi “tót” một cách khó hiểu.

Điều đó không biết có mang lại diễm phúc gì cho dân tộc hay không hay chỉ làm nở rộ một rừng dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước?

Từ Vũ Quang Hải ở Sabeco, Vũ Minh Hoàng ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho đến Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam, hotgirl Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, Phan Kim Yến ở An Giang… cho đến những pha “thủng lưới” khó tin như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… khiến người dân đặt câu hỏi: Đúng quy trình hay đúng “con vua” thua “con sãi”?

Vì sao những sai phạm bổ nhiệm trên không rơi vào trường hợp nào chẳng “dây cà dây muống”.

Hay nói cách khác chỉ có những con người vươn lên bằng thực tài mới không dính vào thứ quy trình đang bị nghi ngờ là bảo bối của sai phạm!

Đó là quy luật lịch sử, không hợp lý nên chẳng thể tồn tại.

Khách quan hơn, nhìn rộng ra, không phải lúc nào, khi nào cũng phải “dây mơ rễ má” mới có đường tiến thân.

Quy luật lịch sử và thời cho người “quét lá đa” ảnh 3Cái gì Dân muốn thì Trời cũng phải thuận theo

Lịch sử phong kiến cũng vậy, nhiều kỳ tài xuất chúng là “con sãi” như Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi, Cao Bá Quát, Lê Quát, Chu Văn An hay gần hơn là Nguyễn Văn Vĩnh… và vô vàn những nhân tài đất Việt thời nay không “con ông cháu cha”.

Quy luật lịch sử rất công bằng, vì sao ngày nay người ta thường hay nhắc đến những danh nhân lịch sử “chân đất” kể trên hơn là những “cậu ấm cô chiêu” chốn hoàng cung được nối ngôi vua cha, vua chú ngồi trên đỉnh quyền lực?

Quyền lực, ghế trên “ngồi tót”… tất cả chẳng là gì sau lớp bụi lịch sử được phủi sạch.

Bản thân “con ông cháu cha” không tội lỗi gì cả, nếu “con ông cháu cha” lại làm lãnh đạo và cống hiến tốt cho xã hội đó thực sự là “phúc của dân tộc” như một đại biểu quốc hội đã nói.

Nhưng làm ở đây là làm cho “con sãi” tâm phục khẩu phục, làm cho dân được nhờ, làm rạng danh tên tuổi cha anh chứ không phải làm điều xằng bậy để dân tình ngao ngán.

Nên chăng, những “cậu ấm”, “cô chiêu” “con vua” thời @ phải biết chạnh lòng trước những tấm gương “con dân” đỗ đạt vang danh quốc tế.

Sao không lấy đó làm gương mà cứ núp mình trong vỏ ốc quyền lực của cha anh chờ túm tóc, giật đầu bỏ vào “bệ phóng” để vinh thân.

Há chăng như vậy mới gọi là “phúc của dân tộc”.

Lâu nay, sau mỗi kỳ thi Olympic quốc tế hay đại học, trên các trang báo lại tràn ngập tin, bài về các tấm gương “con nhà nghèo học giỏi” như:

Bố mẹ sửa khóa con giành huy chương vàng quốc tế; bố mẹ ăn xin nuôi con thi đỗ thủ khoa đại học; sống 10 năm trong ống cống nuôi con thủ khoa đại học;

Bố mẹ phụ hồ con trai đạt 2 huy chương vàng Olympic; bố lái xe, mẹ bán thịt bò, con đoạt Huy chương vàng Vật lý quốc tế; học trò nghèo quê lúa giành Huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế…

Quy luật lịch sử và thời cho người “quét lá đa” ảnh 4Thừa thãi đúng quy trình, hiếm hoi nhận trách nhiệm

Đến đây, có thể rõ thế nào là họa, phúc của dân tộc.

Phúc của dân tộc là “con vua” biết sống đời của “con dân”, họa của muôn dân là “con vua” làm băng hoại uy tín, danh dự, sự nghiệp của cha ông mình.

Bằng việc lôi ra ánh sáng một loạt “ông trẻ” ngồi tót sỗ sàng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang xúc tác đúng chỗ cho quy luật lịch sử tiếp tục diễn tiến đúng nội hàm của nó.

Đó là thanh lọc những thứ không hợp lý và bồi bổ cho những cái hợp lý trên con đường nó đi qua. Đó là quy luật tồn tại vĩnh cửu của vũ trụ.

Có một thí nghiệm trên chuột, thoạt đầu người ta cho chúng sống trong môi trường lý tưởng, dư dả thức ăn nước uống.

Thời kỳ đầu chúng phát triển sinh, sôi nảy nở rất nhanh. Nhưng qua vài thế hệ, bọn chuột bắt đầu loạn hành vi, sinh bệnh tật, quay ra cắn giết nhau cuối cùng chỉ còn vài con.

Người ta thả một vài con chuột đồng hoang dã vào, những con chuột quen sống sung túc lần lượt chết vì thiếu khả năng cạnh tranh sinh tồn.

Chúng ta không mong muốn cứ mãi mãi thủ khoa, huy chương quốc tế là “con nhà nghèo học giỏi”, là “phu hồ”, “bán rau muống”… mà phải đến lúc bố mẹ của những thủ khoa, huy chương vàng thay vì “sửa khóa”, “bán hàng rong” là một nhà khoa học giỏi, một chuyên gia có tài, một lãnh đạo uy tín.

Chỉ dăm bảy trường hợp “sỗ sàng” sai quy trình đã làm nghiêng ngả xã hội.

Điều đó cho thấy dân chúng ngày nay đã biết thế nào là một nhà nước pháp quyền, thượng tôn luật pháp.

Những người có quyền hành nên xem đó là bài học kinh nghiệm xương máu, nếu không muốn người dân quay lưng bất biết.

Chuyện “con sãi”, “con vua” không phải chỉ xã hội phong kiến mới có, nó thuộc về bản chất của loài người như cái ô xòe ra đương nhiên che cái cán.

Nhưng đó tuyệt nhiên cũng không phải vấn đề thuộc về bản chất của nhà nước kiểu mới.

Dưới lăng kính của lịch sử, công tội phân minh.

Trương Khắc Trà