Quyết tâm phải vào đại học, chuyện ấy... xưa rồi

02/05/2019 06:23
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Nhiều em học sinh lớp 12 giờ đây thực tế hơn, phụ huynh cũng không còn mặn mà để khích lệ con mình phải vào đại học bằng được như những năm trước nữa.

Có một thời các em học sinh lớp 12 cố gắng chen chân để thi vào các trường đại học, thấp nhất cũng phải vào được trường cao đẳng để hy vọng cho một tương lai tươi sáng sau này.

Có một thời thi rớt đại học năm này thì thí sinh tiếp tục dùi mài kinh sử để thi bằng đậu được vào đại học vào các năm sau.

Nhưng bây giờ, đại học không phải là con đường duy nhất, học đại học xong vẫn trở lại đi làm công nhân như bao người lao động phổ thông khác. Thậm chí nhiều cử nhân đăng ký đi học nghề sau khi tốt nghiệp đại học.

Vì thế, nhiều học sinh lớp 12 giờ đây thực tế hơn, phụ huynh cũng không còn mặn mà khích lệ để con mình phải vào đại học bằng được như những năm trước nữa.

Nhiều học sinh lớp 12 chỉ tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Nhiều  học sinh lớp 12 chỉ tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp

(Ảnh minh họa: VTV.vn)

Theo chúng tôi, suy nghĩ của nhiều em học sinh lớp 12 bây giờ thực tế hơn rất nhiều và đó cũng là điều cần thiết để các em định hướng tương lai cho mình một các thiết thực nhất.

Và, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng khi các trường, các địa phương đã phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh mình khá tốt khi các em bước vào năm học cuối cấp.

Mục đích nào cũng chỉ hướng tới một tương lai cho bản thân có cuộc sống đảm bảo về sau. Những em không có điều kiện kinh tế tốt hoặc học lực vừa phải thì việc các em học nghề là một sự lựa chọn phù hợp nhất.

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thì kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 tới đây, toàn tỉnh có 32.410 thí sinh đăng ký dự thi nhưng đã có tới 13.357 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Số lượng này đã chiếm tỷ lệ 41,21% học sinh tham gia kỳ thi năm 2019, cao nhất trong các năm gần đây của tỉnh này.

Nhiều trường Trung học phổ thông của Nghệ An có tỉ lệ học sinh không xét tuyển đại học cao như trường Hoàng Mai 2 (73%); Tương Dương 2 (72%);  Nam Yên Thành (68%); Mường Quạ (64%); Quỳ Hợp 3 (63%)...

Quyết tâm phải vào đại học, chuyện ấy... xưa rồi ảnh 2Nhiều học sinh không thi vẫn đậu trong kỳ thi quốc gia

Với một vùng đất học như Nghệ An mà có tới 41% học sinh lớp 12 chỉ thi lấy điểm để xét tốt nghiệp chứ không xét tuyển đại học là điều khiến chúng ta suy ngẫm.

Và, đây không phải là năm đầu tiên Nghệ An có số thí sinh không xét tuyển đại học cao mà trong mấy năm gần đây tỉ lệ này cũng đều rất cao.

Không xét tuyển để học đại học có nghĩa là các em sẽ học học nghề hoặc vào đời bằng nhiều cách khác nhau như: vào làm công nhân ở các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, tự mở các mô hình kinh tế gia đình…

Rõ ràng, việc nhiều thí sinh không học đại học trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết bởi hiện nay cả nước có hàng trăm nghìn cử nhân đại học đang thất nghiệp hoặc phải làm những việc trái chuyên môn đã được đào tạo.

Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ diễn ra ở khắp các địa phương. Rất nghiều sinh viên học xong đại học xong thì phải quay lại làm những việc phổ thông mà công việc ấy chỉ cần trình độ Trung học cơ sở, Trung học phổ thông là cũng có thể làm được.

Sự lãnh phí về thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ đối với những sinh viên thất nghiệp là rất lớn.

Chúng ta đều biết, thời gian học tập của một sinh viên đại học ít nhất là 4 năm, một số ngành kỹ thuật là 5 năm hoặc còn lâu hơn nữa.

Khoảng thời gian học tập cho đại học tốn hàng trăm triệu đồng. Rồi ra trường thất nghiệp phải đi làm trái nghề, làm công việc chân tay hoặc ở nhà tiếp tục nhận “phụ cấp” của cha mẹ.

Đó là chưa kể đến sự dao động về tâm lý, tư tưởng khi lâm vào cảnh thất nghiệp của hàng trăm nghìn sinh viên.

Có một thực tế là sinh viên một số trường đại học ra trường hiện nay xin việc rất khó. Càng trình độ cao thì số tiền xin việc càng nhiều.

Quyết tâm phải vào đại học, chuyện ấy... xưa rồi ảnh 3Vốn ít, không học đại học, chúng em có thể khởi nghiệp thành công?

Trong khi, việc học nghề đỡ tốn kém mà ra trường phần lớn đều có việc, đi xin việc không phải chờ đợi quá lâu mà cũng chẳng phải mất tiền chi phí lớn.

Tỉnh nào bây giờ cũng có các khu công nghiệp, địa phương nào cũng có nhiều doanh nghiệp được mở ra và rất cần lao động.

Việc tuyển dụng của các doanh nghiệp được thông báo tuyển quanh năm. Thu nhập cũng khá ổn định. Thậm chí cao hơn nhiều sinh viên đại học mới ra trường làm ở các cơ quan nhà nước.

Vẫn biết, việc sinh viên thất nghiệp có nhiều nguyên. Có thể là “sản phẩm lỗi” không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc của xã hội.

Cũng có thể là do một số sinh viên chưa có động cơ, động lực phấn đấu trong quá trình học tập, chưa có kinh nghiệm va chạm với thực tế, thụ động trước công việc.

Hoặc, cũng có thể là việc các trường đại học “vơ bèo vạt tép” để đào tạo, hoặc đào tạo những ngành nghề mà xã hội không cần hoặc dư thừa… Nhưng, dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì tỉ lệ thất nghiệp cao cũng gây một tác động không tốt đến gia đình và xã hội.

Chính vì thế, thông tin tỉnh Nghệ An có tới 41% học sinh lớp 12 không xét tuyển vào đại học trong kỳ thi năm 2019 là điều giúp cho thí sinh của nhiều tỉnh khác cũng cần lưu tâm.

Đại học có thể mở ra một tương lai tốt đẹp nhưng học xong đại học vẫn có thể trở lại đi làm những công việc phổ thông như thường.

Vì thế, việc nhìn nhận thực tế, tìm hiểu ngành nghề để hướng tới công việc cho tương lai là điều vô cùng cần thiết đối với các em học sinh cuối cấp Trung học phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

http://nghean24h.vn/hon-41-hoc-sinh-lop-12-cua-nghe-an-khong-dang-ky-vao-dai-hoc-a571180.html

NGUYỄN CAO