Rosario phản pháo Vương Nghị ngay tại Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN

03/07/2013 14:17
Hồng Thủy (Nguồn: Asia One News)
(GDVN) - Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã giơ tay bác bỏ quan điểm của phía Trung Quốc đòi đàm phán tay đôi giải quyết tranh chấp Biển Đông khi nghe người đồng cấp Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp mặc dù ông Rosario không được bố trí phát biểu.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Tờ Asia One News xuất bản tại Singapore ngày 3/7 đưa tin, hôm Chủ nhật Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã giơ tay bác bỏ quan điểm của phía Trung Quốc đòi đàm phán tay đôi giải quyết tranh chấp Biển Đông khi nghe người đồng cấp Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp mặc dù ông Rosario không được bố trí phát biểu.
Ngoại trưởng Singapore gọi động thái này là sự "trao đổi cáu kỉnh". Tuy nhiên sự lệch hướng khỏi những quy tắc ngoại giao tế nhị thông thường đó là dấu hiệu cho thấy các cuộc họp đa phương như vậy có thể trở thành nơi thể hiện diễn biến mới nhất của tình trạng thù địch giữa các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, một trong những điểm nóng quân sự nguy hiểm nhất châu Á. Mặc dù có một tiến bộ hiếm hoi đối với căng thẳng trên Biển Đông giữa 4 quốc gia ASEAN với Trung Quốc khi Bắc Kinh chấp nhận tham vấn Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), nhưng thỏa thuận ràng buộc này vẫn còn là một viễn cảnh xa xôi khi Bắc Kinh thực tế vẫn tỏ ra không vội vàng để hạn chế tầm ảnh hưởng và hoạt động của hải quân của nó ở Biển Đông. "Phản ứng của tôi chỉ đơn giản nhằm vào vấn đề cốt lõi là Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố rằng họ có chủ quyền không thể tranhcaix ở Biển Đông", Ngoại trưởng Philippines nói với các phóng viên sau cuộc họp. "Cho đến nay đó là một yêu cầu quá mức, chúng ta cần phải giải quyết chuyện này phù hợp với luật pháp quốc tế. Vì vậy tôi kêu gọi mọi người ủng hộ điều đó." Ông Rosario nói thêm. Sau nhiều năm liên tục bị trì hoãn, việc Trung Quốc đồng ý "tham vấn" COC với ASEAN trong tháng 9. Tuy nhiên COC sẽ không giải quyết được tranh chấp chủ quyền mà chỉ có thể giúp kiểm soát nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Mặt khác cái gọi là "tham vấn" chứ không phải đàm phán được tổ chức tại Trung Quốc như một cử chỉ ngoại giao ở mức độ thấp. Tín hiệu này cho thấy không có khả năng cho một tiến bộ thực sự đối với tiến trình đàm phán ký kết COC bất chấp thực tế căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông và cả ASEAN cũng như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ cùng nhiều nước khác thúc giục Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán COC - PV.

Hồng Thủy (Nguồn: Asia One News)