Sáng tạo có phải đặc quyền của các “nhà..."?

15/04/2014 05:07
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Những thứ trời cho như dầu ngoài biển rồi sẽ cạn, than sẽ phải hết, bô xít không thể đào mãi…

Việt Nam có khá nhiều nhà khoa học, kỹ sư, nhà thiết kế... Các vị này chủ trì các công trình, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, sau khi nghiệm thu, sau khi đạt được hàm này, vị nọ là đa số gác “công trình” trên nóc tủ.

Chẳng thế mà dù đầy rẫy giáo sư, tiến sĩ, số lượng thuộc vào hàng đầu Đông Nam Á  nhưng Việt Nam lại có số phát minh, sáng chế xếp loại “đội sổ”.

Và người viết xin dẫn đến 2 sự kiện làm xôn xao dư luận gần đây liên quan đến tầu ngầm và máy bay: Ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) chế tạo tầu ngầm mini mang tên Trường Sa 01; anh Nguyễn Văn Thắng (Long Biên-Hà Nội) chế tạo máy bay trực thăng mini. Cả hai người đều không phải là các “nhà…”, họ chỉ là những người đam mê khám phá, đam mê tìm hiểu.

Lại có một đặc điểm chung khác, ấy là cả hai đều được phía cơ quan chức năng “quan tâm” đặc biệt. Ở Thái Bình, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình cho biết (không chính thức): “Ông Hòa để tàu ngầm trong công ty, hoặc dùng xe chở tàu ngầm đi nơi khác thì không sao, nhưng nếu như ông Hòa đưa tàu ngầm xuống mặt biển thì sẽ… bắt.

Còn chuyện trực thăng thì anh Thắng kêu: “Tôi đã có một lần làm việc với bên quân đội, cụ thể là lữ đoàn 918 của Phòng không Không quân. Lúc này tôi đã phải ký một bản cam kết với nội dung không được tiếp tục nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm. Phải giữ nguyên hiện trạng chiếc máy bay”.

Đừng vội nghĩ đến giá trị sử dụng của con tàu này mà đánh giá thấp sức sáng tạo. Ảnh: DV
Đừng vội nghĩ đến giá trị sử dụng của con tàu này mà đánh giá thấp sức sáng tạo. Ảnh: DV

Không phải ngẫu nhiên mà người viết từng nêu ý kiến: “Tư duy “cầm nắm” chính là nguồn gốc tạo ra trình độ thấp và đó chính là rào cản của tiến bộ”.

Chẳng có nơi nào trên thế giới cấm người dân nghiên cứu, thử nghiệm, chế tạo một thiết bị nếu nó mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Có vẻ như các cơ quan chức năng muốn khẳng định, nghiên cứu, sáng tạo là độc quyền của các “nhà..” có hàm, có vị, còn bà con “chân đất” chỉ nên an phận đi sau nhìn ngắm đuôi trâu?

Báo chí đã nêu một thực tế đáng buồn, “cái gì không quản được thì cấm”, bây giờ lại xuất hiện một thực tế khác, “sáng tạo, đi trước thiên hạ cũng cấm”!

Cấm tàu ngầm, cấm máy bay, cấm đủ thứ trong khi không ít “lò đào tạo” mang danh đại học sản xuất hàng vạn cái bằng rởm từ cử nhân đến tiến sĩ thì không thấy cấm. Mà kể cũng đúng, bằng rởm là chuyện thường ngày ở xóm, có gì sáng tạo, có gì phát kiến hơn người đâu mà phải cấm.

Hãy cùng nhau làm một phép so sánh: Một chiếc máy bay lên thẳng mini cứ cho là bay thành công đi liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hơn hàng vạn cán bộ, công chức bằng thật mà trình độ rởm không? Một chiếc tàu ngầm mini giả sử chạy thành công trong lòng biển đi liệu có đe dọa đến tính mạng của hàng vạn ngư dân như những chiếc “tàu lạ” đang ngày đêm rình mò trên biển Đông?

Kể cũng lạ, sao người ta lại không nghĩ đến điều đó, sao người ta phát ngôn thì rất nhanh mà tư duy thì lại quá chậm như vậy? Điều này có thể bắt nguồn từ một “chân lý”: Thủ trưởng mà “thấp” thì chắc sẽ chọn nhân viên “lùn”.

Và nó cũng bắt nguồn từ một “chân lý” khác, ấy là nếu cha đang là cấp trưởng thì con nhất định sẽ phải là cấp “trư”. Xin đừng hiểu nhầm sang chữ “Trư” trong Tây du ký, “trư” ở đây có nghĩa là gần với “trưởng”, cố thêm chút “ởng” nữa là thành trưởng.

Bộ máy tuyên truyền phương tây mấy chục năm trước đã bịa ra câu chuyện: “Hết một chu kỳ tiến hóa theo đường xoắn ốc, thượng đế quyết định xóa bỏ loài người hiện tại để tạo ra loài người mới, Nam Tào hiến kế: “Người Do Thái nhiều tiền, chỉ cần đốt hết tiền trên thế gian là họ sẽ chết hết”. Bắc Đẩu thì bảo: “Người Trung Hoa trung thành với vua, vua chết là tất cả chết theo”. Riêng có người Việt thì Nam Tào, Bắc Đầu đành chịu, phải nhờ Thái Thượng Lão Quân mách bảo: “Chỉ cần đun cái vạc dầu để ở đó, họ sẽ tự kéo nhau nhảy vào”.

Tại ĐH Nông Nghiệp Hà Nội, năm 1990, có một giảng viên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở Tiệp Khắc về nhận công tác. Bộ môn kiên quyết chỉ nhận kỹ sư mà không nhận phó tiến sĩ. Câu chuyện có thật 100% này chẳng phải là minh chứng hùng hồn cho chuyện tự kéo nhau nhảy vào vạc dầu đó sao?

Chính những cơ chế, chính sách đang hạn chế sự sáng tạo, thậm chí là bóp chết sự sáng tạo. Vì sao chỉ số thông minh của người Việt không giảm mà chỉ số sáng tạo của người Việt lại đang tuột dốc thảm hại?

Trong 5 năm gần đây, lần lượt chỉ số đổi mới-sáng tạo của Việt Nam sụt giảm từ vị trí 65/153 quốc gia năm 2008, 64/130 năm 2009, 71/132 năm 2010, tăng đáng kể lên thứ 51/125 năm 2011 đến giảm sâu xuống vị trí 76/141 năm 2012.

Nhìn sang nước Mỹ, trẻ con bỏ học 2 ngày là có thể bị phạt, còn ở Anh quốc, cậu bé 13 tuổi đã được hỗ trợ tiền chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhân... Còn chúng ta, tại sao lại cứ nơm nớp lo sợ sự sáng tạo?

Những thứ trời cho như dầu ngoài biển rồi sẽ cạn, than sẽ phải hết, bô xít không thể đào mãi…Thứ duy nhất quý giá mà tổ tiên tích lũy qua hàng nghìn năm truyền lại cho chúng ta là sự sáng tạo,  nếu hôm nay chúng ta không biết bảo tồn mà còn làm cho nó mòn đi thì mai sau con cháu sẽ được thừa hưởng những gì?

Thiết nghĩ cần có ngay những chính sách hỗ trợ sáng tạo thật cụ thể, thay vì đầu tư vô ích nhiều tỷ vào các đề tài cấp nọ, cấp kia hãy đầu tư cho các anh “Hai lúa” vài chục, vài trăm triệu, chí ít cũng là sự động viên sáng tạo chứ không phải là sự ngăn “lặn”, cấm “bay” như hiện nay.

Những đỉnh cao muôn trượng chỉ có đại bàng và loài bò sát là có thể vươn tới, người Việt muốn là đại bàng cần phải có ước mơ bay lên. Điều này chỉ có thể trông chờ vào những con người dám dành cả cuộc đời cho đam mê sáng tạo khoa học, nhưng cũng rất cần những con người không sợ người khác… hơn mình.

TS. Dương Xuân Thành