Sắp xếp lại trường sư phạm không được làm suy giảm năng lực của ngành giáo dục

29/08/2019 09:42
Trinh Phúc
(GDVN) - Giáo sư Trần Hồng Quân lo lắng: Nếu sau khi sắp xếp lại một số trường dôi ra rồi lấy cái trường đó làm việc khác vì đất toàn diện tích là đất vàng cả.

Một trong những vấn đề đang được các nhà sư phạm, các nhà quản lý giáo dục thảo luận sôi nổi hiện nay là việc sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm làm sao không làm suy giảm năng lực của toàn ngành giáo dục.

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức vào Ngày 27/8/2019 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội II.

Được biết, đây là hội thảo được Hiệp hội quyết định tổ chức đột xuất, nhằm hưởng ứng và triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2 tháng 8/2019.

Tại hội thảo này, nhiều ý kiến bày tỏ những khó khăn đang đặt ra đối với các trường đào tạo giáo viên, đặc biệt đối với hệ thống các trường Cao đẳng sư phạm ở các địa phương.

Nhiều vấn đề bất cập được đưa ra thảo luận, trong đó không ít ý kiến bày tỏ cần có một chính sách cấp thiết để duy trì sự tồn tại của những ngôi trường này.

Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh Trinh Phúc).
Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh Trinh Phúc).

Cũng tại Hội thảo sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, đóng góp từ các đại biểu, học giả Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, phải hiểu tinh thần Nghị quyết 19 về tinh giản biên chế là mang mục đích giảm gánh nặng ngân sách nhưng vẫn đảm bảo các đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả.

Do đó, việc giảm đầu mối, giảm biên chế chỉ là giải pháp không phải là cái tất nhiên nên nằm trong cái khả biến. Cần đặt việc sắp xếp lại các trường đào tạo giáo viên trong bối cảnh đó.

Trường trọng điểm hay chất lượng cao hãy để người học và xã hội đánh giá
Trường trọng điểm hay chất lượng cao hãy để người học và xã hội đánh giá

Liên quan đến xu hướng phát triển của các trường sư phạm trong bối cảnh mới, theo Giáo sư Trần Hồng Quân cần phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Việc đào tạo giáo viên không chỉ có các trường sư phạm mà có đến gần 90 cơ sở đa ngành, đa lĩnh vực tham gia.

Các trường sư phạm cũng không chỉ có đào tạo giáo như trường sư phạm kỹ thuật có đào tạo kỹ sư, hay sư phạm nghệ thuật còn đào tạo ra các nghệ sĩ.

“Các trường sư phạm là sản phẩm của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, chỉ là các trường đơn ngành.

 Việc duy trì trường sư phạm như là loại hình trường khép kín, đơn ngành, không còn phù hợp với thực tiễn.

Do đó, càng không nên có quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm như một sự khẳng định mô hình đơn ngành.

Việc đào tạo giáo viên ở các trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực tốt hơn là các trường sư phạm khép kín.

Nên cần chuyển đổi các trường sư phạm thành các trường đa ngành, đa lĩnh vực, cái xu thế đó rất hợp lý” – Giáo sư Trần Hồng Quân góp ý.

Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên và các nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục về tham gia hội nghị (ảnh Trinh Phúc).
Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên và các nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục về tham gia hội nghị (ảnh Trinh Phúc).

Một nội dung các đại biểu tranh luận là việc chủ trương xây dựng hai trường đại học sư phạm trọng điểm. Trong đó, có nhiều ý kiến phản đối vì sẽ hạn chế cạnh tranh bình đẳng giữa các trường và đi trái với quy luật phát triện tự do.

Cho ý kiến về vấn đề này, Giáo sư Trần Hồng Quân phân tích ra hai điểm bất cập. Thứ nhất, dự thảo đề án sắp xếp lại các trường sư phạm khẳng định trường đại học sư phạm trọng điểm chứ không phải trường đa ngành trọng điểm.

Thứ hai, chỉ định trường A, trường B là trường trọng điểm mà không để tự nó phát triển trở thành trường trọng điểm. Cách làm đó như một sự khẳng định mang tính hành chính.

Góp ý về hướng đi cho các trường đào tạo giáo viên, theo Giáo sư Trần Hồng Quân, một hướng đi để phát triển đối với các trường sư phạm địa phương hiện nay đó là cần định hướng phát triển thực hiện tự chủ.

Đào tạo giáo viên, bức tranh tổng thể trước ngày...vẽ lại
Đào tạo giáo viên, bức tranh tổng thể trước ngày...vẽ lại

Nhận tự chủ thì đương nhiên chịu thử thách về sự tồn tại vì không nhận ngân sách nhà nước.

Có mấy hướng phát triển như đa ngành, hoặc mở các trường phổ thông trực thuộc nhất là các trường thực hành, các trường phổ thông liên cấp như các trường chất lượng cao có thu học phí.

Cũng theo Giáo sư Quân, năng lực của ngành giáo dục trong đó kể cả cơ sở vật chất, đội ngũ… là đang còn bất cập so với yêu cầu thực tiễn.

Nếu sắp xếp lại mà còn làm giảm năng lực ngành giáo dục đi thì không được.

Bởi, nếu sau khi sắp xếp lại một số trường dôi ra rồi lấy cái trường đó làm việc khác. Các trường ngày xưa được ưu tiên diện tích, giờ thấy diện tích đó là đất vàng cả….

Theo Giáo sư Quân cần phải tính toán thế nào vì trước mắt chưa thừa giáo viên. Với cái sĩ số từng lớp học hiện nay có nơi 50 – 60 em/lớp nếu ta trở lại tiêu chuẩn thì đang cần giáo viên. Có nghĩa khẳng định, giáo viên hiện không thừa.

Trinh Phúc