Sau vụ cháy cây xăng: Giải mã thời khắc nguy hiểm nhất khi nhập hàng

05/07/2013 10:13
Đình Quân/Thanh Niên
(GDVN) - Vụ cháy cây xăng ở Hà Nội đã khiến nhiều cây xăng "sống" trông thấp thỏm, lo âu. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngay lập tức có văn bản "siết" chặt chất lượng phòng cháy chữa cháy ở các cây xăng, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ nhất lúc nhập hàng đều có thể biến tất cả thành... tro bụi.

Dễ cháy nổ khi nhập hàng

Khi được hỏi, phần lớn đại diện các cây xăng ở TP.HCM đều tỏ ra lo lắng khi đọc được thông tin cháy cây xăng ở Hà Nội.

Đại diện cây xăng dầu trên đường Pasteur - Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) cho hay, anh em nhân viên ở trạm xăng chỉ bàn về vụ cháy cây xăng ở Hà Nội. Thậm chí có một số khách khi vào đổ xăng đều hỏi thông tin về vụ cháy.

Nghề kinh doanh xăng dầu liên quan đến an toàn nên chúng tôi rất lo lắng khi vụ cháy xảy ra. Ngay trong sáng hôm nay, tổng công ty đã có mail gửi xuống yêu cầu các cửa hàng chấn chỉnh và bảo đảm công tác phòng chống cháy nổ an toàn tuyệt đối”, vị này nói.

Quá trình nhập hàng rất dễ xảy ra cháy nổ - Ảnh: Trung Hiếu
Quá trình nhập hàng rất dễ xảy ra cháy nổ - Ảnh: Trung Hiếu

Cửa hàng trưởng một cửa hàng xăng dầu ở quận 3, TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cùng chung nhận định hết sức lo lắng khi đọc thông tin về vụ cháy cây xăng ở Hà Nội trên báo chí.

Ông này cho hay, trong các công đoạn thì công đoạn nhập hàng dễ xảy ra cháy nổ và nguy hiểm nhất. Lý do, khi nhập hàng, cả khối xăng nổi trên mặt đất và lúc này chỉ cần một tia lửa hay nguồn nhiệt là cả khối xăng bùng cháy. Ông nói: “Khi nhập hàng, chỉ cần xăng dầu tràn ra đường hoặc xe bồn không kẹp dây tiếp địa (tiếp đất - PV), xe bồn quá cũ và chỉ cần phát ra tia lửa thì mọi thứ rất dễ bùng cháy. Cho nên khi nhập hàng khuôn viên của cửa hàng phải bế quan tỏa cảng”.

Cửa hàng trưởng trên cho hay mới đây có vụ cháy xe bồn ở cây xăng số 1 đường Trần Cao Vân (quận 1, TP.HCM). Xe bồn sau khi nhập hàng quay ra cổng thì dưới xe bỗng nhiên bốc cháy. Hay như mới đây, một cây xăng ở Đà Nẵng khiến mười mấy chiếc xe tải bị thiêu rụi.

Ông Hoàng Hà, Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu của Petrolimex ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho hay mọi công đoạn từ nhập hàng, bán hàng… đều phải theo quy chuẩn đề ra. Nếu không chỉ cần một sự cố nhỏ có thể gây ra hậu quả rất lớn mà khó ai có thể hình dung được.

Theo ông Hà, khi nhập hàng, ngoài việc bơm xăng từ bồn xe xuống bể chứa phải bằng ống kín không cho không khí lọt vào thì cần phải lưu ý không được để xăng rơi vãi ra nền để tia lửa, điện chập vào.

Loại bớt cây xăng không đạt chuẩn

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho hay qua sự cố ở Hà Nội, Sở đã có văn bản nhắc nhở gần 500 cây xăng ở TP.HCM phải đảm bảo quy định chiết nạp xăng để tránh những sự cố không đáng có.

Trong đó, Sở Công thương TP.HCM đặc biệt lưu ý là cây xăng không được để nhân viên và khách hàng sử dụng điện thoại di động khi cây xăng đang chiết nạp để đề phòng cháy nổ.

"Quá trình nhập hàng, xăng và không khí ở khu vực đó bị om lại. Lúc đó chỉ cần tia lửa điện là hỗn hợp trên bốc cháy ngay tức thì. Thậm chí nếu trong phòng kín, nồng độ xăng trong không khí rất lớn, chỉ cần bật công tác điện cũng có thể gây cháy".

Ông Hoàng Hà, Cửa hàng trưởng xăng dầu Petrolimex ở Cửa Lò, Nghệ An

"Cần phải hiểu sự cố vừa rồi ở Hà Nội là cây xăng không đã tuân thủ quy định khi chiết nạp xăng chứ không liên quan gì đến vấn đề quy hoạch. Khi chiết nạp xăng từ bồn xe sang hầm chứa, không được sử dụng điện thoại di động, thậm chí chủ cây xăng phải ngừng bán", ông Hiệp nói.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, ông Hiệp cho hay do đặc thù nên có nhiều cây xăng ở TP.HCM được xây dựng lâu đời nên không phù hợp với quy chuẩn mới sau này mà Bộ Xây dựng đưa ra..

Từ đó, sau khi được sự đồng ý của Bộ Công an, Xây dựng và Công thương, TP.HCM đã có Quyết định 17 cho phép giữ lại các cây xăng cũ với điều kiện đáp ứng được một số quy chuẩn đề ra.

"Nếu theo quy chuẩn mới của Bộ Xây dựng, một số cây xăng hiện tại trong nội đô TP.HCM sẽ không đáp ứng quy chuẩn. Tuy nhiên nếu dời hết cây xăng ra ngoài ngoại ô sẽ rất bất tiện cho người dân sống ở trong thành phố. Bởi mỗi lần muốn đổ xăng phải chạy ra ngoại thành", ông Hiệp nói.

Hiện tại, trước xu thế mới, TP.HCM đang chỉ đạo các sở ban ngành, quận huyện tiếp tục rà soát những cây xăng nào không đáp ứng Quyết định 17 sẽ phải di dời chứ không thể tiếp tục tồn tại.

Ông Hiệp nói thêm: "Sắp tới sẽ có quy hoạch mới thay thế quy hoạch xăng dầu cũ. Nếu cây xăng nào không đáp ứng tiêu chí sẽ bị "bứng" đi. Không nên giữ những cây xăng quá bê bối hoặc nằm ngoài quy hoạch. Ví dụ như hai cây xăng nằm trước chợ Bến Thành. Ở đây đã có quy hoạch metro chạy qua nên trong tương lai không thể cho phép tồn tại".

Theo Quyết định 17 của TP.HCM, về vị trí cửa hàng xăng dầu:

Phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 5 m (tính từ tâm cột bơm).

Không áp dụng tiêu chí trên đối với các trường hợp sau: Cửa hàng xăng dầu có các trụ bơm phía trong để phục vụ cho xe ô tô; các cửa hàng xăng dầu đã xây dựng và hoạt động trước năm 1997 (thời điểm ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam).

Cửa hàng xăng dầu phải cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 50m (ví dụ: cách điểm tiếp tuyến đường cong của đường giao thông có bán kính cong <50m ít nhất 50m dọc theo đường).

Đối với các cửa hàng xăng dầu được xây dựng và hoạt động trước năm 1997 là 30m.

Khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu liền kề nhau (cùng phía) tối thiểu là 50m. Trường hợp hai cửa hàng xăng dầu không liền kề với nhau (nằm đối diện) trên cùng một tuyến đường và tuyến đường có dải phân cách thì khoảng cách không quy định.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan, cửa hàng xăng dầu  phải có khoảng cách an toàn từ tâm cột bơm của cửa hàng xăng dầu đến chân các công trình công cộng tụ họp đông người (trường học, chợ trong hệ thống quy hoạch của thành phố và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) tối thiểu là 25 m.

Trường hợp cửa hàng xăng dầu có lắp hệ thống thu hồi hơi xăng dầu thì được giảm 30% khoảng cách theo quy định, cụ thể khoảng cách sẽ còn lại là 17,5 m.

Đình Quân/Thanh Niên