Nhật ký Pả Vi:

Sẽ bớt uống rượu, bớt đi phượt để đi từ thiện

28/12/2011 14:20
Thu Hòe - Tường Vi

(GDVN) - Cùng lắng nghe những cảm xúc lắng đọng của các thành viên tham gia đoàn thiện nguyện xuyên màn đêm đến với Pả Vi – Mèo Vạc – Hà Giang.

LTS: Đoàn thiện nguyện đến với thầy trò Pả Vi (Mèo Vạc – Hà Giang) do báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức vừa qua có sự góp mặt của rất nhiều thành viên. Họ là sinh viên, giáo viên, là kỹ sư, thông dịch viên, là nhà báo… Mỗi người một nghề nghiệp, một cuộc sống, một suy nghĩ khác nhau… nhưng, họ đã tìm được điểm gặp gỡ, sự đồng điệu rất chung.

Những trái tim xa lạ bỗng có chung một nhịp đập, một cái đích để hướng đến. Tham gia đoàn thiện nguyện, các thành viên cùng hướng đến một miền đất xa xôi nhất của Tổ quốc, khó khăn nhất để cùng chia sớt phần nào những khó khăn, san sẻ một chút tình cảm ấm áp cho những em nhỏ thiệt thòi.

Những học trò Pả Vi cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái
Những học trò Pả Vi cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái

Làm sao để các em có được nhiều hơn những bữa cơm có thịt, có được những tấm áo ấm áp, được có những đôi tất, đôi dép đi trong mùa đông lạnh giá… là ước mong của các thành viên tham gia đoàn từ thiện đến Pả Vi.

Chuyến đi từ thiện đến với học sinh nghèo miền núi xã Pả Vi – Mèo Vạc – Hà Giang là chuyến đi cuối cùng trong năm 2011 của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Đây cũng là chuyến đi quy tụ được nhiều nhà hảo tâm nhất đồng hành cùng báo. Để kịp lộ trình đến với Pả Vi, đoàn thiện nguyện đã phải khởi hành trong điều kiện đêm tối. Và để kịp về lại Hà Nội, bắt đầu cho một tuần làm việc mới, đoàn lại xuyên màn đêm với cái lạnh cắt da thịt, sương mù giăng mắc trùng điệp vượt 500 Km, trong đó, hơn 100 Km đường cua tay áo (TP. Hà Giang - Mèo Vạc) 

Trở về sau hành trình gần 1.000 Km, mỗi thành viên tham gia chuyến đi lại “lắng đọng” một cảm xúc khác nhau. 100% thành viên được hỏi đều khát khao được một lần nữa quay lại Pả Vi, mong muốn được đồng hành trong những chuyến đi tiếp theo của báo Giáo dục Việt Nam.

Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng những dòng tâm sự của các thành viên tham gia đoàn. Hãy cùng lắng nghe họ nói về chuyến đi của chính mình!

“Lần đầu tiên nhưng sẽ không là lần cuối cùng…”

Trần Ngọc Lân (sinh năm 1984, Hà Nội) lần đầu tiên đồng hành cùng báo Giáo dục Việt Nam đi làm từ thiện cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình đồng hành cùng báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đi làm từ thiện và đây cũng là chuyến đi xa nhất trong suốt 27 năm qua. Chuyến đi rất ý nghĩa và để lại trong mình nhiều cảm xúc khác nhau. Nếu không có chuyến đi này, mình sẽ không bao giờ biết đến cái đói khổ cùng cực của người dân vùng cao là như thế nào.
Bạn Trần Ngọc Lân "Nhất định sẽ trở lại Pả Vi lần nữa"
Bạn Trần Ngọc Lân "Nhất định sẽ trở lại Pả Vi lần nữa"

Mình bị ám ảnh rất lớn bởi cuộc sống của các em học sinh và người dân ở xóm núi Mã Pì Lèng. Thật không dám tưởng tượng khi mà quanh năm suốt tháng ăn mèm mén (bột ngô) qua ngày và ngô, đậu tương làm ra chỉ đủ ăn cho 6 tháng, 6 tháng còn lại sống nhờ vào Chính phủ…”

“Nếu có cơ hội, nhất định mình sẽ trở lại Pả Vi 1 lần nữa, trở lại xóm núi Mã Pì Lèng 1 lần nữa… và sẽ tiếp tục đồng hành cùng báo Giáo dục Việt Nam trong các chuyến đi tiếp theo” Lân khẳng định.

Chị Thu Trang "Lần đầu nhưng không là lần cuối"
Chị Thu Trang "Lần đầu nhưng không là lần cuối"

Cũng là lần đầu tiên đi từ thiện lên miền núi, chị Thu Trang, thông dịch viên tiếng Pháp, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã học được nhiều thứ, biết được nhiều điều… và có thêm những người bạn mới từ chuyến đi này. Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức được những chuyến đi như thế này là rất thiết thực và ý nghĩa. Có lẽ, ở thành phố Hà Nội hoa lệ này, 2.000 đồng chỉ để mua 1 cốc trà đá thì với những em nhỏ vùng cao chỉ cần có 2.000 đồng thôi các em đã thịt trong bữa ăn của mình.

Mình rất ấn tượng với cách tổ chức của báo. Các thành viên tự nguyện đóng góp tiền, đóng góp công sức trong chuyến đi. Mọi khoản chi tiêu, ủng hộ đều được minh bạch đến từng con số. Mình sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo trong các chuyến đi tiếp theo. Lần đầu tiên đi nhưng sẽ không là lần cuối cùng và chuyến đi sẽ mở đầu cho những hành trình sau đó của mình cùng với báo Giáo dục Việt Nam…”

Thấy lòng mình thanh thản hơn

“Lần đầu tiên tôi được tham gia một cuộc hành trình bổ ích đến như vậy. Dù đường xa nhiều mệt mỏi, dù phải băng qua màn đêm giá lạnh thấu xương nhưng tôi tin chắc ai cũng tìm được ý nghĩa cho riêng mình.

Bạn Bích Thảo: "Thấy lòng mình bớt day dứt khi đến được với những học trò Pả Vi"
Bạn Bích Thảo: "Thấy lòng mình bớt day dứt khi đến được với những học trò Pả Vi"

Riêng tôi thì thấy mãn nguyện và thanh thản lắm.

Mãn nguyện vì mình đã được đi đến những vùng đất mới, được biết những phong tục tập quán, những nét văn hóa mới. Được thấy những cảnh đẹp hùng vĩ, thấy những con đường mà khâm phục vô cùng sức lao động của con người.

Đặc biệt hơn cả, ý nghĩa hơn cả là biết được thêm về những số phận, những con người. Để thấy rằng trên đời này mình vẫn còn may mắn quá. Bên cạnh mình vẫn còn nhiều người phải chịu hoàn cảnh nghiệt ngã quá.

Ngày trước tôi xem ti vi thấy những số phận, những hoàn cảnh thương tâm mà chưa thể một lần đến với họ, lòng tôi cứ day dứt khôn nguôi. Mong mỏi lắm một lần được đến tận nơi “thâm sơn, cùng cốc” để trải nghiệm, để được chia sẻ với họ.

Và rồi Báo giáo dục Việt Nam đã cho tôi có một cơ hội như thế. Tôi được thực hiện cái mong ước của mình. Được trao cho cô bé đi chân trần một manh áo ấm, được đưa gói kẹo cho một cậu bé chưa nói được tiếng Kinh… Dù những việc làm của mình còn nhỏ bé và chẳng thấm vào đâu so với những vất vả của người dân nơi đây, nhưng lòng tôi vẫn thấy thanh thản hơn.

Giữa thiên nhiên khắc nghiệt như Mèo Vạc – Hà Giang mà con người vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu sống. Quả thật tôi thấy khâm phục họ quá. Nghèo một chút, đói một chút, lạnh một chút thôi nhưng tâm hồn họ thật trong sáng, thánh thiện.

Cám ơn Báo đã là chiếc cầu thật tuyệt vời nối những tâm hồn, những hoàn cảnh. Đừng hỏi tôi lần sau có tham gia những chuyến từ thiện nữa không mà bạn hãy ghi tên vào danh sách luôn đi nhé.

Trên đây là những dòng tâm sự của bạn Nguyễn Thị Bích Thảo – Cựu sinh viên trường ĐH KH XH & NV Hà Nội chia sẻ sau lần đầu tiên được tham gia đoàn từ thiện cùng báo Giáo dục Việt Nam.

“Bớt uống rượu, bớt du lịch, bớt đi phượt để làm từ thiện”

Cũng là lần đầu tiên tham gia đi từ thiện cùng báo Giáo dục Việt Nam lên miền Tây Bắc, anh Phan Văn Nghĩa, Công ty Bất động sản Xuân Cầu – Hà Nội lại chia sẻ một cảm xúc khác.

Anh Nghĩa "Sẽ bớt uống rượu để đi từ thiện"
Anh Nghĩa "Sẽ bớt uống rượu để đi từ thiện"

Anh Nghĩa tâm sự: “Đây là chuyến đi đặc biệt và để lại nhiều ấn tượng với tôi nhất trong năm 2011. Một hành trình dài “không ngủ” nhưng vui, ý nghĩa và có nhiều điều đáng để suy ngẫm, kiểm điểm lại bản thân. Tôi lần đầu tiên đồng hành cùng báo Giáo dục Việt Nam và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn trong các chuyến đi tiếp theo.

Tôi mong sẽ có nhiều hơn những chuyến đi như thế để có thể giúp đỡ được nhiều hơn các em nhỏ ở những nơi vẫn còn khó khăn. 2 - 3 tuần cho 1 chuyến đi từ thiện, “mang bữa cơm có thịt” đến cho các em học sinh miền núi có lẽ vẫn là ít. Bởi lẽ, ở đó người dân và các em học sinh khổ quá, thiếu thốn nhiều quá. Đến đó rồi, tận thấy những điều đó rồi, tôi cũng như bao thành viên trong đoàn muốn làm gì đó nhiều hơn nữa để giúp các em nhỏ.

Tôi sẽ bớt đi uống rượu với bạn bè, bớt đi du lịch, bớt đi phượt để tham gia những chuyến từ thiện như thế này. Nó có ý nghĩa hơn rất nhiều…”

“Kết thúc cuộc hành trình, tôi vẫn còn một băn khoăn và tiếc nuối mãi. Tôi tin rằng đây không chỉ là băn khoăn, tiếc nuối riêng của bản thân tôi mà là của tất cả mọi người trong đoàn. Đó là, chúng ta chưa đến được với các điểm trường lẻ khó khăn nhất trong xã, do thời gian không cho phép.

Nghe các thầy, cô giáo ở đây kể, điểm trường lẻ Há Súng, Kho Tấu… học sinh khổ lắm. Để vào được trường phải đi bộ, leo núi mất mấy tiếng đồng hồ. Nhất định tôi sẽ quay lại Pả Vi 1 lần nữa và sẽ đến thăm các em học sinh ở điểm trường lẻ khó khăn nhất đó…”, anh Nghĩa chia sẻ thêm.

(Còn tiếp…)

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Thu Hòe - Tường Vi