Sinh viên chế tạo robot giúp giảm tiếp xúc và lây nhiễm chéo Covid-19

29/03/2020 07:48
Thùy Linh
(GDVN) - "Chúng em mong muốn robot sẽ san sẻ phần nào công việc lặp đi lặp lại của các bác sĩ và chuyên viên y tế như cấp phát thuốc, đo nhịp tim cho bệnh nhân".

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hai sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là Nguyễn Đào Xuân Hải và Lương Hữu Thành Nam đã nghiên cứu và chế tạo ra robot y tế đa năng làm các việc thay thế y tá, người hướng dẫn trong bệnh viện, nhân viên tài vụ…. nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người với người để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.  

Robot này có thể giúp các bác sĩ khám chữa bệnh từ xa mà không cần gặp gỡ bệnh nhân.

Nói về lý do để nhóm chọn nghiên cứu và chế tạo ra robot đa năng này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Xuân Hải cho biết:

Sản phẩm của chúng em hướng tới những người yếu thế trong xã hội hiện nay bao gồm người hạn chế di chuyển, những người hưởng chính sách bảo hiểm y tế, những bệnh nhân tuyến dưới, vùng sâu vùng xa, hoặc mắc phải những hội chứng sợ đám đông, nên việc đi khám bệnh các cơ sở khó khăn, và những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm cần những biện pháp chăm sóc y tế đặc biệt. 

Nhận thấy nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay đặc biệt ở các khu vực cách ly là rất cao. Tuy nhiên, việc khám bệnh đang gặp một trở ngại lớn chính là khoảng cách từ nhà tới nơi hỗ trợ y tế tại các nơi vùng sâu vùng xa, vùng dịch là khá xa, và vô cùng rắc rối kèm theo đó là nhiều bất cập trong các khâu thủ tục khám, điều này khiến bệnh nhân đã phải mang bệnh mà còn phải di chuyển một quãng đường xa.

Đồng thời phải chờ đợi rất tốn thời gian và tiền bạc cũng như sức khỏe của họ, họ phải xếp hàng trong khi bệnh viện hiện nay tồn tại nhiều bất cập khi quá tải bệnh nhân, chưa kể đến việc lây truyền chéo như đại dịch Covid-19  hiện nay.

Sinh viên Nguyễn Đào Xuân Hải và Lương Hữu Thành Nam đã nghiên cứu và chế tạo ra robot y tế đa năng làm các việc thay thế y tá, người hướng dẫn trong bệnh viện, nhân viên tài vụ…. nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người với người để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. (Ảnh: Xuân Hải cung cấp)
Sinh viên Nguyễn Đào Xuân Hải và Lương Hữu Thành Nam đã nghiên cứu và chế tạo ra robot y tế đa năng làm các việc thay thế y tá, người hướng dẫn trong bệnh viện, nhân viên tài vụ…. nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người với người để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. (Ảnh: Xuân Hải cung cấp)

“Chúng em làm sản phẩm này với mục đích giúp cho việc khám bệnh giữa bác sĩ trở nên đơn giản hơn, đặc biệt là đối với một số bệnh nhẹ hay việc thăm khám sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bác sĩ không cần phải đến tận nơi mà vẫn có thể cập nhật các thông số sức khỏe của bệnh nhân thông qua robot, điều khiển robot đến để nói chuyện, hỏi thăm bệnh nhân”, Xuân Hải chia sẻ. 

Robot đo nhịp tim, huyết áp, cấp phát thuốc

Trong bối cảnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc càng hạn chế tiếp xúc giữa người với người sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan thì những robot y tế đa năng này có tác dụng rất lớn. 

Xuân Hải cho biết, robot y tế đa năng này có thể thay thế người để vận chuyển các bệnh phẩm và thức ăn để phòng chống phần nào việc truyền nhiễm, giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm chéo. 

Robot khi phối hợp với bệnh viện để có thể cung cấp các thông tin của bệnh viện trong tuần hoặc trong ngày, như bữa ăn căn tin, tình trạng cách ly hoặc chỉ đường, khu vực khám chữa bệnh.

Robot có thể di chuyển tự động theo bản đồ mà bệnh viện cung cấp và nạp vào robot hoặc có thể điều khiển bởi y bác sĩ có phần mềm dành cho robot.

Robot có khả năng hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu, đo các thông số cơ bản của bệnh nhân như huyết áp nhịp tim mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp bằng thiết bị không dây.

Robot có thể phối hợp với các dữ liệu bệnh viện để tiến hành bốc số chờ tới lượt khám bệnh hoặc thanh toán viện phí thông qua ví điện tử.

Xuân Hải cho biết, nhóm mong muốn robot sẽ san sẻ phần nào công việc lặp đi lặp lại của các bác sĩ và chuyên viên y tế như cấp phát thuốc, đo nhịp tim cho bệnh nhân (Ảnh: Xuân Hải cung cấp)
Xuân Hải cho biết, nhóm mong muốn robot sẽ san sẻ phần nào công việc lặp đi lặp lại của các bác sĩ và chuyên viên y tế như cấp phát thuốc, đo nhịp tim cho bệnh nhân  (Ảnh: Xuân Hải cung cấp)

Đặc biệt, khi bác sĩ bận công tác từ xa có thể nhận được thông tin từ robot để tư vấn khám bệnh và video call trực tiếp với người bệnh để trao đổi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời có thể biết được tình trạng sức khỏe bệnh nhân thông qua thiết bị đo không dây gắn liền với robot.

Hơn nữa, robot có thiết kế đơn giản dễ tháo lắp, nặng chỉ dưới 40 kg, nhỏ gọn và linh hoạt nên có thể dễ dàng di chuyển trong các khu vực của bệnh viện, trạm y tế vừa và nhỏ, robot có khả năng tự hành và tải đồ ăn, thiết bị y tế và các bệnh phẩm tùy vào mục đích sử dụng thì sẽ được bảo quản theo quy trình khác nhau.

"Chúng em mong muốn sản phẩm của nhóm sẽ san sẻ phần nào công việc lặp đi lặp lại hàng ngày của các bác sĩ và chuyên viên y tế như cấp phát thuốc cho bệnh nhân, đo nhịp tim, huyết áp cho bệnh nhân, và hơn nữa là chuyển các mẫu thử, mẫu bệnh phẩm vào những phòng con người cần tránh tiếp xúc hay đi qua lại giữa các phòng chụp X-ray , phòng cách ly,…

Ngoài việc hỗ trợ khám chữa bệnh, chúng em cũng muốn robot sẽ hỗ trợ các công việc khác trong bệnh viện như làm lễ tân, chỉ đường các khu vực, phòng ban cho mọi người, giúp mọi người tra cứu các thông tin về y tế cũng như hành chính của bệnh viện.

Và mọi người có thể thanh toán điện tử thông qua các hình thức thanh toán điện tử hiện nay như Ví MoMo, Zalo Pay, … mà không cần tiếp xúc tiền mặt hay người với người “, Xuân Hải thông tin. 

48 Robot do sinh viên chế tạo tranh tài gay cấn
48 Robot do sinh viên chế tạo tranh tài gay cấn

Được biết, hiện robot y tế đa năng của nhóm Xuân Hải và Thành Nam đã được thử nghiệm tại bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và trạm y tế trường Đại học sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. 

Nói về hi vọng của nhóm, Xuân Hải chia sẻ:

“Ngoài các bệnh viện trong khu vực, nhóm chúng em cũng hi vọng robot sẽ được chạy thử nghiệm và hoạt động ở các khu vực nhạy cảm trong bệnh viện, đặc biệt là khu vực cách ly để có thể hạn chế phần nào việc lây truyền dịch bệnh giữa người với người không chỉ ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh hay miền Nam nói chung mà ở những vùng sâu vùng xa, nơi mà sự hỗ trợ con người còn bị hạn chế như đúng chức năng robot được tạo ra. 

Chúng em sẽ tiếp tục nâng cấp các tính năng của robot, đồng thời chúng em sẽ đi sâu vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh, kết hợp với đánh giá các chỉ số sức khỏe để có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất, chúng em cũng mong các quỹ đầu tư trong và ngoài nước sẽ quan tâm và hỗ trợ để phát triển dự án những thiết bị y tế hiện đại hơn, góp phần để robot hỗ trợ người bệnh nhiều hơn nữa”.

Nói về sáng tạo của sinh viên, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lâu nay nhà trường lồng mục tiêu sáng tạo vào môi trường học tập của sinh viên thông qua các phòng thí nghiệm, các sân chơi học thuật, các không gian sáng tạo... nên việc sinh viên như Hải và Nam làm ra các sản phẩm sáng tạo ra robot y tế đa năng cũng là kết quả của những nỗ lực đổi mới cách dạy và học. 

Thầy Dũng tiết lộ: “Các đề tài đạt giải và có ứng dụng thực tế đều được nhà trường khen, thưởng”. 


Thùy Linh