Sơn nữ trở về sau bốn năm biệt tích

23/06/2012 06:27
Được “người hùng” giải cứu và xin đăng ký kết hôn nhưng chính quyền ngộ nhận là chưa đủ tuổi.
Sau bốn năm biệt tích, mới đây cô Phạm Thị Tâm, con ông Phạm Văn Le, dân tộc H’Rê ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã đột ngột trở về. Hóa ra cô bị kẻ xấu lừa đưa đi làm tiếp viên quán karaoke tận đất đảo Lý Sơn. Trước đó, mới 13 tuổi cô bị tảo hôn theo luật tục với một người ở xã Ba Dinh. sau một thời gian chung sống, cô bị chồng ruồng bỏ. Tâm đang chán nản thì có một người tên K. đến dụ dỗ cô xuống đồng bằng bán cơm, mỗi tháng tiền lương 1 triệu đồng.

Bị đưa ra đảo

Sơn nữ trở về sau bốn năm biệt tích ảnh 1

Em Phạm Thị Tâm trở về sau bốn năm biệt tích.

Người ấy đã đưa Tâm xuống TP Quảng Ngãi rồi đưa ra đảo Lý Sơn. Tâm không biết chữ và nói tiếng Kinh chưa rành, thường ngày chỉ quen với cái rừng, cái rẫy nên xuống cửa biển Sa Kỳ thấy biển mênh mông cô đã sợ. Nhưng với cảnh chồng ruồng bỏ, cha mẹ buồn nên đành liều xuống tàu. Đến Lý Sơn, cô bị đưa về một quán nhậu có dịch vụ karaoke của bà Đ. ở xã An Vĩnh. Ở đó có vài sơn nữ như cô. Ban đầu chủ quán giao cô làm con sen lau chùi bàn, giặt quần áo, rửa chén. Sau đó họ bắt Tâm diện váy để tiếp khách. Họ thường ép cô uống bia. Tâm từ chối và đòi chủ quán trả về nhà. Chủ quán hù dọa: “Tiền thuê mày tao đã đưa cho con K. rồi. Nếu muốn về thì phải trả tiền. Không thì tao báo công an bắt nhốt vì mày lừa đảo”. Tâm sợ hãi phải làm theo yêu cầu của chủ quán. Tâm nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ em nên khóc lóc đòi về. Chủ quán hết dọa dẫm lại dỗ dành rồi dùng chổi đánh.

Chủ quán còn ép Tâm phải đi xa hơn trong việc chiều chuộng khách. Tâm kể: “Làm ở quán có khi khách cho 50.000, 100.000, 200.000 đồng nhưng rồi chủ quán bảo đưa tiền giữ hộ, khi trở về sẽ hoàn trả cả tiền công lẫn tiền giữ giùm không mất một cắc”. Nhưng sau hơn bốn năm làm ở quán karaoke, Tâm chẳng được chủ trả tiền lương, chỉ trả lại 2 triệu đồng mà khách cho sau khi Tâm đòi nhiều lần.

Cha Tâm - ông Phạm Văn Le vui mừng vì con trở về, kể: “Thời gian nó biệt tích mình không biết con ở đâu, sống chết thế nào nên buồn đứt ruột. Đã nhiều lần mình hỏi thăm thằng chồng trước của nó nhưng thằng đó không còn ở đây nữa. Hỏi những người ở khu vực đó, họ bảo không biết nên mình đành chịu”.

Được giải thoát và cầu hôn

May sao ở đảo có anh D. lớn hơn Tâm chừng 10 tuổi, hành nghề lặn biển đã thương lượng với chủ quán đưa Tâm về nhà, sau đó cả hai cùng chung sống như vợ chồng. Tâm kể: “Ba mẹ anh D. cũng thương em lắm”. Tại gia đình này, Tâm chỉ làm việc lặt vặt trong nhà. Tuy vậy, Tâm thường nhớ nhà, nhớ bản, anh D. hứa khi có điều kiện sẽ đưa về gia đình nhưng chính Tâm cũng không biết đường về quê nên anh cũng không biết làm cách nào.

Tháng 4-2012, anh Bùi Đình Ngôn - cán bộ Bảo tàng Ba Tơ ra đảo dự trại sáng tác về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Anh đã tình cờ gặp những người chòm xóm nơi Tâm cư ngụ. Họ kể về Tâm và đưa anh Ngôn đến tận nhà với hy vọng anh giúp Tâm tìm về nguyên quán. Anh Ngôn đã chụp ảnh Tâm và hỏi tên cha mẹ, quê quán.

Trở về Ba Tơ, anh Ngôn đã vượt vài chục cây số tìm đến chính quyền xã Ba Giang báo cáo sự việc. Chủ tịch Hội Nông dân xã cùng nhiều cán bộ xã thấy ảnh của Tâm đã nhận ra ngay. UBND xã báo với Công an huyện Ba Tơ liên hệ với huyện đảo Lý Sơn xác minh, lên kế hoạch đón Tâm trở về.

Trong thời gian chờ xác minh, anh D. đã đưa Tâm về. Anh D. thưa chuyện với cha mẹ Tâm và cùng Tâm đến UBND xã trình báo thời gian đi vắng và xin làm thủ tục kết hôn.

Chưa đủ tuổi kết hôn?

Ngày 20-6, trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Giang Phạm Văn Trình cho biết: “Em Tâm biệt tích trong bốn năm. Khi trở về gia đình có trình báo và xin đăng ký kết hôn với anh D. Tuy vậy, theo sổ bộ lưu ở xã thì em Phạm Thị Tâm sinh ngày 1-1-1995, chưa đủ tuổi kết hôn nên chính quyền chưa đồng ý”.

Theo Điều 3 Nghị định 70 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình, thì tuổi kết hôn của nữ từ 18 tuổi trở lên tức là từ tròn 17 tuổi một ngày trở lên đã đủ tuổi kết hôn. Căn cứ vào ngày sinh, đến nay Tâm đã trên 17 tuổi và hơn năm tháng, đã đủ tuổi kết hôn theo Nghị định 70. Báo Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp cho ông Trình thông tin pháp lý trên. Ông Trình vui mừng cho biết sẽ xin ý kiến Phòng Tư pháp huyện để giải quyết cho họ đăng ký kết hôn theo đúng luật.

Võ Quý Cầu/Pháp luật TPHCM

Điểm nóng

“Gái gọi sinh viên” Hà Thành ế ẩm mùa Euro

Chuyện cảm động ghi trên đường của vị sư đi một bước, lạy một cái

Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải