Sóng dậy Biển Đông và 8 ngày đi biển cùng ngư dân xứ Nghệ (kỳ 2)

30/06/2015 05:08
Xuân Hòa
(GDVN) - Để ra đến ngoài khơi ngư trường Vịnh Bắc Bộ các tàu cá phải vượt hàng chục hải lý đường biển với đầy rẫy những bất trắc.

Kỳ 2: Vượt sóng ra khơi mùa gió chướng

.... Tất cả công việc chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt dài ngày đã xong và hành trình của chúng tôi cùng 17 thuyền viên tàu cá NA 90567 TS ra khơi bắt đầu.

Vất vả vượt biển mùa gió chướng

16 giờ ngày 17/6, khi tàu cá NA 90567 TS mà chúng tôi đi đã “ăn” no các nhu yếu phẩm, con tàu nổ máy và bắt đầu hành trình vượt sóng ra ngư trường Vịnh Bắc Bộ với chuyến đánh bắt cá dài ngày.

Tàu cá ra khơi ngày gió chướng phải vượt qua những con sóng lớn (ảnh Xuân Hòa)
Tàu cá ra khơi ngày gió chướng phải vượt qua những con sóng lớn (ảnh Xuân Hòa)

Trên buồng lái lúc này thuyền trưởng Trần Văn Định khéo léo đánh lái hướng con tàu đi vào giữa lạch nước sâu của cảng cá Lạch Quèn để tiến thẳng ra khơi.

Phía mũi tàu, thuyền viên Hồ Xuân Liều đang làm tiêu cho thuyền trưởng Định tránh các vật cản phía trước để ra khỏi cảng.

Dưới hầm máy con tàu, máy trưởng Trần Văn Ngọc và máy phó Hồ Xuân Liêu đang kiểm tra máy chạy có trục trặc nào không.

Khi con tàu đã vào luồng nước sâu ổn định tất cả các thuyền viên lên mũi tàu để chuẩn bị vá lưới cho chuyến đánh bắt đêm đầu.

Khi chiếc thuyền vượt hết con lạch vào cảng và chạm biển khơi, sóng bắt đầu vùi dập không ngừng. Lúc này trên buồng lái thuyền trưởng Trần Văn Định đang giữ vững tay lái không để mũi tàu bị lạc hướng.

Trong khi tàu đang cố vượt sóng lớn thì trên mũi tàu các thuyền viên vẫn miệt mài vá lưới chuẩn bị cho chuyến đánh cá đầu tiên (ảnh Xuân Hòa)
Trong khi tàu đang cố vượt sóng lớn thì trên mũi tàu các thuyền viên vẫn miệt mài vá lưới chuẩn bị cho chuyến đánh cá đầu tiên (ảnh Xuân Hòa)

“Hôm nay ra khơi đúng ngày gió chướng (hay còn gọi là gió nồm – PV) nên sóng to đó, chứ nếu ngày gió Phơn Tây Nam thì không có sóng lớn thế này đâu. Gió này, biển động cấp 4, cấp 5 thôi, không đánh ngại lắm nhưng đường đi ra vất vả hơn mọi ngày”, thuyền trưởng Định trấn an.

Do lo ngại chúng tôi say sóng, thuyền trưởng Định đã tạo điều kiện cho chúng tôi nghỉ phía trên cabin buồng lái, cũng là để tiện theo dõi. Nhưng may mắn chúng tôi không say sóng, nhưng cũng phải nói mãi thuyền trưởng Định mới cho chúng tôi xuống sàn tàu xem các thuyền viên khác làm việc.

Trong khi chiếc tàu đang rẽ sóng lớn ra khơi thì những con sóng lớn đập vào mũi tàu làm nước biển bắn tung lên tận nóc tàu.

Vậy nhưng nơi mũi tàu các thuyền viên khác vẫn đang ngồi giữa sóng để vá lại những mảnh lưới rách để chuẩn bị cho mẻ lưới đầu tiên.

Trên buồng lái thuyền trưởng Trần Văn Định luôn căng mắt theo dõi phía trước để tránh tàu, chướng ngại vật để vượt sóng ra khơi (ảnh Xuân Hòa)
Trên buồng lái thuyền trưởng Trần Văn Định luôn căng mắt theo dõi phía trước để tránh tàu, chướng ngại vật để vượt sóng ra khơi (ảnh Xuân Hòa)

Thuyền viên Trần Ngọc Thành (SN 1973) vừa cười tươi vừa nói: “Sóng như thế này với ngư dân chúng tôi là quá bình thường. Ngồi vá lưới sóng đập vào người ướt tý nhưng mát, tý ra biển cũng phải dầm nước để kéo lưới mà các chú!”

Nỗi sợ khi băng qua đường đi của tàu hàng

Đến khoảng 17 giờ 30 cùng ngày,  các thuyền viên nhỏ tuổi trên tàu đã nấu xong bữa cơm chiều và  tất cả các thuyền viên trên tàu nhanh chóng vào ăn cơm.

Riêng thuyền trưởng Định được phần cơm riêng để vừa ăn vừa lái tàu. Bữa cơm được xem là khá thịnh soạn với đầy đủ thịt và rau các loại.

Các thuyền viên trên tàu cá NA 90567 TS tranh thủ ngủ để chuẩn bị cho bữa đêm đánh bắt đầu tiên (ảnh Xuân Hòa)
Các thuyền viên trên tàu cá NA 90567 TS tranh thủ ngủ để chuẩn bị cho bữa đêm đánh bắt đầu tiên (ảnh Xuân Hòa)

Thấy chúng tôi có vẻ bất ngờ đầu bếp trưởng trẻ trên tàu Trần Văn Đức (SN 1993) vừa cười vừa nói: “Các anh cứ dùng bữa cơm có thịt trên tàu cho thoải mái đi, ít hôm nữa hết thịt thì suốt ngày chỉ có cá và mực tươi đánh bắt được thôi”.

Bữa cơm chiều chỉ diễn chỉ trong vòng khoảng 15 phút và các thuyền viên cũng chỉ uống chén nước rồi tranh thủ nằm ngay ra sàn tàu để ngủ.

Chỉ riêng ba thuyền viên nhỏ tuổi trên tàu chuyên phục vụ nấu ăn thức để rửa hết bát, đũa … của bữa ăn rồi mới lên tàu đi ngủ.

Đến khoảng 20 giờ 30 khi tàu cá của chúng tôi đã ra khơi được gần 30 hải lý, tất cả đang ngủ thì bỗng dưới lan can tàu thuyền viên Phạm Văn Tý (SN 1974, trú tại xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long) hô lớn: “Dừng tàu lại ngay! Có tàu hàng phía trước”.

Cung đường tàu hàng thường xuyên chạy cắt ngang qua luôn là nỗi ám ảnh của các tàu cá ngư dân mỗi khi lên đường ra khơi đánh bắt (ảnh Xuân Hòa)
Cung đường tàu hàng thường xuyên chạy cắt ngang qua luôn là nỗi ám ảnh của các tàu cá ngư dân mỗi khi lên đường ra khơi đánh bắt (ảnh Xuân Hòa)

Lúc này tôi vẫn đang ở buồn lái cùng với thuyền trưởng Định và sau tiếng hô lớn đó thuyền trưởng Định tắt máy cho tàu dừng đột ngột. Thấy vậy tất cả các thuyền viên trên tàu cũng tỉnh ngủ và nhanh chóng chạy ra mũi tàu.

Riêng tôi vẫn chưa hiểu ra chuyện gì và thắc mắc đâu có thấy gì phía trước mà tàu dừng đột ngột nên hỏi thuyền trưởng Định: “Em có thấy gì phía trước đâu mà anh cho tàu dừng lại”?

Lúc này thuyền trưởng Định khuôn mặt đã tươi trở lại không còn căng thẳng như trước đó cười tươi đáp: “Có đó! Phía trước khoảng vài trăm mét có một chiếc tàu hàng lớn đang chạy cắt ngang qua đó. Nếu đi lên nữa tàu mình sẽ bị đâm ngang hông và sẽ bị vỡ tan tành. Chú cứ nhìn kỹ đi sẽ thấy”.

Khoảng vài phút sau cố gắng nhìn kỹ phía trước tôi mới thấy được chiếc tàu hàng lớn đang chạy ngang trước mặt chúng tôi.

Lúc này nghĩ lại tôi cũng toát hết cả mồ hôi hột vì nếu như không có kinh nghiệm như những người ngư dân có lẽ tàu của chúng tôi đã đụng phải tàu hàng, hậu quả sẽ khôn lường.

“Chú cứ yên tâm đi, trời tối mấy các anh cũng nhận ra tàu hàng phía trước hết. Đêm phải nhìn ánh nước khi đó ánh sáng đèn tàu hàng phản chiếu lên mới dễ nhận ra, còn cứ nhìn thẳng khó phát hiện sớm lắm.

Không phát hiện sớm là khó tránh vì tàu biển không dễ phanh hãm dừng tại chỗ được như xe trên đường. Nhưng mùa này còn dễ chứ đến mùa đông sương mù dày đặc tầm nhìn hạn chế thì tàu hàng đúng là nỗi đáng sợ của các tàu ngư dân”, thuyền viên Phạm Văn Tý giải thích.

Sau khi vượt qua cung đoạn hải lý thường xuyên có tàu hàng đi tất cả các thuyền viên cũng tỉnh dậy và ăn nhanh mỗi người gói mì tôm rồi lại ra mũi kiểm tra lại tấm lưới vây lớn để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt đầu tiên ngay trong đêm…

Còn  tiếp ...

Xuân Hòa