Sự sống hồi sinh với tấm thẻ màu xanh

05/05/2019 06:00
Trúc Diệp
(GDVN) - Chiều 07/01/2019, khi đang nấu ăn giúp ông bà, Tuấn bị bỏng do tai nạn nổ bình gas và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hương Sơn.

Nếu không tham gia Bảo hiểm y tế thì sẽ có rất nhiều trường hợp chẳng may bị tai nạn sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ, trong khi hoàn cảnh khó khăn, lúc đó rất có thể sẽ rơi vào nợ nần, bần cùng.

Cũng chính vì thế mà Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan có liên quan là Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng lộ trình và tuyên truyền để thực hiện được bảo hiểm y tế toàn dân (đến năm 2020 phải có trên 80% dân số tham gia), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế.

Câu chuyện không may dưới đây của cháu Phan Anh Tuấn cũng là một thí dụ điển hình về sự cần thiết của tấm thẻ bảo hiểm y tế khi gặp phải tai nạn.

Bố mẹ đi làm ăn xa nhà, cháu Tuấn ở cùng ông bà tại xóm 10 xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trong lúc nấu ăn giúp ông bà thì bình gas phát nổ, cháu Tuấn bị bỏng nặng.

Năm 2018, gia đình ông bà ngoại thuộc diện hộ cận nghèo, hai đứa trẻ con anh chị có hộ khẩu thường trú cùng ông bà nên cũng được hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế đối tượng hộ nghèo.

Trước đó Tuấn cũng vẫn tham gia Bảo hiểm y tế học sinh tại nhà trường. Thời gian tham gia Bảo hiểm y tế cũng khá lâu nhưng có khi nào cháu đi khám, chữa bệnh gì. Cái tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu, mỗi khi hắt hơi sổ mũi chỉ cần nắm lá xông ở góc vườn ngoại là khỏi chứ có bao giờ biết đến viên thuốc.

Chiều 07/01/2019, khi đang nấu ăn giúp ông bà, Tuấn bị bỏng do tai nạn nổ bình gas và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hương Sơn. Tiên lượng tình hình xấu, các bác sỹ sơ cứu cho cháu rồi chuyển gấp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tiếp tục chuyển lên Viện bỏng quốc gia khi tình trạng của cháu ngày một xấu đi.

Nhận tin con, vợ chồng chị Hợi đang ở trong Khánh Hòa cũng vội vàng bỏ hết công việc để về. Đầu tiên là ra ga mua vé tàu về Hà Tĩnh. Đang ngồi chờ tàu thì nghe tình trạng con trở nặng, tiên lượng xấu và đã được các bác sĩ chuyển ra Viện bỏng Quốc gia, chị Hợi quay ra nhà ga xin lại trả vé tàu rồi chạy thẳng ra sân bay Cam Ranh để mua vé máy bay ra Hà Nội.

01 giờ đêm đặt chân xuống sân bay Nội Bài, đã có người bạn trong nhóm thiện nguyện của chị Hợi chờ sẵn đưa chị về thẳng bệnh viện. Nhìn con bông băng cuốn toàn thân, chân chị Hợi như khuỵu xuống.

Tai chị ù đi khi nghe bác sỹ nói tình trạng của cháu rất nặng và chi phí điều trị có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng khi kiểm tra trên phần mềm của bệnh viện kết nối với cơ quan Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế của cháu Tuấn đã hết hạn sử dụng.

Phan Anh Tuấn "hồi sinh" sau điều trị với sự đồng hành của tấm thẻ Bảo hiểm y tế.
Phan Anh Tuấn "hồi sinh" sau điều trị với sự đồng hành của tấm thẻ Bảo hiểm y tế.

Đứng trước tình trạng nguy kịch của con trai, vợ chồng chị Hợi cũng như những người làm cha, làm mẹ khác, tìm mọi cách để cứu con mình.

Một mặt, chị liên hệ với người thân trong gia đình ở Hà Tĩnh đến UBND xã Hương Sơn kiểm tra lại thời hạn thẻ Bảo hiểm y tế của cháu Tuấn, vì theo suy nghĩ của gia đình, thẻ Bảo hiểm y tế của đối tượng cận nghèo được cấp có giá trị sử dụng 12 tháng, vậy phải đến tháng 5/2019 mới hết hạn. Một mặt, vay mượn tiền của cô, dì, chú, bác trong họ hàng…

Xuất thân từ nông thôn, có hoàn cảnh khó khăn nên hơn ai hết, chị Hợi luôn thấu hiểu và đồng cảm với những người nghèo. Bản thân chị Hợi dù chẳng dư dật gì nhưng vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện, kết nối những Mạnh Thường Quân với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương.

Đến khi cháu Tuấn gặp hoạn nạn, các bạn bè của chị tại các tổ chức thiện nguyện lại xắn tay vào giúp chị, chia sẻ thông tin để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng…

Và chính từ những diễn đàn mạng xã hội ấy, 17h38p ngày 10/01/2019, thông tin về trường hợp của cháu Tuấn đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận. Ngay trong tối 10/01, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối với gia đình chị Hợi để có thêm thông tin, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sự việc.

Qua tìm hiểu, được biết, năm 2018, gia đình chị Hợi thuộc hộ cận nghèo, cháu Tuấn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế của đối tượng cận nghèo, mã số CN3424221380675, có giá trị sử dụng từ ngày 09/5/2019. Do tại thời điểm cháu Tuấn bị tai nạn chưa có kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 nên chưa biết gia đình có còn trong đối tượng được hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế tiếp không.

Kiểm tra trên hệ thống phần mềm, thấy bản thân cháu Tuấn đã có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế liên tục nhiều năm (đối tượng học sinh, cận nghèo), Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện các thủ tục gia hạn thẻ cho cháu Tuấn trên hệ thống ngay trong tối 10/01. 

Sáng 11/01/2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trao thẻ Bảo hiểm y tế của cháu Tuấn cho gia đình chị Hợi để thực hiện các thủ tục cho cháu được hưởng quyền lợi Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện. Đồng thời Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh cũng gửi tới gia đình 01 suất quà, chia sẻ những khó khăn của gia đình trong điều trị cho cháu Tuấn.

Sau gần 20 ngày điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, với sự nỗ lực, tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ, sự tận tình chăm sóc của gia đình và sự quan tâm của rất nhiều anh chị em, bè bạn, năng lượng sống của chàng trai 17 tuổi đã chiến thắng, cháu Tuấn đã dần dần hồi phục, vượt qua ranh giới nguy hiểm đến tính mạng.

Chị Hợi cho biết, chi phí điều trị trong 20 ngày điều trị của Tuấn lên tới hàng trăm triệu đồng, và trong quá trình cả gia đình chị giành lại sự sống cho con trai, có sự đồng hành của tấm thẻ Bảo hiểm y tế, của rất nhiều những tấm lòng, những người bạn mà có người chị còn chưa một lần gặp mặt.

Đến nay, cháu Tuấn đã chuyển vào Khánh Hòa sống cùng cha mẹ để vợ chồng chị Hợi tiện chăm sóc con sau điều trị. Chị Hợi phấn khởi cho biết, các vùng da bị bỏng của Tuấn đã tái tạo và phục hồi rất tốt.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị Hợi nghẹn ngào xúc động trước sự tận tâm, trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói chung và cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Những tưởng là thông tin đưa trên diễn đàn mạng xã hội ít khi được các cơ quan nhà nước quan tâm nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý thông tin trên tinh thần bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người dân.

Dù sự việc xảy ra là do sơ suất từ phía gia đình, chưa quan tâm đầy đủ đến việc gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế để được bảo đảm quyền lợi nhưng khi có thông tin và kiểm tra trên hồ sơ, phía cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã rất chủ động gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế cho cháu Tuấn.

Chị Hợi cũng mong các gia đình cần quan tâm đến việc tham gia Bảo hiểm y tế, tìm hiểu về thủ tục tham gia và gia hạn thẻ đúng quy định để được hưởng quyền lợi khi rủi ro, tránh gặp phải tình huống như gia đình chị.

Là một người tham gia các hoạt động thiện nguyện, chị Hợi cũng cho rằng, việc các cá nhân tự chăm lo cho sức khỏe của mình bằng Bảo hiểm y tế luôn cần được ưu tiên hàng đầu bởi khi đó người dân sẽ chủ động được phần lớn chi phí điều trị do Bảo hiểm y tế chi trả.

Trong trường hợp vẫn còn khó khăn, không thể tự trang trải phần kinh phí cùng chi trả hoặc các chi phí hỗ trợ điều trị khác, việc kêu gọi các Mạnh Thường Quân giúp đỡ sẽ thuận lợi hơn vì khoản kinh phí cần kêu gọi giúp đỡ sẽ được giảm đi đáng kể.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế để đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế; Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

Đối với người thuộc hộ cận nghèo, trình Chính phủ hỗ trợ 100% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại 62 huyện nghèo nhất trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các xã đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31.7.1998 của Chính phủ; người thuộc hộ gia đình đã thoát nghèo 5 năm đầu.

Đối với học sinh, sinh viên, nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng. Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, áp dụng với tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình và thực hiện giảm mức đóng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.

Trúc Diệp