Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Sự thật bi phẫn về ông lão 80 tuổi ăn xin dọc quốc lộ 32

02/01/2013 07:18
Trọng Trinh
(GDVN) - Khi đã sang bên kia đường, đối diện những quầy hàng hoa quả, những người vừa thương cảm và chia sẻ, 'đùm lá rách nhiều' với ông, ông lão "ăn xin" dựng chân chống xe ở ngay cạnh dải phân cách rồi bắt đầu bới thùng hoa quả mà mình vừa xin được. "Ông lão ăn xin" thẳng tay ném những quả cam mà lão cho là không ăn được xuống dải phân cách.

Những hạt mưa phùn rơi xuống ngày đông khiến cái lạnh như cắt da cắt thịt, ông Vũ Văn Chử, nhân vật mà Giáo dục Việt Nam đã từng đề cập đến trong bài viết “Sự thật về ông lão ăn xin 80 tuổi 5 đời vợ sống trong ngôi nhà 2 tầng” vẫn miệt mài bên chiếc xe đạp cà tàng của mình. Cái lưng còng khiến mặt ông thành ra “song hành” với mặt đường. Chiếc xe đạp cao quá đầu nên ông Chử chỉ có thể dắt nó đi theo mình mà thôi.

Ngày nào cũng vậy, người đàn ông ở cái tuổi 80 đã từng có tới 5 đời vợ, sống trong ngôi nhà 2 tầng có cả phòng cho thuê ấy vẫn miệt mài... đi ăn xin.

Bỏ nghề “nhặt rác”, chuyển sang xin hoa quả

Gần 11h trưa một ngày cuối tháng 12, trên quốc lộ 32, cạnh Cầu Diễn (Hà Nội), những người dân buôn bán hoa quả sát lề đường thấy một ông lão già nua, lưng còng, dáng đi lụm khụm dắt theo một chiếc xe đạp màu xanh, trên xe còn chằng một chiếc hộp xốp mầu trắng, loại hộp chuyên để đựng hoa quả.

Đến mỗi quầy hàng hoa quả, ông Chử lại dựng chân chống xe đạp, lụi khụi bước vào cửa hàng, thều thào vài câu nói không thành tiếng. “Chú ơi, có ít hoa quả nào không bán được thì cho tôi mấy quả, tôi khổ quá…", ông Chử cất lời xin khi ghé vào quầy hàng cam quýt của một người đàn ông trẻ. Thấy ông cụ đáng thương, người thanh niên vốc liền 2 vốc quýt loại quả nhỏ rồi bỏ vào thùng xốp cho ông lão.

Theo quan sát của phóng viên nếu mang số quýt đó lên bàn cân thì cũng ngót 1kg.

Lão ăn xin nhưng mang đồ như người đi buôn hoa quả.
 Lão ăn xin nhưng mang đồ như người đi buôn hoa quả.

Lần lượt các cửa hàng bán hoa quả khác, nào thì táo tầu, rồi dưa hấu… thấy ông lão nghèo khổ, mỗi quầy một vài quả, không có quầy hàng nào là không cho cho ông lão cả. Ngay đến cả mấy cô bán hàng rong, ông Chử cũng không bỏ qua.

Dừng xe trước mặt những người bán rong, ông lão có nhà cho thuê ấy vẫn ngước khuôn mặt tội nghiệp và cất lời xin. Thấy ông lão ăn xin “khốn khổ” như vậy, ai nỡ lòng nào không cho. Nhặt một vài quả có chăng chỉ là không đẹp mã bằng hàng để bán cho khách, mấy cô gánh hàng rong bỏ vội vào thùng xốp của ông lão kèm theo lời hỏi han ân cần.

Chẳng mấy chốc cái thùng mà ông Chử chằng theo sau đã đầy hơn phân nửa. Ước chừng với sức khỏe của mình cũng chỉ mang được chừng ấy, ông lão dắt xe sang đường. 

Ông lão quay xe sang đường. Những người bán hoa quả dõi mắt theo, họ sợ có cái xe nào đó đâm phải ông lão lưng còng không nhìn thấy đường ấy. Họ lo lắng.

Khi ông đang loay hoay sang đường, chị bán bánh mỳ dạo thấy vậy cũng gọi, chạy với theo:  “Bác ơi, cháu cho bác cái bánh mì này. Khổ thân bác, trời rét mướt thế này mà bác vẫn phải đi xin thế này sao…”. Ông Chử chỉ gật đầu, rồi lại lầm lũi dắt chiếc xe đạp của mình đi tiếp. Loay hoay giữa đường quốc lộ 32 tấp nập xe cộ qua lại, ông Chử ngần ngại không biết sang đường kiểu gì. Ngay lập tức có một cậu thanh niên, người bán hoa quả khi nãy chạy ra đưa ông sang đường.

"Ăn xin đòi xôi gấc”.

Khi đã sang bên kia đường, đối diện những quầy hàng hoa quả, những người vừa thương cảm và chia sẻ, 'đùm lá rách nhiều' với ông, ông lão "ăn xin" dựng chân chống xe ở ngay cạnh dải phân cách rồi bắt đầu bới thùng hoa quả mà mình vừa xin được.

Hình ảnh ông lão "ăn xin" lựa quả "không ngon" vứt bỏ.
Hình ảnh ông lão "ăn xin" lựa quả "không ngon" vứt bỏ.
Ban đầu, mọi người cứ nghĩ lão ăn xin gặp phải chuyện gì đó với cái thùng xốp đựng hoa quả của mình. Nhưng sau một hồi bới tìm, trước những ánh mắt chăm chú dõi theo, "ông lão ăn xin" thẳng tay ném những quả cam mà lão cho là không ăn được xuống dải phân cách.

Sau một hồi chọn lọc những quả dập, vứt khỏi cái thùng của mình, ông lão ăn xin chằng lại cái thùng hoa quả cẩn thận rồi lầm lũi dắt xe gần chục cây số về nhà.

Phẫn nộ vì lòng tốt bị ném xuống đường

Chứng kiến câu chuyện từ đầu tới cuối, anh Nguyễn Đức Kiên, quê ở Hải Dương, người bán hoa quả vừa có hành động "hảo tâm" với ông lão ăn xin 5 đời vợ tên Chử thảng thốt nói: "Tôi bán hoa quả ở ven đường quốc lộ 32 này mấy năm trời nhưng chưa khi nào thấy một việc như vậy. Thấy ông lão khổ sở đi ăn xin, tôi cho ông lão đến hàng cân đấy chứ ít gì đâu. Gọi là đồ cho thì không thể là quả còn tươi roi rói nhưng những quả đấy vẫn ăn được tốt mà. Bởi nếu quả thối thì tôi đã phải nhặt bỏ nó đi ngay rồi chứ sao lại bày bán được. Khách vào họ thấy bày bán hàng thối thì ai còn hỏi mua nữa. Những quả tôi vừa cho, bình thường nhà tôi vẫn thường mang về ăn.

Sao lại có kiểu đã đi ăn xin rồi mà còn đòi quả ngon như đi mua được. Tôi bán hoa quả suốt mấy năm trời nhưng hiếm khi được tận tay bóc lấy một quả quýt ngon, đẹp mà cho vào miệng. Từ lần sau, tôi có để thối đổ đi cũng không cho lão nữa”.

Những quả quýt mà người buôn hoa quả cho, ông lão vứt đầy ra dải phân cách.
Những quả quýt mà người buôn hoa quả cho, ông lão vứt đầy ra dải phân cách.

Trong khi đó chị Mai, chủ cửa hàng hoa quả ngay cạnh đó cho biết: “Thi thoảng, tôi vẫn thấy lão ăn mày đó đi qua đây. Cứ nghĩ lão ăn xin nghèo khổ, đói rách thật, lần nào tôi cũng cho lão một hai quả thanh long, hay miếng dưa hấu. Nhưng hôm nay, tôi mới tận mắt thấy lão có hành động như vậy. Có lẽ mấy lần trước, lão đi đâu xa xa khuất mắt mọi người rồi vứt đi mấy thứ mình cho lão cũng nên. Đúng thật là, ở đời không biết đâu mà lần”.

Bác Vân, bán nước chè vỉa hè gần đấy thấy vậy cũng lên tiếng: “Ông lão này à, gần như ngày nào chẳng đi qua đây. Lúc nào cũng thấy lão dắt xe đạp, có lần lão mang theo mấy quả trứng gà đi bán hẳn hoi, không may lạng quạng thế nào bị ngã, vỡ hết. Đôi lúc thấy lão chở mấy quả bưởi… đi bán. Tôi biết lão rồi. Lão có gia đình đầy đủ, con cái không cho lão đi như vậy đâu nhưng lão cứ đi. Khổ thật, đúng là già rồi…”.

Như Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, sự thật là ông Vũ Văn Chử có một gia đình, con cái đề huề. Thậm chí, ông Chử có tới 5 người vợ, hiện tại ông đang sống cùng một người vợ và cậu con trai út trong một ngôi nhà hai tầng khá khang trang tại thôn Đức Diễn, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trong ngôi nhà này còn có cả phòng cho thuê. Khi hỏi về "kinh tế" của nhà ông Chử thì từ trẻ nhỏ cho tới người trung tuổi rồi người già đều chỉ cho PV Giáo dục Việt Nam ngôi nhà 2 tầng có nhiều ván gỗ dựng ngoài sân, ngoài ngõ kèm theo cái cười chua chát: “Ông ấy có đi ăn xin đâu. Tự ông ấy đẩy xe đi tìm ván gỗ về đun ấy chứ. Con cái nhiều lần giấu xe đạp không cho ông ấy đi nhưng ông ấy lại làm um lên. Giờ mà vào nhà hỏi thăm ông Chử chắc chắn sẽ bị vợ con ông ấy đuổi ra ngoài đấy. Nhà ông ấy được đền bù đất nên cũng có của ăn của để”.

Trước khi báo Giáo dục Việt Nam làm rõ sự thật, thông tin về ông lão 80 tuổi này đã được một số tờ báo đăng tải: Lầm lũi ăn xin nuôi cháu qua ngày, có vết thương ở bụng, nát một phần ruột và chấn thương một bên chân do bị bom đạn của những năm tháng chiến tranh. Những hình ảnh về ông Chử được một tờ báo khắc họa như những con người ở dưới đáy xã hội đã nhận được rất nhiều sự thương cảm.

Trọng Trinh