Sức mạnh "lời xin lỗi" của Triều Tiên có thể xoay chuyển cục diện bán đảo

03/04/2018 10:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Ở một đất nước mà lãnh đạo "không bao giờ sai lầm", một lời xin lỗi cấp cao, chính thức không chỉ thể hiện sự chân thành, mà còn là sự thay đổi nhận thức.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 2/4 đưa tin, một quan chức hàng đầu của Bắc Triều Tiên đã nói lời xin lỗi các phóng viên Hàn Quốc vì đã bị nhân viên an ninh ngăn cản tác nghiệp tại buổi hòa nhạc hôm Chủ nhật ở Bình Nhưỡng.

Tướng Kim Yong-chol, Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên phụ trách quan hệ với Hàn Quốc, người mới xuống miền Nam dự bế mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, đã đến khách sạn nơi các nhà báo Hàn Quốc lưu trú để thăm và nói lời xin lỗi.

"Chúng tôi có nghĩa vụ giúp đỡ các nhà báo từ miền Nam tự do tác nghiệp thuận tiện. Việc cản trở các nhà báo tự do tác nghiệp là một sai lầm.

Sự kiện hôm Chủ nhật rất đặc biệt khi Chủ tịch Kim Jong-un tham dự. Tôi nghĩ có lẽ đã không có sự hợp tác đầy đủ giữa các nhân viên an ninh của Chủ tịch với nhà tổ chức buổi biểu diễn."

Tướng Kim Jong-chol, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên đặc trách quan hệ hai miền bán đảo tại lễ bế mạc Olypic mùa Đông Pyeongchang Hàn Quốc. Ảnh: Bustle.
Tướng Kim Jong-chol, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên đặc trách quan hệ hai miền bán đảo tại lễ bế mạc Olypic mùa Đông Pyeongchang Hàn Quốc. Ảnh: Bustle.

Ông Kim Yong-chol thay mặt nhà nước Triều Tiên xin lỗi và nói rằng, sự hạn chế này không phải là cố ý.

Trong buổi biểu diễn văn nghệ tại Bình Nhưỡng hôm Chủ nhật, ngoại trừ một phóng viên ảnh Hàn Quốc được cho vào trong nhà hát, các nhà báo Hàn Quốc phải theo dõi qua màn hình từ bên ngoài.

Yonhap bình luận, lời xin lỗi hiếm hoi và nhanh chóng này của một quan chức hàng đầu Bắc Triều Tiên dường như phản ánh mối liên hệ gần đây giữa hai miền bán đảo.

Sau buổi hòa nhạc Mùa xuân đến diễn ra hôm Chủ nhật, nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc rằng hai bên nên tổ chức nhiều sự kiên giao lưu văn hóa hơn.

Ông Kim Jong-un gợi ý, mùa thu này có thể tổ chức một buổi hòa nhạc ở Seoul với chủ đề "Mùa thu đến". [1]

Tết Trung Thu trong văn hóa truyền thống của dân tộc Hàn là ngày gia đình đoàn viên, sum họp, là ngày lễ trọng của năm. Cho nên lời gợi ý của ông Kim Jong-un có lẽ còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn.

Sức mạnh "lời xin lỗi" của Triều Tiên có thể xoay chuyển cục diện bán đảo ảnh 2

Khi lãnh đạo Triều Tiên xem "văn nghệ phản động", cục diện bán đảo đổi thay

Trong một động thái khác có liên quan, các Bộ trưởng Thể thao của 2 miền Triều Tiên hôm thứ Hai đã đồng ý thúc đẩy một cuộc diễu hành chung dưới một lá cờ của các vận động viên hai miền tại Asian Games năm nay.

Bộ trưởng Thể thao Bắc Triều Tiên Kim Il-guk được Yonhap News dẫn lời bình luận:

"Nếu miền Bắc và miền Nam thường xuyên gặp nhau để thảo luận và hợp tác về thể thao, chúng ta không chỉ có thể vô địch châu Á, mà còn có thể trở thành một lực lượng quán quân quốc tế."

Trước đó, vận động viên hai miền Triều Tiên đã cùng nhau tiến vào lễ khai mạc Olympic mùa Đông Pyeongchang dưới một lá cờ thống nhất, đây là lần đầu tiên 2 miền diễu hành chung kể từ thế vận hội Torino 2006. [2]

Bình luận về lời xin lỗi của Bắc Triều Tiên, tờ The Christian Science Monitor ngày 2/4 có bài xã luận nhận xét:

Ở một đất nước mà các nhà lãnh đạo luôn được miêu tả là không bao giờ sai lầm, một lời xin lỗi của quan chức cấp cao Triều Tiên có thể làm dịu các cuộc đàm phán sắp tới với Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Ánh sáng mặt trời có thể chiếu xuyên qua vết nứt nhỏ nhất, đó là hình ảnh tốt nhất để đánh giá lời xin lỗi hiếm hoi từ một quan chức cấp cao Triều Tiên và từng chỉ huy cơ quan tình báo nước này.

Ông đã nói với các nhà báo Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng một cách trịnh trọng và chính thức:

"Thay mặt nhà nước Triều Tiên, tôi xin gửi tới các bạn lời xin lỗi và mong các bạn thông cảm về những sai lầm", ông nói với tất cả sự chân thành.

Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA có bài tường thuật buổi hòa nhạc hôm Chủ nhật tại Bình Nhưỡng với nhiều lời lẽ nồng ấm. Ảnh chụp màn hình.
Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA có bài tường thuật buổi hòa nhạc hôm Chủ nhật tại Bình Nhưỡng với nhiều lời lẽ nồng ấm. Ảnh chụp màn hình.

Ở các nước phương Tây, một lời xin lỗi như vậy không có gì đáng chú ý, nhưng ở Triều Tiên thì khác.

Lâu nay các nhà lãnh đạo của họ được vinh danh và mô tả là không phạm sai lầm, tư tưởng của họ được gọi là sự lựa chọn chính xác của lịch sử.

Người dân nước này được dạy rằng, dân tộc Triều Tiên mạnh nhất thế giới, nhiều dân tộc khác phải ghen tị. Tất cả những ai phản đối Triều Tiên đều bị chế giễu cay nghiệt và không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Trong bối cảnh đó, lời xin lỗi của Triều Tiên là sự thừa nhận khiêm tốn, nổi bật ở Bình Nhưỡng.

Cho dù lời xin lỗi xảy ra trong một vụ việc nhỏ, nhưng một cử chỉ nhỏ lại có sức mạnh chấm dứt những mâu thuẫn trong những điểm nóng, rắc rối trên thế giới.

Nhiều cuộc đàm phán giữa những kẻ chống đối nhau diễn ra cực kỳ khó khăn, các nhà thường thuyết đã dặt sang một bên sự tức giận và trả thù, sau đó đưa ra những lời xin lỗi có thể chấm dứt một cuộc đối đầu.

Sức mạnh "lời xin lỗi" của Triều Tiên có thể xoay chuyển cục diện bán đảo ảnh 4

Tại sao ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận để Tập Cận Bình đóng vai "anh cả"?

Những lời xin lỗi, dù là với sai lầm nhỏ hay sai lầm lớn, đều gợi ý một sự sẵn lòng thay đổi hành vi.

Thay vì xem lời xin lỗi là điểm yếu, nó thực sự là một sức mạnh thay  thế.

Nó chỉ ra cam kết phụ thuộc lẫn nhau và hai bên cùng tôn trọng một bộ quy tắc đạo đức, ứng xử, có thể dẫn đến sự tha thứ, xây dựng lòng tin và cho phép thỏa hiệp trong những vấn đề khó khăn khi đàm phán.

Sau một phần tư thế kỷ đàm phán với Triều Tiên thất bại, có thể Hoa Kỳ và các đối tác của họ cần phải thăm dò thêm xem, liệu ông Kim Jong-un có thực sự thay đổi thái độ về vũ khí hạt nhân và hành vi chống Hàn Quốc bằng bạo lực hay không.

Sức mạnh của lời xin lỗi có thể còn thiếu trong tranh ảnh tuyên truyền, cổ động của Bắc Triều Tiên. Nhưng khi lời xin lỗi được cất lên qua một sai lầm nhỏ, nó có thể giúp phá vỡ nhận thức về "người bên kia".

Khi đó mỗi bên nhìn lại mình qua gương trước để xem họ có thể thay đổi điều gì trong chính mình, thì đó là một chiến thắng sự sợ hãi, là một lời mời gọi hòa bình và chữa lành vết thương. [3]

Người viết cho rằng, lời xin lỗi của Nhà nước Triều Tiên thông qua một vị Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên không chỉ thể hiện sự chân thành;

Mà đây còn là một bước ngoặt về tư duy, nhận thức, cũng là bước ngoặt hướng tới hòa bình, hòa giải, hòa hợp trên bán đảo Triều Tiên.

Động thái này cần đặt trong bối cảnh Triều Tiên đã chủ động hàng loạt nước cờ đối ngoại thời gian vừa qua, với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay ca sĩ Yeri của ban nhạc Red Velvet, một thời Bình Nhưỡng từng coi là phản động. Ảnh: BioBioChile.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay ca sĩ Yeri của ban nhạc Red Velvet, một thời Bình Nhưỡng từng coi là phản động. Ảnh: BioBioChile.

Đặc biệt là việc Triều Tiên cho phép cả ban nhạc tâm lý chiến của Hàn Quốc, một thời được Bình Nhưỡng xem là "phản động, đồi trụy" tới biểu diễn, Chủ tịch Kim Jong-un và phu nhân tới xem và chụp ảnh lưu niệm cùng họ mới thấy, Triều Tiên đã sẵn sàng cho hòa hợp, hòa giải dân tộc như thế nào.

Thông tấn xã trung ương Triều Tiên cũng đã có bài viết tường thuật buổi hòa nhạc hôm Chủ nhật và đăng ảnh Chủ tịch Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ Hàn Quốc với nhiều lời nồng ấm.

Như vậy có thể thấy, chủ trương hòa bình, hòa hợp, hòa giải và thống nhất hai miền bán đảo Triều Tiên đã không còn chỉ gói gọi trong phạm vi lãnh đạo cấp cao miền Bắc.

Mà thông điệp hòa giải ấy cũng đang được truyền tới người dân Triều Tiên một cách có lộ trình để tránh "sốc" vì những thay đổi quá nhanh chóng.

Hai miền Triều Tiên hiện nay là 2 xã hội, 2 nền văn hóa, 2 trình độ kinh tế, 2 ý thức hệ khác biệt nhau rất xa.

Một người bình thường vượt qua được các rào cản này để có thể lắng nghe và đối thoại với người dân phía bên kia không chung hệ giá trị, nhưng có cùng huyết thống, cũng là việc khó khăn.

Nhưng các nhà lãnh đạo 2 miền bán đảo Triều Tiên từ cấp cao nhất đang cho thấy sự thay đổi.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm chung với các nghệ sĩ Hàn Quốc, ông đứng hàng 2 thay vì ngồi hàng đầu như trong các bức ảnh chụp chung trước đây. Ảnh: KCNA.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chụp ảnh lưu niệm chung với các nghệ sĩ Hàn Quốc, ông đứng hàng 2 thay vì ngồi hàng đầu như trong các bức ảnh chụp chung trước đây. Ảnh: KCNA.

Bước đầu, những cái tôi đã được đặt sang một bên để nhường chỗ cho khát vọng hòa bình, hòa hợp, hòa giải và thống nhất đất nước.

Có thể sẽ có nhiều đánh giá và góc nhìn khác nhau về các diễn biến này và đó là điều hết sức bình thường, nhưng những nỗ lực và thiện chí của lãnh đạo 2 miền bán đảo là không thể phủ nhận.

Bán đảo Triều Tiên từng bị chia cắt vì trở thành nạn nhân tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường toàn cầu, tiếp đó là cuộc chiến về ý thức hệ, thì nay đang chủ động hướng tới mục tiêu chung hòa bình, hòa hợp, hòa giải và thống nhất.

Cả Seoul và Bình Nhưỡng đều thể hiện vai trò hết sức chủ động, làm chủ vận mệnh, mặc dù có thể vẫn phải sử dụng các con bài đàm phán, các thế lực chính trị toàn cầu, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung, và đều không để các thế lực ấy giật dây phục vụ cho mục tiêu của họ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2018/04/02/0401000000AEN20180402006551315.html

[2]http://english.yonhapnews.co.kr/northkorea/2018/04/02/0401000000AEN20180402012351315.html

[3]https://www.csmonitor.com/Commentary/the-monitors-view/2018/0402/What-to-make-of-a-North-Korean-apology

Hồng Thủy