Sức nóng của Nghị định 71 nhìn từ chợ xe cũ lâu đời ở Hà Nội

13/11/2012 10:21
Bài, ảnh: Hà Nhi
(GDVN) - “Nếu chính sách của Nhà nước không thay đổi, Nghị định 71 siết chặt quản lý, phạt nặng xe không chính chủ như vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản”, anh Ngọc Tú - chủ tiệm mua bán các loại xe máy cũ tại Dịch Vọng (Hà Nội) than thở.

Giá xe cũ rớt kịch trần: Giảm 50 – 70%
Những ngày gần đây, một không khí ảm đạm, “vắng tanh như chùa bà đanh” bao trùm khắp khu chợ xe máy cũ Dịch Vọng trên phố Chùa Hà (Hà Nội). Không một khách tới hỏi mua xe, nhìn khuôn mặt rầu rĩ của những người bán hàng, ai cũng dễ hiểu cảnh ế ẩm mua – bán nặng nề tới mức nào.Nghị định 71 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi không đăng kí tên chính chủ ra đời khiến người dân không ai dám mua xe cũ.
Hàng loạt xe cũ tại chợ mua bán xe cũ Dịch Vọng (Hà Nội) rớt giá thê thảm từ 50 - 70% nhưng không một ai dám mua.
Hàng loạt xe cũ tại chợ mua bán xe cũ Dịch Vọng (Hà Nội) rớt giá thê thảm từ 50 - 70% nhưng không một ai dám mua.
>> Toàn cảnh Nghị định 71 và nỗi lo của người dân về Xử phạt xe không chính chủ" “Bình thường không khí nơi đây luôn tấp nập, ồn ào, thậm chí thường xuyên xảy ra hiện tượng tắc đường ở những cửa hiệu mua – bán xe cũ ở vỉa hè dọc phố Chùa Hà. Nhưng 3 – 4 hôm nay, không có khách nào tới hỏi mua xe, trong khi người dân lại đang đem xe đi bán tống, bán tháo” – Anh Hiếu, một chủ tiệm buôn bán tại đây cho biết. Anh Hiếu so sánh: Cảnh người dân đem xe đi bán mấy ngày này chẳng khác nào như cảnh “sốt vàng”. “Bạn hãy cứ tưởng tượng loạn giá vàng như thế nào thì bây giờ y hệt như vậy. Người dân bán đổ, báo tháo rất nhiều, thiệt hại cho người dân rất lớn. Giá mua vào giảm xuống 50 – 70%, có khi bán như kiểu “cho không”. Ví dụ, xe của họ cách đây 4 – 5 ngày khi chưa có Nghị định 71, xứng giá 100 triệu đồng nhưng giờ bán vội, bán vàng, mất phân nửa số tiền đó, thậm chí, chúng tôi chỉ trả khoảng 30 triệu đồng” – anh Hiếu tâm sự.
Các cửa hàng xe cũ chấp nhận mua vào với giá thật rẻ, một ăn một thua giống như kiểu đánh bạc. Không ít các cửa hàng tại chợ xe máy Dịch Vọng này thừa nhận: Việc những ngày qua, họ lỗ vài ba trăm triệu đồng là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được. Trước đây, thủ tục mua xe cũ tại khu chợ Dịch Vọng này khá đơn giản bao gồm các bước: trình giấy tờ đăng ký, chứng minh thư của người bán kèm theo số điện thoại. Khi bán, thủ tục cũng gọn nhẹ theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Sở dĩ, không có công đoạn tới các cơ quan chức năng để sang tên đổi chủ là bởi: “Thủ tục đó rất phức tạp, khó khăn và mất thời gian. Hầu hết, để sang tên đổi chủ, giới kinh doanh phố Chùa Hà chúng tôi thường thông qua khâu trung gian - hệ thống “cò” giấy tờ nhưng đội giá lên khoảng 3 – 4 triệu đồng. Thử hỏi với một chiếc xe Trung Quốc trị giá 3 – 4 triệu mà làm sang tên cũng mất chừng đó thì người dân lấy tiền đâu ra”, một chủ tiệm cắt nghĩa.“Cứ đà này, chúng tôi đến phá sản” Theo tính toán của một chủ tiệm khác, trung bình mỗi cửa hàng, đại lý mua bán xe cũ tại phố Chùa Hà sở hữu khoảng 200 chiếc xe máy. “Chỉ cần 1 tháng, chúng tôi không bán được chiếc xe nào, hàng tồn đọng, cửa tiệm chắc chắn sẽ sập”, chủ cửa hàng này than thở. “Đấy, bạn xem, chiếc xe máy này bình thường bán giá 10 triệu nhưng giờ hạ xuống còn 4 triệu mà cũng không có ai thèm mua”, vừa nói, chủ tiệm vừa chỉ vào chiếc xe Airblade Trung Quốc cũ đã từng được mua đi, bán lại nhiều lần. Chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, anh Ngọc Tú, trưởng nhóm kinh doanh của cửa hàng Ngọc Tú cho biết: Lượng xe chính chủ tại chợ xe cũ này rất hiếm, 100 chiếc may ra có 10 chiếc. Xu hướng từ trước tới giờ của người dân Việt Nam là mua đi – bán lại. “Người dân mình đâu phải ai cũng đủ tiền để mua một chiếc xe mới, đến một chiếc máy tính xách tay cũ còn khó mua, chứ đừng nói gì tới chiếc xe trị giá mấy chục triệu đồng. Thói quen này dường như đã ăn sâu vào máu của người dân rồi. Giờ thay đổi, tôi e là rất khó” – anh Ngọc Tú phân trần. Có nhiều xe do sang tên, đổi chủ, mua đi bán lại nhiều lần, hiện giờ, người dân rất khó tìm lại gốc gác của người chủ cũ, cũng không ít trường hợp chính chủ ban đầu đã chết, thay đổi nơi sinh sống hoặc cũng không ngoại trừ việc đi nước ngoài... Trong khi đó, Nhà nước quy định xe qua nhiều đời mua bán mà không sang tên, đổi chủ thì không được phép lưu hành khiến không ít người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng.
Chợ xe cũ Hà Nội vắng tanh, vắng ngắt, không một bóng người.
Chợ xe cũ Hà Nội vắng tanh, vắng ngắt, không một bóng người.
Và phương án tối ưu nhất của họ đó là bán tống, bán tháo chiếc xe cũ đó đi, kiếm được đồng nào hay đồng đó, trút đi nỗi sợ bị công an phạt vì vi phạm mỗi khi ra đường. “Và như vậy đồng nghĩa với việc, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nay họ lại phải thêm một gánh nặng nữa là mua xe mới. Có nhiều người đem xe tới đây cứ nài nỉ chúng tôi: Thôi, anh mua giúp tôi, anh trả bao nhiêu tôi cũng bán. Nhưng khổ nỗi, chúng tôi mua vào thì bán cho ai. Với Nghị định 71 như vậy thì làm gì ai dám tới mua xe cũ nữa”, anh Ngọc Tú chia sẻ. Lo lắng cho người dân, anh Tú cũng quay sang lo lắng cho chính bản thân mình: “Chúng tôi cũng đang không biết xử lý thế nào với đống xe cũ đây, nếu không bán được, chắc chỉ còn 2 cách: Hoặc là bán cho sắt vụn hoặc đem lên rừng mà đốt” – anh Tú rầu rĩ.
Với câu hỏi của phóng viên Giáo dục Việt Nam: Thủ tục mua bán sang tên có gì khó khăn không, nhất là bây giờ 30 – 40% xe được mua đi bán lại qua rất nhiều chủ, có trường hợp chủ chết hoặc ra nước ngoài…?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội trả lời: Khoản 3 Điều 20 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an Quy định về đăng ký xe: “Xe mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên di chuyển; nhưng chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định”.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh, không phải trường hợp nào khi đi trên đường cũng bị xử phạt mà chỉ những ai vi phạm Luật Giao thông đường bộ mới bị xử lý hành chính lỗi vi phạm và lúc ấy mới bị kiểm tra giấy tờ xem có đúng tên, đúng chủ hay không".
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bài, ảnh: Hà Nhi