"Tai nạn máy bay quân sự Trung Quốc tăng không phải tin tốt cho láng giềng"

12/02/2018 10:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh cũng đã cho thấy họ muốn hợp thức hóa việc triển khai chiến đấu cơ Su-35 và J-20 xuống Biển Đông, qua các cơ sở quân sự họ đã thiết lập.

The Straits Times ngày 12/2 đăng bài viết của nhà báo Yan Liang Lim từ Bắc Kinh, Trung Quốc phỏng vấn một số chuyên gia, xem họ đánh giá thế nào về các vụ tai nạn máy bay quân sự của Trung Quốc.

Trước đó ngày 1/2 tờ South China Morning Post, Hồng Kông đưa tin, một vụ tai nạn máy bay quân sự đã xảy ra ở Quý Châu, Trung Quốc khiến 12 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Nguồn tin thứ nhất nói với South China Morning Post, vụ tai nạn làm bộc lộ "lỗ hổng chết người" giữa tham vọng phát triển không quân với thực trạng trình độ công nghệ quân sự của Trung Quốc.

Sự cố xảy ra trong một phiên bay huấn luyện ngày 29/1 đã ảnh hưởng tới tinh thần lực lượng không quân Trung Quốc, vì nó xảy ra chỉ vài tuần sau khi một chiếc J-15 cất cánh từ tàu sân bay bị rơi.

Huấn luyện nhiều, huấn luyện sát chiến đấu thì tỉ lệ tai nạn cao, ảnh minh họa: Getty Image.
Huấn luyện nhiều, huấn luyện sát chiến đấu thì tỉ lệ tai nạn cao, ảnh minh họa: Getty Image.

Không quân Trung Quốc năm ngoái đã tiến hành các cuộc huấn luyện chuyên sâu trong khu vực, sử dụng chiến đấu cơ bay "tuần tra bao vây" đảo Đài Loan, diễn tập trên Thái Bình Dương để phá vỡ chuỗi đảo đầu tiên.

Nguồn tin quân sự từ Trung Quốc nói với South China Morning Post:

"Chúng ta phải thừa nhận rằng Trung Quốc đang có một khoảng cách chết người giữa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân với việc phát triển chiến đấu cơ không hoàn hảo của họ.

Cả Y-8 và J-15 đều có một số vấn đề về thiết kế máy bay, linh kiện và các sửa chữa. 

Nhưng thay vì thực hiện các chuyến bay thử nghiệm nhiều hơn, các phi công Trung Quốc bị đẩy vào thế trực tiếp sử dụng các máy bay này để huấn luyện, cho dù nó không hoàn hảo;

Bởi vì họ đang phải gánh nhiệm vụ chính trị xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao."

Một nguồn tin khác nói với South China Mornig Post, phi công Trung Quốc được dạy rằng, phải bảo vệ máy bay là ưu tiên số 1, trước cả an toàn tính màng của họ.

Hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay quân sự tại Đại Liên, Trung Quốc năm 2013, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Hiện trường vụ tai nạn rơi máy bay quân sự tại Đại Liên, Trung Quốc năm 2013, ảnh: Nhân Dân nhật báo.

Đây là loại hình huấn luyện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không quân sự của Trung Quốc, nhưng phải trả giá bằng tính mạng phi công.

Nguồn tin này nói thêm, có thể trong tương lại sẽ có nhiều vụ tai nạn vì giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn từ lãnh đạo hàng đầu về việc tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật trong mọi điều kiện thời tiết.

Tháng 11/2017, truyền thông Trung Quốc đưa tin, phi công chiến đấu 29 tuổi Huang Peng đã chết trong một tai nạn khi anh ta cố gắng bảo vệ chiếc J-11B và trì hoãn nhảy dù khỏi máy bay. [1]

The Straits Times cho biết, trong khi quân đội Trung Quốc không công khai các sự cố như vậy, ít nhất đã có 7 vụ tai nạn máy bay quân sự trong 2 năm qua, trong đó vụ tai nạn tháng 11 cũng đã khiến nữ phi công đầu tiên của Trung Quốc Yu Xu tử nạn.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự mà The Straits Times phỏng vấn không nhìn nhận đây là dấu hiệu xấu, ngược lại họ tin rằng tỉ lệ sự cố trong huấn luyện tăng chứng tỏ sức mạnh quân sự Trung Quốc đang gia tăng.

Chương trình phát triển máy bay quân sự của Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bởi hầu hết chúng được "nhân bản" từ các mẫu chiến đấu cơ của Nga, Mỹ.

"Tai nạn máy bay quân sự Trung Quốc tăng không phải tin tốt cho láng giềng" ảnh 3

Tranh luận về khả năng "Trung Quốc bóp cò" trên Biển Đông

Ví dụ chiếc J-15 là một phiên bản của chiếc Su-33 mà Nga chế tạo. J-20 và J-31 là 2 dòng máy bay tàng hình mới gần giống với máy bay phản lực F-22 và F-35 mà Hoa Kỳ sản xuất.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp thiết kế máy bay quân sự của Mỹ.

Trong khi đó, có thể Trung Quốc đã thành công trong việc đánh cắp bí mật quân sự máy bay phản lực nước ngoài, họ vẫn phải vật lộn với việc chế tạo động cơ.

Vì đây là bộ phận đòi hỏi độ chính xác cao với những bí quyết công nghệ rất sâu, Trung Quốc đang thiếu cái này.

Một nguyên nhân khác nữa là đã có một thời gian dài, nạn tham nhũng làm suy yếu quân đội Trung Quốc.

Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương bị kết án chung thân năm 2016 đã tích lũy được tài sản rất lớn từ hối lộ.

Quách Bá Hùng phụ trách lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vũ khí trang bị, có nhiều thông tin cho thấy ông ta đã nhận hối lộ rất lớn từ ngành công nghiệp quốc phòng, Giáo sư Đinh Lập Thu từ Đài Loan cho hay. Ông nhận định:

Nếu đúng như vậy, công nghệ và chất lượng máy bay phản lực có thể không đáp ứng được nhu cầu của quân đội Trung Quốc, điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao họ đang phải chịu đựng tỉ lệ tai nạn cao như vậy.

"Tai nạn máy bay quân sự Trung Quốc tăng không phải tin tốt cho láng giềng" ảnh 4

Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Singapore, nhắc nhở Nhật Bản

Nhưng ngược lại, "đóng góp lớn nhất của tỉ lệ tai nạn tăng" là quân đội Trung Quốc đã được giao đảm nhiệm nhiệm vụ đa dạng hơn.

Kể từ năm ngoái, không quân Trung Quốc đã tiến hành bay tuần tra bao vây Đài Loan bằng chiến đấu cơ, máy bay ném bom và máy bay giám sát như một "trạng thái bình thường mới".

Bắc Kinh cũng đã cho thấy họ muốn hợp thức hóa việc triển khai chiến đấu cơ Su-35 và J-20 xuống Biển Đông, qua các cơ sở quân sự họ đã thiết lập (bất hợp pháp) ở Chữ Thập thuộc Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) cũng như Phú Lâm thuộc Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Để thực hiện các yêu cầu này, tài sản của không quân Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua.

Năm 2017 Trung Quốc đã có hơn 700 chiến đấu cơ thế hệ 5 so với 24 chiếc năm 1996. Hiện nay họ có tổng cộng gần 3000 máy bay quân sự, số lượng tương đương số máy bay quân sự Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Ông Jon Grevatt, một nhà phân tích quốc phòng của IHS Jane nhận định:

"Trung Quốc có ngày càng nhiều máy bay, phi công và nhiệm vụ mới, đào tạo nhiều hơn và một hồ sơ cao hơn, đây là tất cả các yếu tố chính dẫn đến tỉ lệ tai nạn tăng.

Một trong những kết quả của sự gia tăng các yếu tố này tất yếu sẽ là nhiều tai nạn, nhưng đây là điều đúng với mọi quân đội trên thế giới."

"Tai nạn máy bay quân sự Trung Quốc tăng không phải tin tốt cho láng giềng" ảnh 5

Trung Quốc sẽ viện trợ cho Campuchia 100 xe tăng, xe bọc thép

Nhiều tai nạn xảy ra trong thời gian ngắn cho thấy nỗ lực của ông Tập Cận Bình thay đổi căn bản khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc đang thành công, theo Giáo sư Đinh Lập Thu.

Kể từ khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy cải cách quân đội Trung Quốc thành lực lượng hiện đại có khả năng tác chiến và giành phần thắng trong 1 cuộc chiến tranh thế kỷ 21.

Những chỉ huy cũ của quân đội Trung Quốc thường lên kịch bản huấn luyện có nguy cơ thương vong tối thiểu, khác xa thực tế. Nhưng dưới thời ông Tập Cận Bình, các kịch bản tập trận phức tạp và sát thực tế hơn nhiều.

Điều này cũng có nghĩa là các sự cố, tai nạn khi huấn luyện sẽ gia tăng.

Và điều này cũng đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực cần phải chuẩn bị thích ứng với không quân Trung Quốc đáng gờm hơn trong những năm tới.

Đây không phải tin tốt cho các nước láng giềng của Trung Quốc, khi về lâu dài khả năng chiến đấu và hoạt động quân sự của nước này được cải thiện đáng kể. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2131643/least-12-crew-members-killed-chinese-military-plane

[2]http://www.straitstimes.com/asia/east-asia/what-pla-air-crashes-really-signal

Hồng Thủy