Tại sao Iran không sợ lời đe doạ của Mỹ và Israel?

11/09/2012 07:00
Xuân Trường (nguồn: wordpress)
(GDVN) - Gần đây, Mỹ và Israel liên tục lên tiếng cảnh báo về một cuộc tấn công nhằm vào Iran, tuy nhiên có nhiều lý do khiến Tehran vẫn tỏ ra lạc quan.

Những suy đoán về cuộc tấn công quân sự của Israel vào Iran đã gia tăng kể từ khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ra báo cáo công nghệ mới nhất về tình hình hạt nhân của Iran.

Theo báo cáo, chương trình làm giàu uranium của Tehran vẫn tiếp tục gia tăng. Khả năng một cuộc tấn công là khá thuyết phục, nhưng các nhà lãnh đạo Iran vẫn tin tưởng Israel sẽ “không dám” hành động.

Mỹ không thể gây sức ép đối với Iran

Tờ Washington Post ghi nhận sau khi các báo cáo của IAEA phát hành: "Một điều đặc biệt về động thái của Iran là các nhà lãnh đạo của quốc gia này dường như bỏ qua các khả năng sẽ khiêu khích Israel tung ra một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân trong vài tuần tới. Có lẽ lãnh đạo tối cao Ali Khamenei không xem xét các mối đe dọa từ Israel một cách nghiêm túc."

Lãnh tụ tối cao Iran All Khamenei trong một phát biểu mới đây cho rằng Israel và phương Tây sẽ không dám tấn công.
Lãnh tụ tối cao Iran All Khamenei trong một phát biểu mới đây cho rằng Israel và phương Tây sẽ không dám tấn công.

Theo nhiều cách, điều này phản ánh các cuộc tranh luận gay gắt trong chính phủ Mỹ. Ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Obama đã thất bại trong việc gây áp lực sử dụng quân sự để khiến Iran dừng các chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, đây dường như là một phát biểu mang màu sắc chính trị nhiều hơn là động thái để có một giải pháp quân sự đối với chương trình hạt nhân của Tehran.

Tuy nhiên, tờ Washington Post cũng đã chỉ ra, Romney và những quan chức khác đều chấp nhận rằng Iran không tỏ ra lo lắng trước những mối đe dọa tấn công quân sự của Mỹ hoặc Israel.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo Iran có lý do để gạt bỏ các mối đe dọa từ Mỹ. Thực tế, Mỹ chưa bao giờ tung ra cuộc không kích để chống lại các cơ sở hạt nhân của một nước khác. Điều này đã thể hiện rõ trong quá khứ.

Đó là trong cuộc đua vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông đầu những năm 1960, và một lần nữa khi chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang tiến triển vào đầu những năm 1990.

Trong cả hai trường hợp, chính phủ Mỹ đã cân nhắc một khả năng quân sự mạnh mẽ, đặc biệt là trong trường hợp của Trung Quốc.

Tổng thống John F. Kennedy đã có ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tiêu diệt các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc, nhưng sau đó đã quyết định từ bỏ. Vì vậy, có rất ít lý do để khiến các nhà lãnh đạo Iran tin rằng lần này sẽ có một sự đột biến.

Tên lửa đạn đạo DF-21 của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo DF-21 của Trung Quốc.

Trong thực tế, viễn cảnh về mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đối với Mỹ và đồng minh có lẽ lớn hơn rất nhiều nhiều so với một quả bom của Iran hiện nay. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Trung Quốc.

Dưới thời Mao Trạch Đông trong đầu những năm 1960, mối nguy hiểm của Trung Quốc có quy mô lớn hơn nhiều so với Iran. Một số nhà quan sát đã nhấn mạnh: "Năm 1964, khi Trung Quốc đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình, có lẽ đó sẽ quốc gia “nguy hiểm” nhất trong lịch sử hiện đại".

Thật vậy, trong khi tính hiếu chiến của Iran đã giảm bớt phần nào, thì Trung Quốc vào đầu những năm 1960 vẫn còn ở đỉnh cao trong mâu thuẫn với Mỹ và các đồng minh.

Hơn nữa, Trung Quốc đã không bao giờ tỏ ra do dự khi sử dụng vũ lực để đạt được tham vọng. Trong khi Iran chưa bao giờ xâm chiếm các nước láng giềng, Trung Quốc đã gây ra một số cuộc chiến với Đài Loan trong những năm 1950 và xâm chiếm Ấn Độ hai năm trước khi thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên của mình.

Tương tự như vậy, khi Mỹ xâm lược hai nước láng giềng, Iran chỉ “trả lời” Mỹ bằng cách chuyển viện trợ bí mật cho các nước này, còn Trung Quốc tỏ ra “trắng trợn” hơn khi gửi hàng trăm ngàn quân qua biên giới Bắc Triều Tiên để đối đầu với lực lượng LHQ do Mỹ cầm đầu.

Cuối cùng, ước tính khoảng 200.000 đến 400.000 lính Trung Quốc đã chết trên chiến trường Triều Tiên, bao gồm cả con trai của Mao Trạch Đông.

Cuối cùng, Mỹ cũng phải chấp nhận một "Trung Quốc hạt nhân". (Ảnh: Một cơ sở hạt nhân của Trung Quốc).
Cuối cùng, Mỹ cũng phải chấp nhận một "Trung Quốc hạt nhân". (Ảnh: Một cơ sở hạt nhân của Trung Quốc).

Tuy vậy, tất cả các biện pháp răn đe của Mỹ dường như không phát huy được tác dụng đối với Trung Quốc. Cuối cùng, Washington đành phải chấp nhận một “Trung Quốc hạt nhân”.

Điều tương tự cũng đã xảy ra khi Mỹ dùng rất nhiều biện pháp trừng phạt trong nhiều thập kỷ đối với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng vẫn có thể thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006. Vì vậy sẽ rất khó khăn khi muốn các nhà lãnh đạo Iran tin rằng sự đe dọa của Mỹ là có trọng lượng.

Israel chưa thể tấn công

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể Khamenei sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi bỏ qua các mối đe dọa từ phía Israel. Trong quá khứ, Israel đã nhiều lần sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công các nước khác trong khu vực. Điều này đã bao gồm cuộc không kích tấn công lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Osirak của Iraq vào năm 1981 và Syria năm 2007.

Israel từng không kích các cở sở hạt nhân của Iraq và Syria.(Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16 của Israel)
Israel từng không kích các cở sở hạt nhân của Iraq và Syria.(Ảnh: Máy bay chiến đấu F-16 của Israel)

Một số nhà phân tích quân sự nhận định, Israel có thể có hành động tương tự như vậy đối với các lò hạt nhân của Iran. Nhưng có thể nhận thấy sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các động thái của Israel đối với Iraq trước đây và Iran hiện nay.

Trong các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iraq và Syria, Israel đã hành động rất sớm và có rất ít các cuộc tranh luận như hiện nay.

Đặc biệt trong trường hợp của Syria, nơi mà các cuộc không kích đã được thực hiện trước khi có bất kỳ thông tin tình báo chính thức nào. Ngay cả IAEA cũng hoàn toàn không biết về những cơ sở hạt nhân của Syria.

Trong thời điểm này thường là các cuộc thảo luận về những khó khăn mà Israel vấp phải khi tấn công Iran hoặc là Iran sẽ mở rộng và phân tán chương trình hạt nhân.

Trước đây, Israel sẽ hành động gần như ngay lập tức khi nhận thấy mối nguy hiểm từ các quốc gia hạt nhân láng giềng.

Tuy nhiên, khi mà các nhà lãnh đạo Israel đã có trong tay kiến thức đầy đủ về các chương trình hạt nhân của Iran trong hơn một thập kỷ thì Jerusalem  vẫn chưa có động thái quân sự đáng kể nào.

Suy cho cùng, Israel là một trong những đồng minh “tích cực” nhất của Mỹ nhưng vẫn giữ thái độ thiếu dứt khoát và dường như vẫn còn chờ đợi quyết định cuối cùng từ phía Mỹ, trong khi điều này có thể phải chờ tới cuối năm khi kết thúc bầu cử. Vì vậy, sự tự tin của lãnh tụ tối cao Khamenei khi cho rằng Israel không dám tấn công cũng không hoàn toàn vô căn cứ.

Hezbollah tuyên bố sẵn sàng trả đũa bằng tên lửa đối với Israel và Mỹ nếu Iran bị tấn công. (Ảnh: Tên lửa Buk-M2E)
Hezbollah tuyên bố sẵn sàng trả đũa bằng tên lửa đối với Israel và Mỹ nếu Iran bị tấn công. (Ảnh: Tên lửa Buk-M2E)

Hơn nữa, Iran có tiếng nói lớn trong cộng đồng các quốc gia Ả Rập. Tehran thường xuyên cung cấp tài chính cũng như quân sự cho các quốc gia này.

Ở Syria, Iraq hay Lebanon đều có các đồng mình ủng hộ Iran. Đặc biệt, gần đây thủ lĩnh nhóm vũ trang Hezbollah đã tuyên bố sẵn sàng trả đũa bằng tên lửa đối với Israel và Mỹ nếu Iran bị tấn công.

Viễn cảnh Israel bị không kích từ nhiều phía có thể diễn ra ngay trước mắt. Chính vì vậy, các quan chức Israel cũng sẽ phải cần thêm nhiều thời gian để cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Xuân Trường (nguồn: wordpress)