Tại sao Nga bất ngờ lên tiếng phụ họa lập trường Trung Quốc ở Biển Đông?

06/08/2015 14:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc vẫn tiếp tục bành trướng, thủ đoạn mềm nắn rắn buông và sự hiện diện của Nga không có tác động gì lớn đến khu vực.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Reuters.

Ria Novosti ngày 5/8 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng bác bỏ nhận định của một số chuyên gia cho rằng việc hải quân Nga tập trận chung với hải quân Trung Quốc là một động thái hỗ trợ yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hải quân hai nước Trung - Nga sẽ tiến hành tập trận chung từ 20 đến 28/8 trên vùng biển vịnh Peter Đại đế và biển Nhật Bản. Cuộc tập trận này có tên gọi "Hợp tác Hàng hải 2015". Ông Lavrov nói với đài truyền hình Channel News Asia của Singapore: Các nhà phân tích nên biết lập trường của Nga, đây không phải điều gì bí mật và Nga đã công khai lâu nay.

Ngoại trưởng Nga nói rằng Moscow ủng hộ giải quyết tranh chấp lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông hay bất kỳ khu vực nào khác theo khuôn khổ của luật pháp quốc tế mà trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Ở Biển Đông còn bao gồm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002.

"Theo các văn bản pháp lý này, các quốc gia trực tiếp có yêu sách ở khu vực tranh chấp phải tìm kiếm các biện pháp giải quyết mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Chúng tôi không coi nỗ lực quốc tế hóa các tranh chấp là hữu ích. Nỗ lực như vậy thường không nhằm tới sự tập trung của các bên yêu sách và sau đó thường trở thành điểm nóng chính trị quốc tế. Tôi không nghĩ rằng một cách tiếp cận như vậy là nghiêm túc và trung thực", ông Lavrov nói.

Những nước cờ đáng chú ý của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương

Ông Lavrov đã có cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Diễn đàn An ninh Đông Á ARF ở Malaysia. Tại đây ông Nghị nói với Lavrov: "Trung Quốc sẵn sàng tăng cường phối hợp ở cấp chiến lược với Nga trong các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy một khái niệm an ninh chung, hợp tác toàn diện và bền vững, cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á", theo Tân Hoa Xã.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Zimbio.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Zimbio.

The Diplomat ngày 6/8 bình luận, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm cách tận dụng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga trong khu vực để thúc đẩy các lợi ích an ninh - quốc phòng của riêng mình ở Thái Bình Dương. Sự hiện diện của Nga về mặt quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Tháng 4 năm nay, Đô đốc Samuel Locklear - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ thời điểm đó đã nói với Ủy ban Quân vụ Nhà Trắng rằng, Nga đã trở lại Thái Bình Dương, mức độ hoạt động quân sự của Nga trong khu vực này đã gần đến ngưỡng thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Moscow đang tìm cách cải thiện khả năng răn đe hạt nhân chiến lược và lực lượng tàu ngầm ở phía Bắc Thái Bình Dương.

Hoạt động của Nga không chỉ gây ảnh hưởng tới khu vực Bắc Cực mà còn cả Đông Bắc Á. Nga cũng đã tăng sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Nam Á, Đô đốc Locklear nhận định. Nhật Bản cũng ghi nhận sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga trong khu vực Hoa Đông.

Trong khi đó Trung Quốc có vẻ như đang chào đón sự gia tăng hiện diện này của Nga. Ngoài việc đẩy mạnh tập trận chung với Nga, hai nước còn tổ chức cuộc họp đặc biệt đầu tiên của họ về vấn đề an ninh châu Á hồi tháng Tư. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp này, Bắc Kinh và Moscow nhất trí tăng cường đối thoại, hợp tác, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.

Đối với Bắc Kinh, một cách tiếp cận tích cực hơn của Moscow với khu vực châu Á -  Thái Bình Dương sẽ giúp Trung Quốc có thêm một đối trọng hữu ích với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Nga và Trung Quốc đã đồng thanh phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc THAAD.

Ý đồ thực sự của Nga khi gia tăng hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương là "căng" Mỹ ra nhiều mặt trận, xử lý khủng hoảng Ukraine?

Ngày 5/8, Peter Harris, Trợ lý Giáo sư khoa học chính trị từ đại học bang Colorado bình luận trên The National Interest, bất chấp những đồng thuận đạt được giữa Nga và Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran, khủng hoảng Ukraine, vấn đề Georgia hay những nơi khác, Moscow vẫn là đối thủ tiềm năng nghiêm trọng của Washington trong tương lai gần.

Hợp tác quân sự Trung - Nga nhìn ở góc độ nào cũng không được người Mỹ chào đón. Một sự tái lập quan hệ Trung - Nga sẽ là tin xấu đối với Hoa Kỳ. Hoạt động quân sự chung giữa Trung Quốc và Nga dự kiến ở biển Nhật Bản trong tháng này, ở Đông Âu hay trên Biển Đông có thể làm phức tạp thêm khả năng thể hiện sức mạnh của Hoa Kỳ trong một cuộc khủng hoảng ngoại giao hay tranh chấp quân sự.

Hạm đội Nam Hải tập trận đối kháng bắn đạn thật quy mô lớn, bao gồm cả tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân ở Biển Đông ngay trước thềm ARF đang diễn ra ở Malaysia.
Hạm đội Nam Hải tập trận đối kháng bắn đạn thật quy mô lớn, bao gồm cả tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân ở Biển Đông ngay trước thềm ARF đang diễn ra ở Malaysia.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc và Nga đang nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn sức mạnh của Hoa Kỳ ở Đông Á khi hai nước hành động cùng nhau mà không nhất thiết phải trở thành đồng minh mới có thể đặt ra mối đe dọa cho Mỹ. Điều này cần thiết cho lợi ích chiến lược của Moscow và Bắc Kinh trong thời điểm Washington đang cố gắng để khẳng định mình hoặc bảo vệ lợi ích của một đồng minh trong khu vực.

Với xu thế căng thẳng đối đầu giữa Nga và NATO ở Đông Âu, Moscow có mối quan tâm đặc biệt để gây áp lực với Mỹ ở phương Đông buộc Lầu Năm Góc phải mở rộng, làm sâu sắc hơn chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương nhằm dãn sự tập trung lực lượng của Hoa Kỳ trên mặt trận biên giới phía Tây của Nga.

Bắc Kinh tuy không hề mong muốn Mỹ đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, nhưng lại vẫn muốn có sự ủng hộ của Nga trong trường hợp có tranh chấp quân sự với Washington hay một đồng minh của Mỹ ở châu Á. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thống trị bởi một mạng lưới các thỏa thuận an ninh với Hoa Kỳ, một người bạn tạm thời trong lúc cần vẫn cứ được Bắc Kinh chào đón.

Hoa Kỳ không quá lo lắng Trung - Nga sẽ thành lập một liên minh tấn công để buộc Washington nhượng bộ. Thay vào đó, Moscow và Bắc Kinh sẽ phối hợp với nhau buộc người Mỹ tăng cường hiện diện tại Đông Á mới là cái Mỹ cần tính toán.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Mỹ đã duy trì vị trí vai trò ưu việt tuyệt đối trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể cả về an ninh, kinh tế, ngoại giao và sức mạnh quân sự. Tuy nhiên hiện nay cán cân đang có sự dịch chuyển trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù quan hệ Trung - Nga chưa thể trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Hoa Kỳ, nhưng nó đang ngày càng đe dọa, thách thức vai trò của Mỹ khi có quá nhiều vấn đề, khu vực Mỹ phải để mắt.

Trung Quốc vẫn tiếp tục bành trướng, thủ đoạn mềm nắn rắn buông và sự hiện diện của Nga không có tác động gì lớn đến khu vực

Tiến sĩ Hanns Maull, Giáo sư thỉnh giảng đại học Johns Hopkins ngày 4/8 bình luận trên Russian Council, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược được tính toán cẩn thận nhằm siết lên vị thế của họ ở Biển Đông. Họ sẽ còn tiếp tục tiến (lấn tới, bành trướng) cho đến khi nào gặp phải phản kháng đủ gây nguy hiểm đến các mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh, chẳng hạn như một mối quan hệ toàn diện với Hoa Kỳ.

Ông Tập Cận Bình và ông Putin. Ảnh: Business Insider.
Ông Tập Cận Bình và ông Putin. Ảnh: Business Insider.

Theo ông Hanns Maull, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông với hoạt động của Nga trong khủng hoảng Ukraine không khác nhau. Học giả này cho rằng cả hai đã chứng minh rằng, Nga và Trung Quốc sẵn sàng tiến hành những gì họ xem là lợi ích quốc gia quan trọng.

Mặc dù vì điều này họ có thể phải sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, thậm chí là chống lại các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế ngày nay. Tuy nhiên Bắc Kinh đã có nhiều thủ đoạn thông minh (nham hiểm) hơn so với Moscow, Hanns Maull bình luận.

Moscow dự định tăng cường hiện diện quân sự của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng điều này sẽ không có tác động gì lớn đến sự phát triển tổng thể của tình hình. Đầu tiên, hải quân Nga không đủ năng lực để có thể tạo dựng ảnh hưởng quân sự lớn hơn trong khu vực có liên hệ mật thiết với Trung Quốc hay Nhật Bản. Thứ hai, thậm chí dù hai nước Nga - Trung có hình thành liên minh đi nữa cũng không thể thay đổi căn bản cán cân địa chính trị khu vực.

Nga rõ ràng đã có "trục châu Á - Thái Bình Dương" của riêng mình trong một khoảng thời gian, nhưng vai trò chính của Moscow cho đến nay mới chỉ cho thấy tín hiệu của một sự quan tâm đến khu vực. Cơ hội tốt cho Nga là tham gia các khuôn khổ đa phương khác nhau của ngoại giao châu Á - Thái Bình Dương. Hy vọng Moscow sẽ hỗ trợ các khuôn khổ đa phương này và nhấn mạnh sự tham gia của mình trong các khuôn khổ ấy.

Có thể thấy rằng Moscow đang cố gắng cân bằng, hóa giải giữa các trục quyền lực, hy vọng vai trò của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương thực sự sẽ mang tính xây dựng, Tiến sĩ Hanns Maull cho biết.

Cần chú ý điều gì trong lập trường của Nga ở Biển Đông?

Quay trở lại với phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với truyền thông Singapore hôm 5/8 rằng, Moscow không tin quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là giải pháp hữu ích, nghiêm túc và trung thực. Có thể thấy rõ điều này chính là những gì Bắc Kinh đang mong muốn và cố gắng tìm cách đạt được. Đồng thời cũng là những gì các bên yêu sách ở Biển Đông, ASEAN, dư luận quốc tế như Nhật Bản, Hoa Kỳ đang cực lực phản đối.

Nếu như vế trên ông Lavrov nói rằng Nga ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, đầu tiên và trước hết là UNCLOS và DOC thì có thể thấy Trung Quốc đang chà đạp lên cả hai văn kiện pháp lý quan trọng này.

Với UNCLOS, Trung Quốc đã đang và sẽ tìm mọi cách giải thích vận dụng sai các điều khoản UNCLOS có lợi cho mình, né tránh các biện pháp hòa bình xử lý tranh chấp trong việc áp dụng, giải thích UNCLOS mà chính Công ước đã quy định. Ví dụ cụ thể và sinh động nhất chính là thái độ kịch liệt phản đối của Trung Quốc với vụ Philippines khởi kiện đường lưỡi bò và cách Bắc Kinh áp dụng, giải thích UNCLOS ở Biển Đông.

Một đường băng quân sự đã hình thành trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam là bằng chứng rõ ràng về sự chà đạp UNCLOS, DOC.
Một đường băng quân sự đã hình thành trên đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam là bằng chứng rõ ràng về sự chà đạp UNCLOS, DOC.

Thứ hai, DOC đã bị Trung Quốc phá hủy hoàn toàn bằng những hoạt động leo thang gây hấn, biến đổi hiện trạng khu vực nước này nhảy vào tranh chấp. Gần nhất là một loạt các động thái có thể kể ra, đầu tiên là việc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012.

Kế đến là Trung Quốc kéo giàn khoan 981 ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao để nghi binh, thu hút chú ý trong khi đẩy mạnh việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay.

Mọi nỗ lực của ASEAN và các bên liên quan, thậm chí là Hoa Kỳ, Nhật Bản thúc đẩy đàm phán ký kết một bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) đều bị Trung Quốc tìm mọi cách chây ỳ, trì hoãn trong khi họ ngày càng bành trướng, leo thang trên thực địa trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, ngoại giao, tuyên truyền.

Đáng lo ngại hơn, chính hành vi, ý đồ, thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang đẩy khu vực này vào một cuộc chạy đua vũ trang mà nhiều nhà quan sát quốc tế đã cảnh báo. Tuyến hàng hải huyết mạch toàn cầu nơi tổng giá trị kim ngạch thương mại đi qua hàng năm lên tới 5,3 tỉ USD đang bị Trung Quốc thách thức, đe dọa bằng các hoạt động quân sự bất hợp pháp ở Trường Sa.

Việc ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc hay bất kỳ quốc gia nào có lợi ích kinh tế, thương mại và địa chiến lược ở Biển Đông quan ngại, lên tiếng bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do và an ninh hàng không - hàng hải cũng như luật pháp quốc tế ở Biển Đông là điều hết sức bình thường, không có gì là "làm lớn chuyện", càng không phải một biện pháp không nghiêm túc, không hữu ích hay không trung thực như ngài Ngoại trưởng Nga bình luận.

Với những phân tích nêu trên của các học giả và giới truyền thông quốc tế có thể phần nào hiểu được tính toán chiến lược cũng như thế bí của Nga khi ít nhiều phụ thuộc vào Trung Quốc, có thể phần nào hiểu được tại sao ông Sergei Lavrov phải lên tiếng về vấn đề Biển Đông và nói đến những điều lâu nay Moscow không muốn nói.

Như bình luận của The Diplomat ngày 6/8, Nga có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt về mặt quân sự nên không thể công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Nhưng chỉ riêng việc Nga phản đối tiếng nói và sự can dự của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản trong việc duy trì, bảo vệ hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông còn bản thân Nga đang lờ tịt những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ ít nhiều làm tổn hại đến hình ảnh của Nga trong khu vực.

Cả Nga và Trung Quốc đều là những nước lớn, hai thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lẽ ra hơn ai hết, họ nên gương mẫu chấp hành luật pháp quốc tế và ủng hộ việc giải quyết vấn đề đa phương ở Biển Đông thông qua cơ chế đa phương, dựa trên Công pháp quốc tế bao gồm UNCLOS, DOC như những gì ông Lavrov nói - PV.

Hồng Thủy