Tại sao Tập Cận Bình đột ngột "giả hòa" với Nhật Bản?

27/05/2015 10:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình dường như có ý định giảm bớt áp lực của liên minh Nhật - Mỹ ở Biển Đông bằng cách (tỏ ra) sửa chữa mối quan hệ với Nhật Bản.
Lãnh đạo đảng LDP Nhật Bản Toshihiro Nikai và ông Tập Cận Bình tại đại lễ đường Nhân Dân, ảnh: Đa Chiều.
Lãnh đạo đảng LDP Nhật Bản Toshihiro Nikai và ông Tập Cận Bình tại đại lễ đường Nhân Dân, ảnh: Đa Chiều.

Tờ Yomiuri Shimbun ngày 26/5 đặt câu hỏi, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc đã đón tiếp trọng thị một phái đoàn quan chức - doanh nghiệp Nhật Bản tại Nhân Dân đại lễ đường liệu có đồng nghĩa với việc Bắc Kinh thực sự có ý định cải thiện quan hệ với Tokyo nghiêm túc hay không?

Nhật Bản cần đánh giá chính xác điều này và có phản ứng phù hợp. Phái đoàn Nhật Bản thăm Trung Quốc mới đây gồm 3000 người, chủ yếu là các chủ doanh nghiệp du lịch dẫn đầu bởi lãnh đạo đảng LDP cầm quyền Toshihiro Nikai.

Tiếp phái đoàn Nhật Bản, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ Trung - Nhật và lập trường này cơ bản không thay đổi. Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của "tình hữu nghị và trao đổi song phương". Trong buổi tiếp, Tập Cận Bình cũng nhắc đến Abe no Nakamaro, sứ thần Nhật Bản đi sứ sang nhà Đường và sự kiện bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật năm 1972.

Ông Nikai dẫn đầu chuyến đi trên danh nghĩa do chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe phái sang để tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tập Cận Bình được cho là đã đưa ra thông điệp tích cực, chú trọng quan hệ song phương thông qua chuyến thăm này. Nikai đã trao thư tay của Thủ tướng Shizno Abe gửi Tập Cận Bình, ông Bình phản ứng với phát biểu: "Nếu cả hai nước đều thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược, nó sẽ mang lại kết quả tốt".

Tuy nhiên liên quan đến các vấn đề nhận thức lịch sử, Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định: Người Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào xuyên tạc lịch sử, tôn vinh lịch sử xâm lược quân sự của Nhật Bản. Bình luận này của ông chủ Trung Nam Hải dường như là để "nắn gân" ông Shinzo Abe, người sẽ có thông điệp kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II sắp tới. Tùy thuộc vào những gì ông Shinzo Abe sẽ nói, thái độ của Tập Cận Bình có thể quay sang cứng rắn với Nhật Bản.

Vẻ mặt khiên cưỡng của ông Tập Cận Bình khi tiếp ông Shinzo Abe tại Bắc Kinh bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái.
Vẻ mặt khiên cưỡng của ông Tập Cận Bình khi tiếp ông Shinzo Abe tại Bắc Kinh bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái.

Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh ngày 3/9 tại Thiên An Môn kỷ niệm ngày họ gọi là "kháng chiến chống Nhật thắng lợi". Yomiuri Shimbun nói rằng, Trung Nam Hải sẽ không bao giờ từ bỏ chiến lược chống Nhật Bản trong các vấn đề liên quan tới lịch sử. Thông điệp hòa giải mà Tập Cận Bình đưa ra trong thời gian này rất có thể phản ánh ý thức của ông về cuộc khủng hoảng suy giảm kinh tế đe dọa sự ổn định trong chính quyền của ông.

Bắc Kinh đã nhiều lần giảm lãi suất để cố vực dậy nền kinh tế nhưng không có kết quả rõ rệt, trong khi lượng tiêu thụ nội địa vẫn chậm chạp. Các khoản đầu tư của Nhật bản tại Trung Quốc đã giảm dần trong khi hợp tác, trao đổi giữa doanh nghiệp 2 nước bị chững lại. Tập Cận Bình có thể tìm cách đưa khách du lịch Nhật Bản quay trở lại Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ ngoài quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV), Tập Cận Bình dường như có ý định giảm bớt áp lực của liên minh Nhật - Mỹ ở Biển Đông bằng cách (tỏ ra) sửa chữa mối quan hệ với Nhật Bản. Việc cải thiện quan hệ Trung - Nhật là điều bắt buộc với Tokyo, nhưng nó phải được diễn ra đồng thời với các giải pháp phản ứng đầy đủ với chiến dịch tuyên truyền chống Nhật của Bắc Kinh cũng như việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động hàng hải (bành trướng trên biển).

Đa Chiều ngày 26/5 bình luận, Tập Cận Bình đã đột ngột "lấy lòng" ông Nikai, người tờ báo này cho là thuộc phe thân Bắc Kinh. Trong 10 phút phát biểu, Tập Cận Bình chỉ nhắc tới vấn đề lịch sử chưa đầy 1 phút. Tờ Nikkei thì tỏ ra cảnh giác.

Hôm 26/5 tờ báo này bình luận, Tập Cận Bình đang "chơi trò 2 mặt" với Nhật Bản, vừa chỉ trích "nhận thức lịch sử" của chính quyền ông Shinzo Abe, vừa ca ngợi đoàn doanh nghiệp - quan chức sang thăm là "những công dân Nhật Bản có lương tri, chính nghĩa". Đây là dấu hiệu Trung Nam Hải muốn chia rẽ chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe với người dân Nhật Bản, Nikkei lưu ý.


Hồng Thủy