Tại sao Thời báo Hoàn Cầu lại xúi Việt - Đài đối đầu quân sự ở Trường Sa?

13/12/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây là mũi tên độc của Thời báo Hoàn Cầu và nhằm vào không chỉ một mục đích duy nhất: Bôi nhọ Việt Nam theo kiểu gắp lửa bỏ tay người.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 12/12 đăng bài "Truyền thông Đài Loan: Nếu Việt Nam phái quân 'xâm phạm' đảo Ba Bình, quân Đài Loan rất có khả năng không chống cự nổi" nhằm kích động đối đầu quân sự ở Biển Đông.

Tờ báo này lộ rõ ý đồ khi bình luận về việc giới chức đảo Đài Loan tổ chức cắt băng khánh thành một ngọn đèn biển, cầu tàu xây mới và cải tạo sân bay quân sự (bất hợp pháp) trên đảo Ba Bình, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) ngày 12/12 trong khi sử dụng một bài báo của China Times, Đài Loan tháng 4 năm ngoái.

Chiến đấu cơ Đài Loan, hình minh họa.
Chiến đấu cơ Đài Loan, hình minh họa.

Ngày 12/12, một nhóm quan chức Đài Loan đã đổ bộ (bất hợp pháp) xuống đảo Ba Bình và tiến hành các hoạt động nêu trên nhằm tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với quần đảo Trường Sa sau khi ông Mã Anh Cửu phải hủy bỏ kế hoạch đổ bộ bất hợp pháp vì áp lực từ Mỹ. Thời báo Hoàn Cầu bình luận:

"Trên thực tế hoạt động mở rộng và tạo mới không chỉ nạo vét sâu lòng cảng, kéo dài cầu tàu mà còn sử dụng phương thức bồi lấp, tôn tạo để kéo dài đường băng quân sự trên đảo từ vài trăm mét lên trên 1000 mét, để máy bay vận tải quân sự có thể cất hạ cánh.

Ngoài tàu khu trục lớp Cơ Đức không thể cập cảng cầu tầu trên đảo Ba Bình, các tàu tuần tra lớp Thành Công, Khang Định, Tế Dương và tàu đổ bộ Húc Hải, xe lội nước đổ bộ Trung Hòa của hải quân Đài Loan đều có thể sử dụng cầu cảng này.

Ngày 12/12 cũng có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt. Truyền thông Đài Loan nói rằng, ngày 12/12/1946 là ngày Đài Loan 'thu hồi' (thực chất là thừa cơ chiếm đóng bất hợp pháp) đảo Ba Bình sau khi Thế chiến II kết thúc.

Do đó Bộ Quốc phòng Đài Loan đã lên kế hoạch lấy ngày này để tổ chức cắt băng khánh thành các công trình để tuyên bố chủ quyền. Kế hoạch mở rộng và tôn tạo các công trình trên đảo Ba Bình mà phía Đài Loan đặt ra đến tháng 1/2016 mới hoàn thành. Trong khi đó hơn chục năm qua việc xây dựng cải tạo trên đảo Ba Bình khá chậm chạp.

Việc tăng tốc xây dựng các công trình này là vì Đài Loan cảm thấy nguy cơ ngày càng tăng. Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp và công dân Đài Loan làm ăn tại Việt Nam đã bị (một số phần tử quá khích lợi dụng hoạt động tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) tấn công."

Thời báo Hoàn Cầu kích động tiếp: "Tờ China Times (Đài Loan) nói rằng, nếu Việt Nam tiếp tục 'khiêu khích', thậm chí điều quân đổ bộ đảo Ba Bình, quân Đài Loan rất có thể ở vào thế hạ phong.

Báo này nói, đảo Ba Bình đã nằm ngoài phạm vi tác chiến của F-16 Đài Loan, kể cả P-3C cũng chỉ có thể cầm cự được từ 12 đến 17 giờ, cho dù có thể giữ được trận địa phòng không trên đảo Ba Bình khoảng 5 đến 6 giờ nhưng lại thiếu ưu thế không quân, lực lượng hải quân Đài Loan lại phải đối mặt với không quân và tàu ngầm Việt Nam ưu thế hơn hẳn thì rất khó đỡ.

Ngoài ra, Việt Nam còn mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga, đến 2016 là toàn bộ 6 chiếc đã vào biên chế. Tháng 3 năm nay, truyền thông Đài Loan còn đưa tin Việt Nam đã tăng cường lực lượng pháo binh ở Trường Sa".

Vài lời nhận xét: Đúng là China Times Đài Loan có bài viết bàn đến khả năng Việt Nam thu hồi đảo Ba Bình, nhưng không liên quan gì đến sự kiện 12/12/2015 mà Thời báo Hoàn Cầu vừa nêu. Bài viết này đăng trên China Times ngày 14/9 năm ngoái và đã được chúng tôi phản ánh TẠI ĐÂY.

Ảnh chụp màn hình bài báo kích động đối đầu quân sự Việt - Đài trên Thời báo Hoàn Cầu.
Ảnh chụp màn hình bài báo kích động đối đầu quân sự Việt - Đài trên Thời báo Hoàn Cầu.

Thứ hai, cần lưu ý rằng Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam không cổ súy leo thang, dùng vũ lực trong vấn đề Biển Đông.

Thứ ba, về cái gọi là "mối đe dọa từ Việt Nam" thực tế chỉ là cái cớ để một số quan chức, nghị sĩ Đài Loan kêu gọi cải tạo, tôn tạo các công trình bất hợp pháp và vũ trang cho lực lượng đang đốn trú trái phép trên đảo Ba Bình.

Vậy trong lúc Biển Đông đang căng thẳng vì những hoạt động leo thang phá vỡ hiện trạng bằng việc bồi lấp, tôn tạo, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa mà Trung Quốc tiến hành hiện nay, Thời báo Hoàn Cầu lại kích động chuyện đối đầu quân sự Việt - Đài ở khu vực nhạy cảm, phức tạp này bằng một bài báo từ hơn 1 năm trước nhằm mục đích gì?

Người viết cho rằng, đây là mũi tên độc của Thời báo Hoàn Cầu và nhằm vào không chỉ một mục đích duy nhất: Bôi nhọ Việt Nam theo kiểu gắp lửa bỏ tay người, trong khi Trung Quốc đang bị cả khu vực và thế giới lên án vì hành vi bành trướng, quân sự hóa Biển Đông.

Những mục đích khác có thể bài báo này của Thời báo Hoàn Cầu đang nhắm tới gồm: Cổ vũ Đài Loan hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Trường Sa để bảo vệ đường lưỡi bò phi pháp; Chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi việc bồi lấp, tôn tạo và quân sự hóa bất hợp pháp đảo nhân tạo Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa...

Dư luận quốc tế đều thấy rõ và thực sự lo ngại trước các hành động leo thang phá vỡ hiện trạng, quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành. Đài Loan cũng chỉ lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để củng cố sự hiện diện bất hợp pháp. Xét về quy mô, tính chất, mục đích và đặc biệt là tốc độ xây dựng các công trình ở Trường Sa, Đài Loan và tất cả các bên yêu sách còn lại ở Biển Đông đều đang thua xa Trung Quốc.

Vì vậy, việc kích động xung đột đối đầu quân sự Việt - Đài ở Trường Sa là điều hết sức vô nghĩa, ném đá ao bèo hòng làm rối dư luận, đặc biệt là dư luận một bộ phận người dân Trung Quốc bị bưng bít thông tin. Nhưng trong thế giới thông tin hiện đại ngày nay, thủ đoạn, tiểu xảo này của Thời báo Hoàn Cầu chỉ phản tác dụng.

Nó có thể kích động một bộ phận thanh niên Trung Quốc mang tư tưởng cực đoan hiếu chiến do tờ báo này tiêm nhiễm, chứ không thể đầu độc cả một dân tộc Trung Hoa. Nếu không cẩn thận, chính những tư tưởng cực đoan sẽ phản đòn lại đối với những kẻ đã nuôi dưỡng nó.

Ngoài ra Thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn bình luận của China Times xung quanh vụ kiện của Philippines. Nếu Tòa Trọng tài Thường trực PCA mà bác bỏ đường lưỡi bò thì cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều bất lợi.

Nếu PCA ra phán quyết theo yêu cầu của Philippines, trong đó xác định bản chất các thực thể ở Trường Sa không có đảo (Island) đủ khả năng duy trì đời sống kinh tế riêng hoặc thích hợp cho con người sinh sống, mà chỉ có đảo đá (Rock), các bãi cạn lúc nổi lúc chìm (LTE) thì đảo Ba Bình - đảo tự nhiên lớn nhất cũng chỉ là một đảo đá (Rock), chỉ có tối đa một lãnh hải 12 hải lý mà không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Nếu PCA ra phán quyết này, có nghĩa rằng toàn bộ quần đảo Trường Sa không có thực thể nào được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và do đó âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò (9 đoạn theo Trung Quốc, 11 đoạn theo Đài Loan) bằng việc đòi yêu sách 200 hải lý cho Hoàng Sa, Trường Sa và Scarbourough đều trở nên vô giá trị.

Hồng Thủy