"Tam giác Nga-Ấn Độ-Trung Quốc chấm dứt quyền bá chủ của Mỹ"

21/01/2015 08:51
Nguyễn Hường
(GDVN) - Và không giống như Mỹ, liên minh này không nằm dưới quyền lực của các tập đoàn và chính sách đối ngoại của họ không có "sự ngạo mạn" như Mỹ.

Việc tái cấu trúc của thế giới đơn cực đã dẫn đến sự hình thành của một trục mới trong giới lãnh đạo toàn cầu gồm Moscow - New Delhi - Bắc Kinh, nhà báo Marc Mayer cho biết trong bài viết mới đăng tải trên tờ Contra Magazin của Áo.

Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang chuẩn bị để cung cấp cho thế giới một sự "thay thế thú vị".
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang chuẩn bị để cung cấp cho thế giới một sự "thay thế thú vị".

"Thời đại của Mỹ, trong đó phát triển mạnh mẽ sau sự sụp đổ của Liên Xô, chắc chắn sẽ đi đến hồi kết" - ông Mayer nhận định sau khi nhắc nhở mọi người về sự gia tăng nợ công và các chi phí quân sự quá mức của chính phủ Mỹ.

Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang chuẩn bị để cung cấp cho thế giới một sự "thay thế thú vị". Và không giống như Mỹ, liên minh này không nằm dưới quyền lực của các tập đoàn và chính sách đối ngoại của họ không có "sự ngạo mạn" như Mỹ.

Một thế giới đa cực được hình thành không chỉ bởi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà còn từ nhiều hiệp định song phương và đa phương khác như việc mở rộng hợp tác giữa Nga và Iran, kế hoạch xây dựng kênh đào của Trung Quốc ở Nicaragua.

Kết quả là đã tạo ra một mạng lưới thống nhất giữa các nước và cũng là một yếu tố quyết định trong địa chính trị. Bởi vì tất cả đều có hệ thống chính trị và tôn giáo khác nhau nên hợp tác của họ có thể trở thành một đóng góp to lớn cho thế giới.

"Đối với châu Âu, nơi có quan hệ rất mật thiết với Mỹ, sự phát triển này là một vấn đề nghiêm trọng. Các biện pháp trừng phạt Nga đã gây ra một số tổn hại về chính trị", Mayer bình luận.

Ông cho rằng các chính trị gia châu Âu nên theo đuổi một chính sách cân bằng là cách duy nhất để họ có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi toàn cầu ở châu lục này./.

Nguyễn Hường