Tan cửa nát nhà vì xuất khẩu lao động chui

24/01/2015 08:07
Xuân Hòa - Ngọc Xanh
(GDVN) - Với mong muốn đổi đời nhưng không có tiền để đi lao động hợp pháp nên nhiều người dân tại Quảng Trị đã phải gánh chịu hệ lụy của việc xuất khẩu lao động chui.

Tình trạng thất nghiệp đã kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc trong đời sống của người dân, đặc biệt là nổi lên vấn nạn xuất khẩu lao động chui. Những người nhẹ dạ cả tin muốn đi XKLĐ chui trở thành “con mồi” béo bở để các đối tượng lưu manh lừa đảo kiếm chác. Hệ lụy đằng sau quả thực nặng nền bởi người thất nghiệp phải mang nợ, có người mất tích ở nước ngoài nhiều năm chưa rõ tăm tích. Còn nhiều kẻ lừa đảo cũng đã phải ra chịu tội trước pháp luật.

Đổ nợ vì nhẹ dạ

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Tình (35 tuổi, trú thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) đang chống nạng gỗ lê chân trái bị gãy đến TAND tỉnh Quảng Trị với tư cách người bị hại trong một vụ lừa XKLĐ. Với gương mặt nhăn nhó vì đau đớn, anh Tình bức xúc nói: “Đây là lần thứ hai tôi cùng 9 nạn nhân phải đi hầu tòa nhưng lần trước vì không đủ số bị hại nên tòa không xét xử, lần này bà con chúng tôi đông đủ cả. Có người đang làm công nhân tận TP. Hồ Chí Minh phải bỏ công bỏ việc, bắt xe khách về đây thì Lê Đạo (đối tượng lừa đảo XKLĐ - PV) nó nằm ra giữa tòa kêu đau, tòa phải hoãn vì nó bị tai biến gì đó. Chúng tôi những người bị lừa đảo, tiền mất tật mang rồi mà chúng nó còn làm như thế, đúng là quá đáng!”.

Nguyễn Thanh Tình một nạn nhân của xuất khẩu lao động đang phải gánh một số nợ lớn (ảnh Ngọc Xanh)
Nguyễn Thanh Tình một nạn nhân của xuất khẩu lao động đang phải gánh một số nợ lớn (ảnh Ngọc Xanh)

Anh Tình cho biết, hơn 10 năm nay anh làm nghề thợ xây, công việc thất thường nên thu nhập ba cọc ba đồng. Là con út, phải nuôi mẹ già năm nay tuổi ngoài 73 nên cuộc sống rất vất vả. Cũng chính vì thế mà vào tháng 5/2012, khi nghe người hàng xóm là đối tượng Nguyễn Minh Tuấn (28 tuổi) vẽ ra con đường XKLĐ sang Hàn Quốc làm săm lốp ô tô. Tuấn nói sẽ giúp đỡ đưa anh đi XKLĐ sang Hàn Quốc để đổi đời. Thấy viễn cảnh vẽ ra có thể giúp cả gia đình đổi đời nên anh đã không ngại ngần đồng ý. Anh Tình không ngờ rằng gã hàng xóm nhà cách nhau cái hàng rào, chơi với nhau từ nhỏ lại đang tâm đưa anh vào tròng lừa đảo để kiếm chác.

Để tạo lòng tin vững chắc, Nguyễn Minh Tuấn còn cho anh Tình xem giấy giới thiệu, văn bản mang tên ông Hoàng Bình ghi trên giấy là Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Lâm Đồng nhưng thực tế ông Bình là PGĐ Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng. Sau đó Tuấn yêu cầu anh Tình nộp 80 triệu đồng, đồng thời đưa sổ hộ khẩu để y cắt hộ khẩu tại Quảng Trị để nhập hộ khẩu vào xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng để “lấy chỉ tiêu” của Huyện Đạ Tẻh đi Hàn Quốc.

Bà Hồ Thị Yến ứa nước mắt lục lại ảnh của đứa con trai Hồ Văn Diên đi XKLĐ bị mất liên lạc 2 năm nay (Ngọc Xanh)
Bà Hồ Thị Yến ứa nước mắt lục lại ảnh của đứa con trai Hồ Văn Diên đi XKLĐ bị mất liên lạc 2 năm nay (Ngọc Xanh)

Anh Tình nghẹn ngào nói: “Hắn (Nguyễn Minh Tuấn - PV) cho tôi đi học tiếng Hàn Quốc suốt 4 tháng với mức đóng 2 triệu đồng/tháng tại TP.Hồ Chí Minh. Sống trong cảnh nghèo túng, nghĩ đến việc được sang Hàn Quốc làm việc nhẹ, lương cao nên dù nhà nghèo nhưng tôi vẫn quyết định vay ngân hàng nộp đủ cho hắn. Ai ngờ…”.

Đến khi Nguyễn Minh Tuấn lộ diện là kẻ dụ dỗ người XKLĐ ra nước ngoài để chiếm đoạt tài sản thì hàng ngày anh Tình phải vất vả làm lụng, vay mượn khắp nơi để trả tiền lãi ngân hàng. Cùng với đó số tiền gốc mấy chục triệu anh cũng chưa biết xoay xở đâu ra để trả.

Là nạn nhân trong đường dây của Nguyễn Minh Tuấn ngoài phải mang gánh nặng nợ nần, chị Nguyễn Thị Hoài Sương còn mất đi nhiều quyền lợi của một công dân. Chị bị Minh Tuấn lừa nên đã chuyển hộ khẩu vào huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. “Bây giờ dù tôi sống tại Quảng Trị nhưng giống như “người lậu” vì không có giấy tờ tùy thân. Tôi lấy chồng từ năm 2013 đến giờ nhưng chưa làm được giấy đăng ký kết hôn. Đứa con trai 8 tháng tuổi của tôi cũng chưa thể làm giấy khai sinh vì hộ khẩu của tôi vẫn trú tại tỉnh Lâm Đồng”, chị Sương xót xa cho biết.

Đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động Nguyễn Minh Tuấn (ảnh Ngọc Xanh)
Đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động Nguyễn Minh Tuấn (ảnh Ngọc Xanh)

Anh Mai Văn Việt (trú tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh) cũng là một nạn nhân của Nguyễn Minh Tuấn. Cha mẹ mất sớm, anh Việt phải tự mình bươn chải kiếm sống từ nhỏ. Nghe lời ngon ngọt của Nguyễn Minh Tuấn, anh Việt chạy vạy khắp nơi vay ngân hàng, mượn tiền người thân để thực hiện ước mơ đổi đời. Khi sự việc trên vỡ lở, Nguyễn Minh Tuấn còn kịp dụ dỗ anh Việt đưa sổ đỏ do cha mẹ để lại cho y bán lấy 100 triệu đồng với lời hứa sẽ chuyển hướng cho anh Việt đi XKLĐ sang Nhật Bản để có lương cao hơn.

Cùng bị Nguyễn Minh Tuấn lừa còn có 6 nạn nhân khác thuộc các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa (Quảng Trị). Nay, tất cả họ đều đang phải ôm một món nợ khổng lồ, hàng tháng phả oằn lưng làm thuê để trả lãi và xoay xở trả nợ số tiền nợ gốc lên đến hàng chục triệu.

Thấp thỏm ngóng tin con

Theo chân anh Hồ Văn Phèng - Cán bộ xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đồng thời là phiên dịch viên. Chúng tôi lội bộ qua con sông Đakrông chảy siết tìm đến nhà một phụ nữ dân tộc thiểu số Vân Kiều tên Hồ Thị Yến (42 tuổi). Ngôi nhà sàn nhỏ bé liêu xiêu nằm trên chót vót đỉnh đồi thôn Chân Rò.

Mặc dù, tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền, có biện pháp giải thích rõ ràng về việc đi xuất khẩu lao động hợp pháp nhưng nhiều kẻ lừa đảo vẫn lợi dụng để lừa người lao động (ảnh Ngọc Xanh)
Mặc dù, tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền, có biện pháp giải thích rõ ràng về việc đi xuất khẩu lao động hợp pháp nhưng nhiều kẻ lừa đảo vẫn lợi dụng để lừa người lao động (ảnh Ngọc Xanh)

Nghe chúng tôi hỏi về đứa con trai Hồ Văn Diên (23 tuổi), đôi mắt bà Yến tối sầm lại. Giọng nghẹn ngào bà kể, năm 2009 Diên đăng kí XKLĐ sang Malaysia với UBND xã Đakrông và được đồng ý. Để chuẩn bị cho chuyến làm ăn xa, gia đình bà Yến đã vay ngân hàng 23 triệu đồng để nộp cho đơn vị tuyển dụng.

Năm 2010, anh Diên lên đường XKLĐ sang Malaysia với hợp đồng 2 năm, tức là đến năm 2012, anh Diên kết thúc hợp đồng và phải về nước. Vậy nhưng, đến nay anh Diên vẫn chưa trở về theo đúng quy định nhưng anh Diên làm vậy đương nhiên trở thành lao động chui, nhập cư trái phép trên lãnh thổ nước bạn.

Bà Yến cho hay, từ khi anh Diên ra đi cho đến gần cuối năm 2012 thì thường xuyên liên lạc về gia đình. Anh cũng cho gia đình biết đang làm dệt vải thổ cẩm cho một công ty, công việc rất tốt. Anh Diên còn gửi tiền về gia đình hai lần tổng cộng hơn 15 triệu đồng.

Vậy nhưng, cuối năm 2012 anh Diên điện thoại về gia đình cũng là lần cuối cùng cho đến thời điểm đó anh phải chịu cảnh lao động khổ sai. Anh Diên phải làm bốc vác gỗ, sắt… cho một công ty ở Malaysia. Công việc cực nhọc nhưng chỉ được nhận số tiền 1,5 triệu đồng/tháng. Từ lần gọi điện đó đến nay, anh Diên “mất tích”, không liên lạc với gia đình.

Từ ngày đứa con trai bặt vô âm tín bà Yến như ngồi trên đống lửa, trong lòng nôn nao đứng ngồi không yên. “Mình không biết nó (anh Diên - PV) còn sống hay không. Mình sợ có gì đó không hay xảy ra với nó. Nhà mình nghèo lắm, cha nó mất sớm, một mình mình phải nuôi con. Bây giờ chỉ được một đứa con trai để nhờ cậy khi về già thì nay vẫn bật vô âm tín không rõ sống chết ra sao nơi xứ người. Có khi nào nó chết rồi không”, bà Yến nghẹn ngào nhìn bức ảnh con trai khóc.

Từ ngày vay tiền ngân hàng cho anh Diên XKLĐ đến nay, bà Yến ôm một đống nợ hàng tháng phải trả lãi. Ở nơi không điện, không nước, không đường giao thông như thôn Chân Rò thì đủ ăn ngày 2 bữa đã khó, nay người phụ nữ già nua này phải gánh thêm khoản nợ 23 triệu đồng thì quả là cực hình. Đứa con gái út của bà Yến năm nay đang học lớp 9 cũng đang đứng trước nguy cơ bỏ học vì nghèo khó. “Mình nhớ con mình lắm. Ưng tìm con mà không biết tìm ở mô”, bà Yến nhòe nước mắt.

Nhìn khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ già dân tộc Vân Kiều khi nói về đứa con trai độc nhất của mình mà chúng tôi lại ngậm ngùi và thấy hậu quả của xuất khẩu lao động “chui” nó tai ương đến nhường nào.

Xuân Hòa - Ngọc Xanh