Tân Tổng thống Iran có thể "thay đổi cuộc chơi" chương trình hạt nhân?

17/06/2013 19:46
Nguyễn Hường (nguồn CNA)
(GDVN) - Cuộc bầu cử ở Iran, trong đó ông Hassan Rowhani đắc cử Tổng thống, có thể làm thay đổi tình hình, làm xoa dịu căng thẳng với phương Tây về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Chiến thắng của cựu trưởng đoàn đàm phán Iran Rowhani đã đem lại cho phương Tây hy vọng có thể tháo gỡ bế tắc liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.
Chiến thắng của cựu trưởng đoàn đàm phán Iran Rowhani đã đem lại cho phương Tây hy vọng có thể tháo gỡ bế tắc liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.

Được mệnh danh là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm đàm phán, tân Tổng thống Iran đã gợi mở nhiều hy vọng khi ông đắc cử.
Ông Rowhani từng tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc hạt nhân chống lại Tehran của phương Tây hiện nay. Nhưng chính sách của ông đã bị bỏ quên vào năm 2005 khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được bầu.
"Chiến thắng Rowhani không phải là thay đổi chế độ ở Iran - nhưng đó là một sự thay đổi cuộc chơi", tạp chí Chính sách đối ngoại nhận định.
Mặc dù nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và lực lượng Vệ binh Cách mạng tiếp tục kiểm soát tất cả các quyền lực ở Iran, nhưng chiến thắng của ông Rowhani đã chỉ cho Washington  thấy "một cách tiếp cận mới để tăng cường cải cách",  tờ báo nói thêm.
Tehran đã tham gia đàm phán P5+1 cùng các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, cộng với Đức về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa có bước đột phá.

Một số chuyên gia cho rằng sẽ có rất ít sự thay đổi về vấn đề hạt nhân hoặc sự hỗ trợ của Iran đối với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad.
Một số chuyên gia cho rằng sẽ có rất ít sự thay đổi về vấn đề hạt nhân hoặc sự hỗ trợ của Iran đối với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad. 

Cựu Ngoại trưởng Anh Jack Straw, người từng cùng tham gia đàm phán với ông Rowhani về chương trình hạt nhân của Iran, gọi ông là một "nhà ngoại giao và chính trị rất có kinh nghiệm".
Washington vốn nghi ngờ chương trình hạt nhân của Iran nhằm mục đích phát triển vũ khí, đã ca ngợi chiến thắng của ông Rowhani như một "dấu hiệu có khả năng hy vọng", "một cơ hội tìm thấy đối tác".
Tuy nhiên, nhiều người khác lại tỏ ra thận trọng với sự thay đổi này.
"Chúng tôi không mong đợi một sự thay đổi lớn", một nhà ngoại giao châu Âu cho biết với điều kiện giấu tên và nói thêm rằng "sẽ không có sự thay đổi cơ bản, nhưng có lẽ là có một sự khác biệt về phong cách." 
Genevieve Abdo, một chuyên gia về Iran tại Trung tâm Stimson ở Washington nói rằng sẽ có rất ít sự thay đổi về vấn đề hạt nhân hoặc sự hỗ trợ của Iran đối với nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad. 
Azadeh Kian-Thiebaut, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Paris, nói rằng phương Tây không nên hy vọng ở Rowhani trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Tehran. Bà cho rằng chính sách đối với Syria dưới quyền Tổng thống Rowhani sẽ không thay đổi.
Nguyễn Hường (nguồn CNA)