Tạo điều kiện cho phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng bền vững

14/02/2015 11:16
THỤY MIÊN
(GDVN) - Để phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững nhất là một trong những mục tiêu quan trọng mà Hội LHPN Việt Nam đặt ra.

Để phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng một cách bền vững nhất là một trong những mục tiêu quan trọng mà Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đặt ra. Những năm qua, các cấp Hội đã và đang giúp đỡ nhiều phụ nữ một thời từng lầm lỡ ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Bà Trương Thị Thu Thuỷ, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho hay, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội; đại diện bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã xác định công tác phòng chống tệ nạn mại dâm (PCMD) trong các cấp hội là việc làm thường xuyên, là nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của hội tại cơ sở. Trong những năm qua, Hội LHPN các cấp đã luôn quan tâm, coi trọng đến công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm các chính sách pháp luật về PCMD và xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ bán dâm hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền

Từ quan điểm hướng các hoạt động về cơ sở với phương châm phòng ngừa là chính, trong đó, lấy phòng ngừa từ gia đình làm trọng tâm, công tác truyền thông cộng đồng đã được các cấp Hội đẩy mạnh, nhất là đối với những địa bàn có tình hình tệ nạn xã hội (TNXH) phức tạp. Việc xây dựng tài liệu để phục vụ cho công tác truyền thông được các cấp Hội chú trọng, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tờ rơi, tranh cổ động, pa-nô, áp phích, sổ tay được biên soạn, có hình ảnh minh họa.

Riêng từ năm 2006 đến nay, Ban tuyên giáo đã tham mưu với Thường trực Đoàn chủ tịch TW Hội biên soạn và phát hành 4.500 cuốn sổ tay PCMD, 85.000 tài liệu tuyên truyền về phòng chống tội phạm (PCTP), TNXH phát đến 13.300 xã/phường trong cả nước.

Tài liệu truyền thông được thể hiện bằng nhiều hình thức như “Thông tin phụ nữ”, “Thông tin phòng chống tội phạm”, “Thông tin gia đình và đời sống”; “Hướng dẫn mô hình truyền thông bằng phương pháp kịch tương tác”, “Internet an toàn cho trẻ em và gia đình”.

Đặc biệt tại cấp Hội cơ sở, công tác tuyên truyền, giáo dục về PCMD được thực hiện thông qua hoạt động CLB. Hiện nay 100% các tỉnh/thành Hội đều có mô hình câu lạc bộ phòng chống TNXH, trong đó PCMD là một trong những nội dung chính.

Việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về PCMD đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua các hoạt động này cóhàng nghìn phụ nữ được tư vấn trực tiếp về bệnh tật, sức khỏe, được giới thiệu khám chữa bệnh, được xét nghiệm HIV/AIDS, được cung cấp bao cao su, tài liệu truyền thông… Từ đó vận động chị em tích cực phát hiện, tố giác các tụ điểm mại dâm, tham gia xây dựng lối sống lành mạnh, ngăn ngừa và đấu tranh bài trừ TNXH.

Tuyên truyền phòng chống mại dâm (ảnh: Ủy ban QUốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm).
Tuyên truyền phòng chống mại dâm (ảnh: Ủy ban QUốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm).

Việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng chống TNXH đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Theo báo cáo 63 tỉnh/ thành phố, mỗi năm có trên 12 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ trong cộng đồng được nâng cao nhận thức về phòng, chống TNXH thông qua nhiều hình thức truyền thông có hiệu quả với đối tượng là phụ nữ bán dâm, phụ nữ bị buôn bán phục vụ lao động tình dục… trở về địa phương sinh sống như: sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ, câu lạc bộ phòng chống TNXH, câu lạc bộ phát triển kinh tế gia đình, tư vấn tâm lý, tư vấn bệnh tật, tư vấn sức khỏe hoặc tập hợp phụ nữ bán dâm sinh hoạt trong “Trung tâm sức khỏe phụ nữ”… Nhiều phụ nữ, nữ thanh niên, trẻ em gái đã nhận biết được những thủ đoạn của bọn tội phạm trong xã hội và có ý thức cảnh giác, tự bảo vệ cho mình…

Đa dạng mô hình tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách pháp luật về PCMD, các cấp hội LHPN Việt Nam còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình hỗ trợ phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng với nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần tạo điều kiện cho chị em có cuộc sống ổn định, tự giác không tái phạm.

Trong đó việc gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh, động viên tinh thần, không kỳ thị và giúp đỡ chị em sinh kế bền vững là giải pháp quan trọng hàng đầu để phụ nữ bán dâm tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.

Một trong những mô hình tiêu biểu là mô hình “Nhóm phụ nữ nòng cốt” thuộc địa bàn trọng điểm Quất Lâm - huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Mô hình “Nhóm phụ nữ nòng cốt” lấy cán bộ Hội, hội viên nòng cốt, người có uy tín tại cộng đồng làm lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền vận động.

Các thành viên của nhóm cũng chính là những người dân sống tại địa bàn vì vậy nắm rất chắc tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, thông hiểu địa bàn góp phần là một trong những giải pháp hữu hiệu trong nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời, lên án tố giác những hành vi vi phạm.

Bà Trương Thị Thu Thuỷ cũng dẫn ra trường hợp chị Nguyễn Trang Thanh L (phường 3, quận 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An) hành nghề mại dâm, được Hội phụ nữ phường giúp đỡ, nay đã hoàn lương, có công việc ổn định và gia đình hạnh phúc. Trước đó, chị L. đã li hôn, có một con gái cùng mẹ già tàn tật, gia cảnh nghèo khó nên phải đi bán dâm kiếm tiền.

Với quyết tâm mưa dầm thấm lâu, không nao núng trong quá trình tuyên truyền vận động, Chủ tịch Hội LHPN phường vận động chị sinh hoạt  tại Hội phụ nữ. Trước đó, các cán bộ Hội phải nêu vấn đề và làm công tác tư tưởng với chị em để chị L. không bị kỳ thị khi tham gia Hội. Trong quá trình vận động luôn có sự tham gia của các đồng chí Phó Bí thư chi bộ, Công an phường.

Thấy chị L có chuyển biến muốn đi làm, Hội đã bảo lãnh cho chị vay vốn ngân hàng để mở hàng tạp hoá. Việc giúp chị mở của hàng tạp hoá vừa là tạo việc làm, vừa giúp chị dễ có cơ hội tiếp cận với nhiều chị em phụ nữ khác để hoà nhập cộng đồng.

Vừa giúp chị có công ăn việc làm ổn định, Hội cũng hỗ trợ sách vở, quần áo, khen thưởng cho con chị khi cháu được học sinh giỏi, động viên thăm hỏi mẹ chị khi ốm đau. Hội cũng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ sửa nhà cho chị. Khi có người muốn tiến đến hôn nhân với chị, Hội cũng đã tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hai bên, hỗ trợ tổ chức đám cưới và đăng ký kết hôn. Đến bây giờ, chị L đã thật sự hoà nhập cộng đồng, có gia đình hạnh phúc cùng một cô con gái và cậu con trai mới sinh.

Từ câu chuyện của chị L, bà Trương Thị Thu Thuỷ cho rằng, các ngành chức năng cần bổ sung chính sách hỗ trợ người bán dâm hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng. Và chính sách đó phải bao quát theo dõi suốt cả quá trình phấn đấu của người cần giúp đỡ.

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho phụ nữ; tăng cường giáo dục đạo đức cho thanh niên, đạo đức cho các bậc cha mẹ, tình yêu thương con người trong xã hội….

Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về giá trị đạo đức, nhân phẩm của phụ nữ để phụ nữ có lòng tự trọng, biết yêu quý chính mình, có kỹ năng sống vững vàng trước những cám dỗ của đồng tiền.

THỤY MIÊN