"Tập Cận Bình không nên ảo tưởng về khả năng chiến thắng Nhật Bản"

14/01/2014 08:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhật Bản với sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ gây ra một thất bại quân sự nhục nhã cho Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.

Bưu điện Hoa Nam ngày 13/1 dẫn phân tích của giáo sư Bùi Mẫn Hân từ trường Claremont McKenna, Mỹ nhận xét, cải cách, chiến dịch chống tham nhũng và quan hệ với Nhật Bản là những thách thức lớn nhất của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Sau khi lên nắm quyền từ cuối năm 2012, chiến lược chính trị của Tập Cận Bình là thắt chặt sự kiểm soát với hệ tư tưởng, trấn áp tham nhũng và đấu tranh cho một chính sách đối ngoại mang màu sắc dân tộc hơn và ông đã công bố một kế hoạch chi tiết cải cách kinh tế táo bạo bất thường.

Tập Cận Bình đã dành năm 2013 để củng cố quyền lực, vị trí và xây dựng chương trình làm việc của mình, năm nay ông Bình sẽ phải bắt đầu thực hiện lời hứa và chứng minh ông là người có khả năng sử dụng quyền lực khi Tập Cận Bình đã tích lũy nó. Thành công của Tập Cận Bình sẽ phụ thuộc vào cách ông xử lý 3 thách thức lớn đang phải đối mặt.

Thách thức đầu tiên là Tập Cận Bình phải thực hiện kế hoạch cải cách của mình vốn đã dấy lên cả sự phấn khích lẫn thái độ hoài nghi kể từ khi nó được công bố giữa tháng 10 năm ngoái. Những người lạc quan chỉ ra mục tiêu đầy tham vọng của kế hoạch này như bằng chứng về cam kết thực hiện cải cách của Tập Cận Bình.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân, chuyên gia về các vấn đề chính trị, quân sự Trung Quốc tại Mỹ.
Giáo sư Bùi Mẫn Hân, chuyên gia về các vấn đề chính trị, quân sự Trung Quốc tại Mỹ.

Trong khi những người chỉ trích, phê bình cho biết kế hoạch của Tập Cận Bình không rõ ràng và thiếu một thời gian biểu làm cơ sở cho sự thận trọng của ông. Để chứng minh nhận định của những người hoài nghi, chỉ trích là sai, Tập Cận Bình phải dùng chiến thuật hùng biện.

Điều này có nghĩa bắt đầu từ năm nay kế hoạch cải cách sẽ được thực hiện trong lĩnh vực hành chính, ví dụ như cấp giấy phép cho các ngân hàng tư nhân, tăng tính cạnh tranh bằng việc loại bỏ rào cản các công ty tư nhân nhập cảnh, tự do hóa lãi suất và trao đổi ngoại tệ, mở rộng quyền cư trú cho người lao động nhập cư.

Tập Cận Bình sẽ phải thực hiện theo các biện pháp chính thức hóa cải cách các lĩnh vực quan trọng nhất thông qua các văn bản luật. Ở đây cải cách ruộng đất sẽ là vấn đề khó khăn nhất, trong khi chương trình hành động của Tập Cận Bình chỉ có những lời hứa mơ hồ về tăng quyền sở hữu cho nông dân trong khi gần đây chính phủ Trung Quốc vẫn muốn hạn chế quyền đó.

Thách thức lớn thứ 2 Tập Cận Bình phải đối mặt cực kỳ nguy hiểm và lại rất phổ biến là chiến dịch chống tham nhũng. Có quan điểm cho rằng Tập Cận Bình đã loại trừ khả năng huy động công chúng hỗ trợ kế hoạch này, phương tiện duy nhất ông có thể sử dụng để buộc bộ máy quan liêu thực hiện theo chương trình hành động của ông là mối đe dọa của các cuộc điều tra tham nhũng và truy tố.

Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có bị truy tố hay không là một bài toán đau đầu đối với Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc có bị truy tố hay không là một bài toán đau đầu đối với Tập Cận Bình.

Nhưng kế hoạch này sẽ rất khó khăn để thực hiện không chỉ vì đây là hiện tượng đã quá phổ biến với quy mô rộng lớn mà còn là hoạt động phân chia lợi ích giữa các phe phái và các nhóm lợi ích. 

Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào số lượng lớn các quan chức Trung Quốc có khả năng dẫn đến sự tha hóa, bất mãn và chia rẽ trong tầng lớp thống trị.

Phép thử thực sự đối với kế hoạch của Tập Cận Bình là liệu ông có truy tố Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Trưởng ban Chính pháp trung ương hay không. 

Thòng lọng chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã xiết chặt xung quanh Chu Vĩnh Khang kể từ khi các tay chân thân tín của ông lần lượt bị bắt giữ.

Nhưng truy tố Chu Vĩnh Khang sẽ phá vỡ một nguyên tắc bất thành văn, một điều cấm kỵ, đó là miễn truy tố với các Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm và đã nghỉ hưu. 

Vì vậy Tập Cận Bình đang phải đối mặt với những điều khó xử, nếu ông ta tuân thủ nguyên tắc này thì chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động có nguy cơ đổ vỡ. Nhưng nếu ông bỏ tù Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình có thể làm suy yếu sự gắn kết trong giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viếng đền Yasukuni là một cái cớ để Trung Quốc chia rẽ trục quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe viếng đền Yasukuni là một cái cớ để Trung Quốc chia rẽ trục quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn.

Thách thức thứ 3 Tập Cận Bình phải đối mặt đó là tránh một cuộc xung đột không cần thiết với Nhật Bản. Tuyên bố của Bắc Kinh đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông và Thủ tướng Nhật Bản viếng đền Yasukuni đã khiến quan hệ Trung - Nhật rơi xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua và tiếp tục xấu đi.

Tập Cận Bình và các cố vấn của ông không nên ảo tưởng rằng một cuộc xung đột với Nhật Bản sẽ thúc đẩy vị thế của họ với công chúng Trung Quốc. Nhật Bản với sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ gây ra một thất bại quân sự nhục nhã cho Trung Quốc.

Tương lai chính trị của Tập Cận Bình tùy thuộc vào khả năng thực hiện lời hứa cải cách, đồng thời phải tránh xa một cuộc xung đột quân sự bất ngờ và tai hại với Nhật Bản.

Hồng Thủy